Vựa na trên dãy Kai Kinh

Vựa na trên dãy Kai Kinh
TP- Khi mùa thu đến, cũng là lúc quả na bắt đầu chín. Những quả na đầu mùa nở mắt to tròn, ngọt lịm làm náo nhiệt cả vùng núi đá. Năm nay, na đắt khách bởi thương hiệu na dai Chi Lăng Lạng Sơn đã được nhiều người biết tiếng, tìm mua.
Vựa na trên dãy Kai Kinh ảnh 1
Na đầu mùa ở Chi Lăng

Chỉ về dãy núi đá Kai Kinh trập trùng chạy dọc quốc lộ 1A, Bí thư Đảng ủy xã Chi Lăng Dương Ngọc Đại hồ hởi: “Trên đó là những triền na, bà con đang lên núi hái quả chín về giao bán cho khách”. Huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) được coi là “vựa na” lớn nhất cả nước, khi chúng tôi đến đúng lúc na mới chớm vụ.

Miền đất xứ Lạng này có 2 nơi trồng na nổi tiếng: Na bở ở khu vực thị trấn Đồng Mỏ và na dai khu vực Đồng Bành, Chi Lăng.

Anh Nguyễn Văn Hoa (46 tuổi) một người trồng na ở Lũng Cút (thị trấn Đồng Mỏ) giới thiệu với chúng tôi: “Cây na được trồng nhiều trên núi đá có độ cao trên dưới 300 mét so với mực nước biển. Na thích ứng với triền núi đá, vậy nên càng lên cao, na càng phát triển tốt, cho quả to và vị ngọt đậm. Khoảng giữa tháng bảy âm lịch là na chín rộ, có quả to nặng trên nửa cân”.

Còn tại xã Chi Lăng, thị trấn Đồng Bành là nơi tập trung nhiều na dai. Na dai có ưu điểm ăn ngọt, để được lâu, không dễ nát, dễ bóc vỏ chính vì vậy mà thương gia từ các tỉnh: Bắc Ninh, Hà Nội, Thanh Hóa, TPHCM đánh ô tô lớn, nhỏ đến từ 2-3 giờ sáng để chờ na trên núi xuống mua gom mang về xuôi. Theo nhẩm tính của ông Đại năm nay ước tính xã có khoảng 350 ha na.

Nhiều hộ có vài trăm cây, tiền thu nhập cũng khá. Đầu vụ, na bán trên dưới 20 ngàn đồng/kg, vào ngày rằm, đầu tháng thì na càng có giá và đắt hàng. Năm ngoái, gia đình chị Chu Thị Vinh (thôn Quán Thanh), anh Nguyễn Văn Long (thôn Đồng Đĩnh, xã Chi Lăng) thu được gần 100 triệu đồng từ na.

Các hộ trồng na chủ yếu thu hái bằng phương pháp thủ công. Những cây na mọc trên núi cao, chênh vênh thì người dân dùng móc cắt quả làm bằng tre. Thông thường, chủ na dậy từ sáng sớm tinh sương để hái quả rồi gom thành từng gánh, quẩy theo triền núi xuống chợ bán.

Nhưng từ vụ 2006, các hộ trồng na ở Lũng Than, Lũng Cút (thị trấn Đồng Mỏ) góp tiền dựng nên “con đường na” nối từ chân núi lên đỉnh Kai Kinh. Cứ độ chừng 20-30 mét họ lại dựng một chiếc lán làm điểm tập kết rồi cho xe máy thồ na xuống. “Từ khi khi có con đường này, việc vận chuyển nhanh hơn lại đỡ vất vả, nguy hiểm hơn rất nhiều.

Ngày trước, đã có vụ cả na lẫn người trượt chân lao xuống vực. May cứu được người” - Chị Tân (vợ anh Nguyễn Văn Hoa), một người kỳ cựu trồng na tâm sự. Còn ở xã Chi Lăng, người trồng na lại sáng chế ra “máy chở na” bằng ròng rọc rất hữu ích. Trung bình chỉ độ 2-3 phút là một “lồ” na nặng trên dưới 30 cân được đưa từ đỉnh núi xuống chân đường cái một cách nhanh chóng. Hơn nữa, chiếc ròng rọc này còn làm nhiệm vụ chở phân bón, đồ ăn thức uống ngược lên núi cho người trồng na.

Hiện nay, huyện Chi Lăng có trên 5.000 ha cây ăn quả, trong đó na chiếm khoảng 1.000 ha, mỗi năm cho sản lượng trên 5.000 tấn quả, mang lại cho người trồng na gần 40 tỷ đồng. Bí thư  Đảng ủy xã Chi Lăng Dương Ngọc Đại cho biết: Do đầu năm có đợt rét đậm, rét hại kéo dài nên một phần cây na ở trên núi cao bị sương muối làm chết, “nhường” chất dinh dưỡng cho những cây còn sống nên quả na có vẻ to, ngọt hơn và được giá lắm.

Rồi ông Bí thư xã cho biết: Mới đây, xã Chi Lăng đã tổ chức Hội thi “Sản phẩm na dai lần thứ nhất”, tham gia có 18 đội đến từ các thôn và các xã bạn để khẳng định vị trí, vai trò của cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo trong toàn huyện, đồng thời tôn vinh, quảng bá nghề trồng na nơi mảnh đất Chi Lăng lịch sử. 

MỚI - NÓNG