Cận cảnh con tàu Vinashin: Quản lý công nợ lạ lùng

Cận cảnh con tàu Vinashin: Quản lý công nợ lạ lùng
TP - Trong mớ lùm xùm nợ nần của Tập đoàn và của các công ty con thành viên Tập đoàn, chúng tôi chỉ đề cập một vài khía cạnh yếu kém đến lạ lùng trong lĩnh vực quản lý nợ của Tập đoàn Vinashin.

Việc quản lý nợ và hạch toán các khoản tài sản lớn của nhà nước được thực hiện ra sao tại tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam?

Cận cảnh con tàu Vinashin: Quản lý công nợ lạ lùng ảnh 1
Tàu đang được hoàn thiện tại nhà máy đóng tàu Nam Triệu. Ảnh: P.D

Công ty mẹ - quên hạch toán 3.900 tỷ đồng

Một trong những yếu kém nổi lên chính là việc hạch toán không đúng vốn điều lệ. Cụ thể, công ty mẹ chưa hạch toán số vốn đã đầu tư vào các công ty con với số tiền lên đến 3.955 tỷ đồng tính đến hết năm 2007.

Theo báo cáo hạch toán của các công ty con thì tổng số vốn mà công ty mẹ đầu tư vào công ty con là 4.946 tỷ đồng. Nhưng thật bất ngờ, không hiểu vì lý do gì công ty mẹ lại “quên” không hạch toán đầy đủ số vốn này mà chỉ khiêm tốn hạch toán có 990 tỷ đồng.

Kết quả kiểm tra đã làm rõ số tiền mà công ty mẹ quên không hạch toán gồm: Vốn góp bằng thương hiệu Vinashin là 1.270 tỷ đồng, vốn góp bằng tài sản, lợi nhuận để lại 2.504 tỷ đồng và vốn góp bằng các khoản đầu tư khác là 181 tỷ đồng.

Bên cạnh việc hạch toán thiếu, không đúng vốn điều lệ, cơ quan chức năng cũng chỉ ra tại Vinashin việc hạch toán, xử lý công nợ chưa có căn cứ, không đúng nguyên tắc với số tiền 33 tỷ đồng. Gồm, 5 đơn vị được thanh tra đã để công nợ phải thu khó đòi phát sinh từ năm 2000 trở về trước chưa được xử lý là 7,2 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ là 421 triệu đồng; Tổng Cty CNTT Nam Triệu 247 triệu đồng; Tổng Cty CNTT Bạch Đằng 6,6 tỷ đồng.

Đặc biệt, Tổng Cty CNTT Bạch Đằng hạch toán nợ phải trả chưa xử lý là 24,6 tỷ đồng gồm: hạch toán nợ phải trả Liên Xô cũ 23,8 tỷ đồng, nhưng không có hồ sơ công nợ; Hạch toán nợ phải trả nhưng thực tế không có chủ nợ 542 triệu đồng; Vật tư hàng hoá hư hỏng, mất phẩm chất chưa xử lý để thu hồi vốn giá trị 245 triệu đồng.

Ngoài ra, cơ quan chức năng đưa ra kết luận có hai đơn vị xử lý nợ khó đòi không đúng quy định số tiền 1,1 tỷ đồng đó là: Công ty CNTT Nha Trang nợ khó đòi chưa đủ căn cứ xoá nợ, nhưng đã hạch toán vào chi phí sản xuất số tiền trên 200 triệu đồng. Tương tự, tại Tổng Cty CNTT Bạch Đằng, số tiền này là trên 900 triệu đồng.

Cận cảnh con tàu Vinashin: Quản lý công nợ lạ lùng ảnh 2

Nợ nội bộ quá hạn gần 1.300 tỷ đồng

Cụ thể, công ty mẹ cho các công ty con vay nhưng tại thời điểm 31-12-2007 đã để công nợ nội bộ quá hạn thanh toán với số tiền rất lớn 1.293 tỷ đồng. Trong đó nợ gốc là 1.102 tỷ đồng, nợ lãi vay 190 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Tập đoàn, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ quá hạn lớn như vậy là do các đơn vị trong Tập đoàn đang trong quá trình đầu tư nên thiếu nguồn trả nợ và Tập đoàn đã gia hạn cho các đơn vị.

Vì sao một Tập đoàn kinh tế vừa thành lập lại mạnh dạn vay những khoản tiền khổng lồ lên đến 70.000 tỷ đồng làm cho khoản vay chiếm đến 91% giá trị của doanh nghiệp?

