Trân trọng từng đồng vốn ODA

Trân trọng từng đồng vốn ODA
TPO - “Việt Nam luôn trân trọng từng đồng vốn ODA và bảo đảm thực hiện các cam kết với trách nhiệm cao với các nhà tài trợ”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tại Hội nghị Nhóm các nhà tư vấn cho Việt Nam (CG) sáng nay.
Trân trọng từng đồng vốn ODA ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các thành viên Chính phủ tại Hội nghị Nhóm các nhà tư vấn cho Việt Nam sáng nay. Ảnh : Phạm Tuyên

Lạm phát của Việt Nam có thể ở mức hai con số ?

Theo đánh giá của đại diện IMF, triển vọng ngắn hạn có thể vẫn khá thách thức đối với Việt Nam. Dự báo mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2010 ở mức 6%. Lạm phát có thể sẽ tăng từ 7% trong năm 2009 lên mức hai con số do tăng trưởng tín dụng mạnh trong thời gian gần đây. Giá hàng hóa thế giới cao trở lại cũng sẽ tác động đến giá cả trong nước.

Phát biểu tại Hội nghị CG với chủ đề “Phục hồi tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ và nhân dân Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của cộng đồng quốc tế, trong đó nguồn ODA có vai trò rất quan trọng.

Thủ tướng cho biết trong 16 năm qua, ODA đã thực sự là một nguồn lực quan trọng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng cường thể chế, phát triển các lĩnh vực xã hội như y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, phát triển nông thôn, đặc biệt trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng thị trường trong nước. Chính phủ cũng tập trung sức phát triển nông nghiệp và nông thôn, đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo bước tiến mới trong cải cách hành chính.

“Việt Nam luôn trân trọng từng đồng vốn ODA và bảo đảm thực hiện các cam kết với trách nhiệm cao với các nhà tài trợ. Chính phủ sẽ nỗ lực và tập trung chỉ đạo để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn ODA”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Ông Shogo Ishii, Trợ lý Vụ trưởng Vụ châu Á- Thái Bình Dương, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam cần lưu ý giải quyết một số “nút thắt”. Vấn đề ngay trước mắt quan trọng nhất cần giải quyết là áp lực đối với cán cân thanh toán.

Sự nới lỏng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa theo chương trình kích thích kinh tế đã đẩy mạnh nhập khẩu, góp phần làm thâm hụt cán cân thương mại lớn quay trở lại.

“Việc tiếp cận với ngoại tệ đã trở nên khó khăn, gây chi phí cho các doanh nghiệp và gây ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của các nhà đầu tư về Việt Nam nói chung”- Ông Shogo Ishii nói.

Theo đánh giá của đại diện IMF, triển vọng ngắn hạn có thể vẫn khá thách thức đối với Việt Nam. Dự báo mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2010 ở mức 6%. Lạm phát có thể sẽ tăng từ 7% trong năm 2009 lên mức hai con số do tăng trưởng tín dụng mạnh trong thời gian gần đây. Giá hàng hóa thế giới cao trở lại cũng sẽ tác động đến giá cả trong nước.

“Triển vọng về cán cân thanh toán là một thách thức lớn nhất với Việt Nam. Những dự báo của chúng tôi cho thấy Chính phủ có khả năng thu hẹp thâm hụt cán cân vãng lai xuống mức trên 7%”-Ông Shogo cho biết.

Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Mark Kent khẳng định Vương quốc Anh sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong việc duy trì đà cải cách, tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên: Phát triển; thương mại và đầu tư; các vấn đề quốc tế; giáo dục và ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp và tội phạm có tổ chức.

“Chúng tôi hoanh nghênh các nỗ lực của Chính phủ tăng cường giảm nghèo, đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận các dịch vụ cơ bản và đưa ra các biện pháp cụ thể để thực thi chiến lược bảo vệ xã hội. Chúng tôi cũng đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong việc gỡ bỏ các rào cản để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục”- Đại sứ Kent nói.

Việt Nam đạt được hai mốc quan trọng về chống tham nhũng

Đề phòng bong bóng về chứng khoán, BĐS

UNDP cảnh báo : Trong ngắn hạn Chính phủ cần tinh lọc chiến lược vượt qua hậu khủng hoảng của mình. Điều này sẽ đòi hỏi giảm bớt các nỗ lực kích thích kinh tế nhằm hạn chế tối đa nguy cơ thổi phồng các bong bóng mới về tài sản trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Cùng với việc đưa ra một số giải pháp cho việc điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình thừa nhận kinh tế Việt Nam trong thời gian còn lại của năm 2009 và năm 2010 vẫn tiềm ẩn những thách thức to lớn về kinh tế vĩ mô.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết các cân đối vĩ mô của nền kinh tế chưa thật vững chắc. Các chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng có nguy cơ dẫn đến lạm phát, tạo sức ép lên thị trường ngoại hối và công tác điều hành tỷ giá.

