Gánh hàng rong long đong kiếm Tết

Gánh hàng rong long đong kiếm Tết
TP - Cận Tết, người bán hàng rong mong sao kiếm được chút tiền tiêu tết. Từ ba giờ sáng, hàng vạn gánh hàng rong lại bắt đầu với cuộc mưu sinh chốn Hà thành.

Sau sáu tháng triển khai lệnh cấm hàng rong, trả lại không gian sạch sẽ cho những phố phường thủ đô Hà Nội, một số gánh hàng rong dần dần trở về quê, chuyển sang mưu sinh việc khác...

Chị Nguyễn Thị Ly (Phú Xuân, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) với gánh hàng rong nặng trĩu ở khu chợ tạm bên đường Kim Ngưu nói: “Đi bán thế này lãi lời chả được mấy. Đến giờ nhà cháu mới bán được hai cân quýt, ba cân củ đậu”.

Trên phố Bà Triệu cấm bán hàng rong, chị Nguyễn Thị Tương (Bình Bộ, Phú Thọ) đếm đi đếm lại nắm tiền vụn trên tay được 21 nghìn cho cân táo và mấy lạng mã thầy bán được trong cả ngày.

Ở quê, chị Tương có hai sào ruộng nhưng năm nay mất mùa. Chị kể, “bình thường hai sào ruộng cũng được mấy tạ thóc nhưng mùa rồi chị chả mót được mấy hạt”.

Cũng như bao người bán hàng rong khác, chị Tương biết đây là tuyến phố cấm, nhưng vì mưu sinh vẫn phải chấp nhận rủi ro.

Chị Nguyễn Thị Thanh (Chí Linh, Hải Dương) cùng đứa con ba tháng tuổi và chồng  thuê trọ ở căn phòng 6m2 ở khu Thanh Lương vì ở quê không có ruộng, không nghề phụ.

Chị Phạm Thị Tuyết (Việt Yên, Bắc Giang) trở thành con nợ phải lên thành phố kiếm sống vì bị cò lừa 25 triệu đồng, khi xin đi xuất khẩu lao động sang Malaysia cho đứa con gái lớn.

Lách luật

GS Tiến sĩ Tô Duy Hợp, nguyên Trưởng phòng Xã hội học Nông thôn, Viện Xã hội học (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết, cấm bán hàng rong là đúng trên phương diện mỹ quan thành phố. Song không tính đến những vấn đề an sinh xã hội với 10.000 người lao động lên Hà Nội kiếm sống.

Giải pháp cho hàng vạn người bán hàng rong phải về quê là không khả thi. Không có việc ở quê, họ lại lên thành phố kiếm sống.

Các nhà quản lý nên lập chợ quê ở ngay thành phố, quy định giờ bán cụ thể để hàng rong có nơi kiếm kế sinh nhai, giải quyết nhu cầu được bán hàng của họ.

Ước tính, lượng người quay trở lại nội thành Hà Nội bán hàng rong tăng lên khoảng 80% so với hồi đầu tháng 8/2008. Chủ yếu họ đến từ Đan Phượng, Ba Vì, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai (Hà Nội), Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình…

Trước đó, theo một lãnh đạo sở Thương mại Hà Nội,  trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 10.000 người bán hàng rong, 90% là người ngoại tỉnh.

Theo ông Đặng Minh Đức, Đội trưởng đội trật tự phản ứng nhanh quận Hoàn Kiếm, nơi có 16 tuyến phố cấm hàng rong từ ngày 1/7/2008, tình trạng người bán hàng rong vi phạm vẫn còn rất nhiều.

Ông Đức cũng cho biết, quận Hoàn Kiếm có tới 3.030 gánh hàng rong buôn bán trên các tuyến phố.

Trong sáu tháng thực hiện lệnh cấm bán hàng rong, có 8.982 trường hợp vi phạm trật tự công cộng và thu hơn 700 triệu đồng. Riêng phường Đồng Xuân xử phạt 1.318 hàng rong vi phạm, phạt thu 23 triệu đồng nộp ngân sách.

Ông Đức nói, người bán hàng rong bắt đầu lách luật như chuyển từ quang gánh sang bê thúng, cất hàng trong bao tải để trong ngõ rồi lấy từng ít hàng cho vào túi xách đi bán trên đường phố.

Theo ông Vũ Quốc Toản, Phó trưởng Công an phường Đồng Xuân, người bán hàng rong trong khu phố cổ thường không có nơi ở nhất định, giờ hành chính họ vào phố cổ bán rong nên khó có thể quản lý.

Họ lên Hà Nội kiếm sống theo thời vụ nên rất khó nắm được số lượng chính xác số người ở  lại hay về bao nhiêu người sau lệnh cấm. 

MỚI - NÓNG