Lợi nhuận ngân hàng từ đâu ra ?

Lợi nhuận ngân hàng từ đâu ra ?
TP - Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bị hạn chế dưới 30%, ngừng đầu tư tài chính, chênh lệch lãi huy động và lãi vay thấp,… nhưng hàng loạt ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận khá hấp dẫn. Vậy các ngân hàng tìm ra lợi nhuận từ đâu khi khó cả trong lẫn ngoài?

Gần chục ngân hàng công bố lợi nhuận cuối tuần qua đều đem đến cho những người quan tâm ít nhiều bất ngờ.

Ít ai nghĩ trong tình hình này ACB lại lãi hơn 1.000 tỷ, Sacombank trên 754 tỷ, Eximbank 723 tỷ, BIDV 604 tỷ, Đông Á hơn 400 tỷ… Ngay cả một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ như Quân đội, Hàng Hải, Sea Bank cũng lời hàng trăm tỷ đồng…

Năm 2007, ACB lãi hơn 1.000 tỷ đồng từ đầu tư chứng khoán nhưng 6 tháng đầu năm 2008, ông Lý Xuân Hải, Tổng GĐ ngân hàng ACB cho biết ngân hàng này không đầu tư vào lĩnh vực này nữa và nguồn thu chủ yếu từ cho vay trên thị trường liên ngân hàng và phí từ sàn giao dịch vàng.

Trong khi nhiều ngân hàng phải đi vay lại từ các ngân hàng khác hoặc huy động với lãi cao ngất ngưởng thì ACB luôn có nguồn tiền để cho vay tại thị trường liên ngân hàng mà lãi suất nhiều thời điểm trên 20%, còn sàn vàng thì khá nhiều phiên phí thu về 1 tỷ đồng/phiên.

Hai nguồn thu chính này đã giúp ACB đạt lợi nhuận cao nhất trong các ngân hàng đã công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2008. Trong khi đó, Eximbank trông chờ chính vào kinh doanh ngoại tệ và vàng, hỗ trợ xuất nhập khẩu, tuy chưa có con số chính thức nhưng các nguồn trên đem lại hơn 80% lợi nhuận mà Eximbank thu được trong 6 tháng qua.

Không cao như hai ngân hàng trên nhưng con số lợi nhuận hơn 400 tỷ của Đông Á được xem là nỗ lực rất lớn như thừa nhận của Tổng GĐ Trần Phương Bình.

Kiều hối và dịch vụ là hai mảng thu chính đem đến lợi nhuận cao của Đông Á trong thời gian qua. Các dịch vụ của Đông Á như chi trả kiều hối tại nhà, NH 24 giờ… đang hoạt động rất khả quan. Sacombank, MB, Hàng Hải… cũng chú trọng và có nguồn thu lớn từ dịch vụ để bù đắp cho hoạt động cho vay đang bị siết chặt.

Một ngân hàng mới ra đời như ngân hàng Liên Việt cũng tung vào cho vay trong thị trường liên ngân hàng với số dư bình quân 2.500 tỷ đồng để lấy lãi suất bình quân 19%/năm, tính trung bình mỗi tháng Liên Việt lãi khoảng 40 tỷ đồng trong khi chi phí cho hoạt động chưa cao vì mới chính thức ra mắt hồi tháng 5/2008.

Những nghi ngại như lãi suất huy động lên tới 18-19%/năm, cộng với tỷ lệ dự trữ bắt buộc, dự trữ bảo đảm thanh toán, tồn quỹ tiền mặt... trong khi lãi suất cho vay không quá 21%/năm, vậy còn lời bao nhiêu?

Hay chứng khoán, nhà đất đều đóng băng, nguồn nào bù vào? Thật ra, lãi suất đầu vào 18-19% năm và đầu ra 21% chỉ mới có khoảng hơn 1 tháng nay. Trước đó, nhiều ngân hàng còn nguồn vốn huy động dưới 12%/năm để cho vay trên 18%/năm không phải ít, chưa kể từ 19/5 trở về trước nhiều ngân hàng còn cho vay đến 23-24% năm do không bị khống chế dưới 21%.

Chỉ có một số ngân hàng nhỏ phải chịu chênh lệnh giữa huy động và vay thấp do thiếu vốn còn phần lớn các ngân hàng đã công bố lợi nhuận như trên đều có thanh khoản tốt và lợi nhuận có từ khoản trên cũng không hề nhỏ. Trong tình cảnh nhiều khách hàng kêu ca vì lãi vay quá cao thì lợi nhuận từ nguồn này luôn là điều tế nhị của các ngân hàng.

Hiện nay nhiều ngân hàng vẫn hưởng lãi, thậm chí lãi cao trên 1,5%/tháng do đã điều chỉnh với những hợp đồng cho vay mua nhà, đất, tiêu dùng, mua xe hơi, du học… và những khách hàng vay dạng này những tháng đầu năm vẫn còn khả năng trả lãi. Phó Tổng GĐ phụ trách khối khách hàng cá nhân một ngân hàng cho biết: “Lợi nhuận từ những khoản vay dạng trên không còn được như năm trước nhưng “tích tiểu thành đại”.

Cho đến nay số khách hàng mất khả năng trả nợ rất nhỏ và không đáng kể”. Giá chứng khoán xuống mạnh nhưng nhiều ngân hàng vẫn chưa bị ảnh hưởng nặng do giá cầm cố khá thấp, nhiều khách hàng vẫn cố trả nợ để chờ “ngày mai tươi sáng”.

GĐ môi giới một Cty chứng khoán nhận định: “Phần lớn chứng khoán chỉ được cầm cao lắm là 50% giá trị và khách hàng phải rót tiền thường xuyên trả nợ để khỏi bị giải chấp nên các ngân hàng thường nắm đằng chuôi”. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng tỷ lệ tín dụng hạn chế dưới 30% đã được nhiều ngân hàng “xài” gần hết nên trong 6 tháng đầu năm có lợi nhuận cao cũng không có gì bất ngờ.

TS kinh tế Nguyễn Quang Hưng cho rằng, 6 tháng cuối năm khi mà các khoản vay từ năm 2007 đáo hạn, nhiều khách hàng phải tìm mọi cách trả nợ thì khi đó các khoản vay trên mới bị ảnh hưởng. Ông Hưng còn đánh giá: “Tuy nhiên với việc nhiều ngân hàng không phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động cho vay thì lợi nhuận năm 2008 có cao cũng không phải là điều khó hiểu”.

MỚI - NÓNG