Bất đồng về mức lương tối thiểu vùng:

14 triệu lao động, ai bảo vệ?

Công nhân khu công nghiệp, dè xẻn, tính toán từng đồng cho bữa ăn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Công nhân khu công nghiệp, dè xẻn, tính toán từng đồng cho bữa ăn. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Bất đồng về mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 đã khiến nhiều cuộc họp của Hội đồng Tiền lương Quốc gia chưa đạt kết quả. Vì sao lại có sự bất đồng quan điểm về cách tính lương?

Lao động đói khổ

Ông Vũ Quang Thọ-Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam-TLĐ) cho rằng, mức tăng lương 16,8 % là phù hợp nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động (NLĐ). Mức đề xuất cũng dựa trên căn cứ khảo sát của TLĐ ở trên 60 doanh nghiệp (DN) và trên 2.000 phiếu khảo sát NLĐ ở cả 3 miền (Bắc - Trung - Nam) và cả 4 vùng lương cơ bản. Căn cứ tiếp theo là kinh tế đã sáng hơn so với năm 2014-2015...

“Về tâm lý, người trả lương không bao giờ muốn trả thêm lương cho NLĐ. Với chủ sử dụng lao động trả thêm 1 đồng cũng là quá nhiều. Công nhân, lao động đang đói khổ nên chúng tôi cho rằng, 10 đồng vẫn là quá ít”, ông Thọ nói.

Theo bà Tống Thị Minh - Vụ trưởng Lao động Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), mức điều chỉnh lương phải vừa đáp ứng mức sống tối thiểu của NLĐ, đồng thời phù hợp với bối cảnh chung của nền kinh tế. Tương quan với sự phát triển của DN, đảm bảo việc làm, thu nhập của người lao động, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của quốc gia.

14 triệu lao động, ai bảo vệ? ảnh 1

Nếu lao động không cải thiện năng lực, khó đòi được mức lương thỏa đáng. Ảnh: Như Ý.

Năng suất lao động thấp, khó đòi lương cao

Bà Tống Thị Minh - Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, TLĐ kiến nghị điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2016 cao hơn phương án của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI - đại diện người sử dụng lao động) cũng như phương án của Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia. Đề xuất của TLĐ dựa trên mức lương tối thiểu vùng hiện tại còn thấp do so với nhu cầu sống tối thiểu; tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2015 (cũng như dự báo cả năm có khởi sắc và mức tăng CPI thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây). Bà Minh cho rằng, nếu thống nhất được, lương tối thiểu vùng năm 2016 điều chỉnh tăng ở mức 10-11% là phù hợp.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, mức tăng lương 10-11% phù hợp để đảm bảo DN có khả năng trả lương. Hơn nữa, việc tăng lương phải dựa trên tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp.

Đại diện giới chủ sử dụng lao động - VCCI cho rằng, VCCI vẫn giữ quan điểm tăng mức lương tối thiểu vùng năm tới 10% là hợp lý. Cùng đó, VCCI tiếp tục lấy thêm ý kiến các hiệp hội, DN, đồng thời sẽ có báo cáo về vấn đề tăng lương lên Thủ tướng.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, các ngành sử dụng nhiều lao động, chi phí tiền lương là một phần đáng kể, thậm chí mang tính quyết định, tạo nên sức cạnh tranh của hàng hóa. Đối với DN chi phí lao động chiếm trên 30% tổng chi phí, nếu tăng lương thêm 16% như TLĐ đề xuất, sẽ khiến giá thành tăng thêm khoảng 5%. Theo đó, tốc độ tăng lương tối thiểu cần bám sát tốc độ tăng năng suất lao động và tốc độ mất giá của đồng tiền. “Nếu tốc độ tăng lương vượt quá xa so với tổng của hai biến số trên, DN sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ, thậm chí phá sản. Tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại và thất nghiệp sẽ gia tăng”- ông Lộc nói.

Với tốc độ tăng năng suất lao động khoảng 3% như hiện nay, tốc độ trượt giá khoảng 1-3%, một mức tăng lương tối thiểu vùng khoảng 10% là hài hòa. Nếu tăng vượt mức trên, sẽ gây bất lợi về tạo thêm việc làm mới, thất nghiệp có thể gia tăng.

Đại diện VCCI phân tích, các số liệu cho thấy tốc độ tăng lương tối thiểu tại Việt Nam thời gian qua rất cao. Tiền lương tối thiểu đã tăng từ mức 350.000 đồng/tháng (năm 2005) lên mức 2.150.000 đồng/tháng (năm 2015 với vùng IV). Tính ra, tổng mức tăng chung cả giai đoạn trên là 6,14 lần, tương đương mức tăng trung bình khoảng 20%/năm. Trong khi đó, 10 năm qua, mức tăng năng suất lao động trung bình chỉ khoảng 3%/năm. Cộng với mức trượt giá gần 10%/năm. Có thể thấy giữa tốc độ tăng lương và tăng năng suất lao động vẫn còn khoảng cách rất lớn. DN gần như không thể chịu đựng với mức lương tăng cao, kéo dài đó.

Đại diện VCCI cho biết, tình trạng lao động ở nông thôn sẽ trở nên “căng” hơn khi Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Lúc đó, hàng nhập khẩu giá rẻ sẽ chèn ép chăn nuôi trong nước, khoảng 10 triệu hộ chăn nuôi (phần lớn nhỏ lẻ) sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Những ngành sử dụng nhiều lao động và hưởng lợi từ TPP như dệt may, da giày, lắp ráp điện tử, thủy sản… nếu vì chi phí nhân công cao, tăng trưởng đầu tư thấp, không tạo thêm việc làm mới, thất nghiệp sẽ trở thành vấn đề nhức nhối đối với nền kinh tế.

Theo VCCI, việc tăng lương tối thiểu cao quá, sẽ không khuyến khích DN đầu tư mới, tạo việc làm. Mặt khác, với các DN đang hoạt động, gần 70% không có lãi. Việc tăng lương không hợp lý, khiến gia tăng số DN thua lỗ, phải thu hẹp sản xuất. Số NLĐ ở thành thị có nguy cơ mất việc, bị đẩy về nông thôn, khiến gia tăng tình trạng thất nghiệp và gây bất ổn xã hội.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.