Chỉ khi rà lại công tác đầu tư của Tập đoàn này, người ta mới thấy rằng: điều đó không có gì ngạc nhiên! Số vốn mà Tập đoàn này đang cần để đầu tư lên đến gần 10 tỷ đô la (158.000 tỷ đồng) và còn hơn thế nữa.

Trong quá trình thanh tra tại Tập đoàn Vinashin, đã phát hiện 4 đơn vị hạch toán thiếu nguyên giá tài sản cố định do đầu tư xây dựng cơ bản đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng số tiền 528 tỷ đồng gồm: Tổng Cty CNTT Nam Triệu hạch toán thiếu nguyên giá tài sản cố định (TSCĐ) của 6 công trình xây dựng cơ bản đã đưa vào sử dụng số tiền 230 tỷ đồng và trích thiếu chi phí khấu hao số tiền là 9 tỷ đồng.

Tương tự tại Cty CP CNTT Hoàng Anh đã hạch toán thiếu nguyên giá TSCĐ 295 tỷ đồng. Tổng Cty CNTT Bạch Đằng hạch toán thiếu nguyên giá TSCĐ số tiền 1,6 tỷ đồng.

Công ty CNTT Dung Quất hạch toán thiếu nguyên giá và chưa trích khấu hao tài sản cố định mua sắm từ năm 2005, cụ thể: Xe ô tô ISUZU trị giá 565 triệu đồng và 19 máy hàn, 10 bộ thiết bị cắt hơi, 4 xe cát nhiệt tự hành trị giá 47 triệu đồng. Công ty cũng hạch toán thiếu chi phí lãi vay cho hoạt động đầu tư số tiền 2,5 tỷ đồng.

Trong lúc có nhiều đơn vị hạch toán thiếu nguyên giá TSCĐ thì lại có đơn vị hạch toán tăng không đúng vào chí phí xây dựng cơ bản. Cụ thể, Cty TNHH một thành viên CNTT Cái Lân hạch toán tăng không đúng vào chi phí xây dựng cơ bản dở dang số tiền trên 4,2 tỷ đồng về khoản lãi định mức và thuế GTGT của dự án xây dựng hạ tầng cụm CNTT Cái Lân (Quảng Ninh).

Cận cảnh con tàu Vinashin: Quản lý công nợ lạ lùng ảnh 3
Mặc dù đầu tư vào các Cty con 4.000 tỷ đồng nhưng trong sổ sách, Cty mẹ chỉ hạch toán có 990 tỷ đồng. Nhà máy đóng tàu Cam Ranh. Ảnh: Đình Quân

Nhiều tỷ đô la - không phủ khắp các dự án

Tòa soạn Tiền Phong thông báo

Loạt bài phóng sự Cận cảnh con tàu Vinashin của tác giả Phùng Sưởng, phóng viên báo Tiền Phong, gây chú ý đặc biệt với đông đảo bạn đọc và dư luận xã hội.

Tuy mới khởi đăng được 3 kỳ, các bài viết đã chia sẻ nhiều ưu tư về cách tính toán làm ăn ở một tập đoàn kinh tế lớn của đất nước, trong đó có cả vấn đề năng lực trình độ và trách nhiệm quản lý, trách nhiệm giám sát một dự án lớn. Để rồi đặt lại cả vấn đề cơ chế quản lý, sự minh định vị trí vai  trò lịch sử và số phận của các tập đoàn kinh tế lớn hàng đầu trong nền kinh tế của nước ta hiện nay.

Trên tinh thần cầu thị, nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật theo tinh thần đổi mới từ Đại hội VI của Đảng, loạt bài phóng sự Cận cảnh con tàu Vinashin còn đặt ra vấn đề trách nhiệm với đất nước.

Báo Tiền Phong xin tạm dừng đăng loạt phóng sự này sau kỳ thứ ba, và sẽ thông tin tiếp tục đến bạn đọc vào một thời điểm thích hợp. Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã chia sẻ cùng Tiền Phong.

Tại 10 đơn vị được xếp hàng “anh cả” trong Tập đoàn Vinashin đã có 122 dự án được duyệt với tổng mức đầu tư 54.179 tỷ đồng. Trong nhiều loại vốn cho đầu tư, vốn ngân sách nhà nước có nhưng khiêm tốn với khoảng 1.453 tỷ đồng.

Trong bối cảnh còn khó khăn, việc nhà nước rót số tiền đó về cho Tập đoàn Vinashin cũng đánh dấu sự cố gắng lớn. Bên cạnh vốn ngân sách là khoản vốn khổng lồ do công ty mẹ đảm trách với số tiền 14.152 tỷ đồng.

