Bánh răng bừa xuất ngoại

Bánh răng bừa xuất ngoại
TP - Trong khi nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống không tìm được đầu ra, bánh răng bừa (còn gọi là bánh tẻ) Phụng Công (huyện Văn Giang, Hưng Yên) vẫn vươn ra thế giới.
Bánh răng bừa xuất ngoại ảnh 1
Công nhân làm bánh tẻ tại cơ sở Hường  Thắng. Ảnh: N.M

Làng bánh tẻ Phụng Công có hơn 20 hộ sản xuất, thu hút gần 300 lao động (thu nhập trên hai triệu/người/tháng).

Anh Đỗ Toàn Thắng, chủ cơ sở Hường Thắng, một trong những hộ làm bánh tẻ ngon nhất làng nói: “Một ngày trung bình cơ sở sản xuất được hơn 10.000 chiếc bánh. Dịp lễ tết, số lượng bánh ra lò lên đến 30.000 chiếc.

Trước đây, do giá nguyên liệu tăng cao, sản phẩm chỉ tiêu thụ được trong nước theo đơn đặt hàng. Nay cơ sở tìm được nguồn nguyên liệu thay thế với chất lượng tương đương mà giá thành lại rẻ hơn nên sản phẩm bán chạy”. Cơ sở Hường Thắng có 15 lao động, mỗi lao động gói 1.000 bánh/ngày được trả công 70.000 đồng. 

Chị Nguyễn Thị Minh, công nhân cơ sở Hường Thắng tâm sự: “Chúng tôi có việc làm có quanh năm, bận rộn nhất vào mùa đông. Có ngày tôi gói được 1.500 chiếc”.

Sản phẩm bánh tẻ của Hường Thắng có mặt ở nhiều nước như Đức, Thái Lan... Anh Thắng cho biết thêm: “Vì lượng bánh tiêu thụ ngày càng nhiều không chỉ trong nước mà cả nước ngoài nên chúng tôi đầu tư thêm nồi hơi chứ không luộc bánh như các hộ khác trong làng. Nồi hơi tiết kiệm được thời gian làm bánh mà bánh chín ngon, thơm. Công nghệ hút chân không cho bánh, bánh của Phụng Công đi nước ngoài vẫn đảm bảo chất lượng”.

Mỗi năm, doanh thu từ bánh tẻ của cơ sở Hường Thắng lên đến vài trăm triệu đồng.

Liên quan đến vấn đề lao động làng nghề thất nghiệp, Báo Tiền Phong nhiều bài phản ánh tại các số 13, (ngày 13/1), bài “Năm triệu lao động làng nghề thất nghiệp”; Số 42 và 43 (ngày 11 và 12/2), bài hai kỳ “Tiếp bài năm triệu lao động làng nghề thất nghiệp: Các bộ báo cáo gì?”.

Cơ sở Túc Nguyệt cũng thu hút khá đông lao động, chủ yếu là nữ. Ông Túc cho hay: Có những tháng cuối năm, đơn đặt hàng từ nước ngoài về nhiều, công nhân ở Túc Nguyệt phải làm việc 24/24 giờ.

Con đường xuất ngoại của bánh tẻ Phụng Công thật tình cờ. Cách đây mấy năm, Phạm Đình Quý, một người trong làng, tự thiết kế trang web, đưa bánh chào bán. Một doanh nhân người Đức đọc được và trở thành đại lý nước ngoài đầu tiên của bánh tẻ Phụng Công. Cùng đó, theo đường du lịch, nhiều người Việt khi ra nước ngoài mang theo bánh tẻ như một món ăn không thể thiếu trong hành trình xa xứ.

Sản phẩm bánh tẻ làng Phụng Công đã được cơ quan chức năng công nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bởi được luộc chín và không thải chất thải độc hại ra môi trường. Năm 2005, tại cuộc triển lãm văn hoá ẩm thực diễn ra ở Hà Nội, hàng vạn chiếc bánh tẻ Phụng Công được bán, thêm phần quảng bá sản phẩm ẩm thực độc đáo của đất Việt.

Giá bán bánh tẻ trong nước dao động 1.200-2.000 đồng/chiếc nhưng khi xuất ra nước ngoài có thể lên đến 20-25USD/chiếc.

Ông Phạm Văn Tú - Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Công  khẳng định: “Cả nước ta chỉ có làng Phụng Công mới làm được loại bánh tẻ ngon mà không bị bở”. Ông Tú cũng cho biết, UBND xã đang xây dựng thương hiệu bánh tẻ Phụng Công nên việc kiểm tra chất lượng sản phẩm và quảng bá thương hiệu luôn được chú trọng. Đó cũng là bí quyết để bánh tẻ Phụng Công vẫn nườm nượp ra thị trường trong lúc đặc biệt khó khăn này.

Bánh răng bừa được làm từ gạo tám xoan Hải Hậu. Gạo ngâm mục rồi xay bằng nước vôi trong. Nhân bánh gồm: thịt, hành khô, mộc nhĩ. Bánh được gói trong lá dong rồi hấp hoặc luộc.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.