Ông Bình cho biết trong năm 2010, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh linh hoạt các mức lãi suất để kiểm soát mặt bằng lãi suất thị trường ở mức hợp lý, hoàn thiện cơ chế dự trữ bắt buộc và điều hành linh hoạt công cụ này. Đặc biệt sẽ có các biện pháp ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Khuyến nghị về một số giải pháp điều hành của Chính phủ, cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) cho rằng Việt Nam đã phản ứng nhanh và chủ động trước cuộc suy thoái tài chính toàn cầu. Hiện thời kỳ kinh tế tồi tệ nhất đã qua nhưng thách thức vẫn còn trong trung hạn.

Theo đánh giá của cơ quan này, trong ngắn hạn Chính phủ cần tinh lọc chiến lược vượt qua hậu khủng hoảng của mình. Điều này sẽ đòi hỏi giảm bớt các nỗ lực kích thích kinh tế nhằm hạn chế tối đa nguy cơ thổi phồng các bong bóng mới về tài sản trên thị trường chứng khoán và bất động sản. Điều cần lưu ý nữa là cần giảm bớt các sức ép không cần thiết lên cán cân thanh toán và cần tăng cường tính cạnh tranh đối với bên ngoài.

“Trong năm qua, Việt Nam đã đạt được hai mốc quan trọng trong công tác đấu tranh chống tham nhũng. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ thiết lập một lộ trình minh bạch hóa trong đó xác định rõ các cơ quan nhà nước sẽ cần phải làm gì trong thời gian cụ thể và sự phối hợp giữa các cơ quan này”- UNDP đánh giá.

Theo UNDP, mốc quan trọng đầu tiên là "Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng tới năm 2020" đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Kế hoạch hành động cho chiến lược này hiện đang được phát triển và sẽ sớm có hiệu lực. Mốc quan trọng thứ hai là việc Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng (UNCAC) vào tháng 6/2009. Đây là công cụ mang tính ràng buộc pháp lý toàn cầu đầu tiên trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Cam kết ODA : ADB - 2 tỷ USD, Nhật Bản - 1,6 tỷ USD 

Trong phiên khai mạc, đại diện của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cam kết nguồn vốn ODA cho Việt Nam lên tới 2 tỷ USD và Chính phủ Nhật Bản cam kết hỗ trợ nguồn ODA trị giá 1,6 tỷ USD trong việc mở rộng sân bay Nội Bài, xây dựng cầu đường và đoạn đường Láng - Hòa Lạc…

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam cho rằng, với những kết quả đã thực hiện trong năm 2009, Việt Nam đã chứng minh được khả năng vượt qua những khó khăn, thách thức của mình.

Tuy nhiên, để kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững trong tương lai còn có khá nhiều vấn đề được đặt ra, như: việc xác định rõ ràng và chính xác nhất tác động của khủng hoảng tài chính ảnh hưởng tới nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam, vấn đề xóa đói giảm nghèo, việc làm, an sinh xã hội; bước kế tiếp sau gói kích cầu của Chính phủ và vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đối với tăng trưởng kinh tế và vấn đề giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu…

Hội nghị CG đã thu hút sự tham dự của đại diện đến từ 34 quốc gia và 10 tổ chức phát triển quốc tế. Hội nghị năm nay tập trung vào các vấn đề như: đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô, tái cầu trúc nền kinh tế để tăng trưởng trong thời kỳ thế giới hậu khủng hoảng - lộ trình cải cách khư vực doanh nghiệp nhà nước, cách thức mới cho giảm nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu, hiện đại hóa dịch vụ công, phòng chống tham nhũng và đảm bảo phát triển bền vững.

Báo cáo của Chính phủ tại Hội nghị cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế Việt Nam trong năm còn nhiều hạn chế yếu kém. Điển hình ngành công nghiệp tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm qua. Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất là âm 4,4% trong tháng 1/2009. Tính bình quân cả năm tăng trưởng công nghiệp vẫn ở mức thấp.

Kim ngạch xuất khẩu giảm nhiều so với năm 2008 do tác động của giảm giá xuất khẩu, ảnh hưởng đến đến nguồn thu ngoại tệ và cán cân thanh toán quốc tế.

Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị năm 2009 còn ở mức cao, các chỉ tiêu việc làm và xuất khẩu lao động không đạt kế hoạch đề ra. Tình hình ô nhiễm môi trường sống, vệ sinh an toàn thực phẩm đang trở thành vấn đề bức xúc trong xã hội, đòi hỏi phải được quan tâm giải quyết bằng nhiều biện pháp, chính sách một cách đồng bộ.

MỚI - NÓNG