Đáng nể nhất là sự mạnh dạn của chính các công ty thành viên với khoản tự vay 38.573 tỷ đồng. Đến hết tháng 12-2007, có 116 dự án đã và đang triển khai, giá trị khối lượng đã nghiệm thu thanh toán trên 15.771 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ đô la); vốn đã giải ngân trên 18.418 tỷ đồng trong đó vốn ngân sách 107 tỷ đồng, vốn tập đoàn 8.487 tỷ đồng và vốn các đơn vị tự vay 9.822 tỷ đồng.

Bên cạnh những dự án đã chỉ rõ được nguồn vốn, theo cơ quan chức năng, một số dự án chưa chỉ rõ cụ thể nguồn vốn đầu tư. Hơn thế, trong các quyết định phê duyệt tổng mức đầu tư một số dự án không bố trí nguồn vốn của công ty mẹ đảm trách, tuy nhiên trên thực tế khi thanh toán số dự án này lại dùng vốn trái phiếu quốc tế, vốn vay Tập đoàn để thanh toán.

Cụ thể: Tổng Cty CNTT Nam Triệu khi thực hiện 19 dự án thuộc loại không bố trí nguồn vốn Tập đoàn đảm trách, nhưng đơn vị đã dùng nguồn trái phiếu quốc tế thanh toán số tiền 1.045 tỷ đồng. Tại Cty CNTT Nha Trang cũng xảy ra tình trạng tương tự, dự án không chỉ rõ trong quyết định phê duyệt dự án nguồn vốn Tập đoàn bố trí nhưng đã dùng nguồn vốn trái phiếu quốc tế và vay Tập đoàn thanh toán cho các dự án với số tiền 388 tỷ đồng (nguồn trái phiếu quốc tế 325 tỷ đồng).

Đặc biệt theo chủ trương và phê duyệt dự án thì hầu hết các dự án cơ bản được hoàn thành trong năm 2007, tuy nhiên việc triển khai dự án đều chậm. Một trong các nguyên nhân quan trọng chính là do khả năng đáp ứng về vốn quá hạn chế.

Ví như, để hoàn thành các dự án như đã duyệt thì nhu cầu vốn năm 2008, 2009 cần có 35.761 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ đô la). Trong cơ cấu vốn hai năm này, nguồn từ ngân sách nhà nước và Tập đoàn chỉ đảm trách 7.000 tỷ đồng. Còn lại, các đơn vị phải tự đi vay 28.700 tỷ đồng.

Tại thời điểm thanh tra (giữa năm 2008) hầu hết các doanh nghiệp đều báo cáo rất đói về vốn, chưa tìm được nguồn để cân đối vốn đầu tư như: Cty CNTT Nha Trang 891 tỷ đồng; Cty CNTT Cái Lân 495 tỷ đồng; Tổng Cty CNTT Bạch Đằng 2.400 tỷ đồng; Tổng Cty CNTT Nam Triệu 3.982 tỷ đồng; Cty CNTT Phà Rừng 3.749 tỷ đồng.

Bảo vệ Vinashin xô xát, tước máy quay của phóng viên

Theo tường trình của anh Nguyễn Sinh Lượng (SN 1981, biên tập viên chương trình Tiếng nói người dân, kênh VBC), khi nhóm PV đang tác nghiệp dưới lòng đường Ngọc Khánh thì một nhóm đông người từ trong trụ sở Vinashin chạy ra đánh rồi cướp máy quay của anh Lê Việt Hùng (SN 1986, nhân viên quay phim). Trong số này, có cả những người mặc đồng phục bảo vệ và người mặc thường phục.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc kênh VBC - cho biết, từ thông tin phản ánh của người dân, nhóm PV này được cơ quan giao đi quay cảnh một số  đơn vị đến trụ sở Vinasshin đòi nợ. Các PV không làm việc với Vinashin, chỉ đứng ngoài đường Ngọc Khánh ghi hình, song vẫn vô cớ bị một số bảo vệ tại đây hành hung.

Ông Liêm cho biết thêm, những nhân viên này thuộc một Cty dịch vụ bảo vệ, được Vinashin thuê bảo vệ trụ sở. Đến cuối giờ chiều qua, tại Công an phường Giảng Võ, các PV vẫn chưa nhận lại được máy quay đã bị các bảo vệ này thu giữ trái phép.

Trung tá Hoàng Thọ Giáp, Trưởng Công an phường Giảng Võ xác nhận bảo vệ trụ sở Vinashin đã nộp lại chiếc máy quay thu giữ của nhóm PV trên, song vụ việc vẫn đang trong quá trình được điều tra.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".