Người tiêu dùng tự làm khổ mình vì lợn tai xanh

Người tiêu dùng tự làm khổ mình vì lợn tai xanh
TPO – Thịt lợn mất giá, người nông dân khổ, người tiêu dùng cũng khổ vì thịt bò, cá... được dịp tăng giá. Liên quan tới vấn đề này, hôm nay 27 – 5 Cục chăn nuôi, Cục Thú y và Cục y tế dự phòng cùng đại diện một số trang trại chăn nuôi đã có cuộc hội thảo tìm đầu ra cho thịt lợn.

Dịch lợn tai xanh xảy ra đã hai tháng, gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi và đời sống kinh tế xã hội nước ta. Do ảnh hưởng của dịch, tình hình tiêu thụ, vận chuyển lợn thịt gặp nhiều khó khăn. Ước tính, sản lượng thịt tiêu thụ tại các chợ ở các thành phố lớn trong thời gian có dịch giảm từ 30 – 40% so với trước khi dịch tai xanh xảy ra.

Tại các chợ nội thành Hà Nội, giá thịt mông sấn từ 59.500 – 60.000 đồng/kg. Ở thành phố Hồ Chí Minh, giá thịt mông sấn từ 67.000 – 67.500 đồng/kg. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Cục phó Cục chăn nuôi cho biết: “Dịch bệnh ở lợn và các loại gia súc, gia cầm là điều khó tránh khỏi. Ở Việt Nam và các nước trên thế giới cũng vậy, chưa có cách nào để 100% vật nuôi không mắc bệnh. Chúng ta phải tìm cách sống chung với lũ bằng cách tăng cường công tác chống dịch bằng vắc xin, tuyên truyền đến từng người dân, và cung cấp những thông tin chính xác, cập nhật”.

Trước thông tin về việc, ăn thịt lợn tai xanh, hoặc thịt lợn nhiễm liên cầu khuẩn sẽ bị bệnh, đại diện Cục Thú y và Cục Y tế dự phòng lên tiếng phản bác, cho rằng đây là nhận xét thiếu khoa học. Theo ông Tô Long Thành, Phó giám đốc Trung tâm chẩn đoán thú y trung ương, virus gây bệnh tai xanh ở lợn không thể lây sang người.

Mặt khác, cả virus gây bệnh tai xanh và virut gây liên cầu khuẩn đều không thể tồn tại trong môi trường nhiệt độ cao. Cụ thể, đại diện hai Cục này cho hay: “Nếu chúng ta ăn chín, uống sôi thì không thể mắc bệnh được. Một số trường hợp báo chí nêu là do bệnh nhân ăn tiết canh, ăn thịt chưa chín kỹ!”.

Cũng theo đại diện Cục Y tế dự phòng, hiện chưa có bất cứ tài liệu nào chứng minh được virus gây bệnh tai xanh có liên quan tới virus gây bệnh liên cầu khuẩn! “Hơn nữa, không có virus gây bệnh nào ở lợn có thể sống khi chúng ta đun kỹ. Vì vậy, nếu không may mua phải thịt nhiễm bệnh, chỉ cần nấu chín thì không thể nào mắc bệnh được”, đại diện Cục Y tế dự phòng khẳng định.

Bỏ lợn nội, nhập lợn ngoại

Theo đại diện các chủ trang trại nông nghiệp, có nghịch lý là trong khi thịt lợn sạch ở các chuồng trại đang chịu cảnh ế thê thảm, thì thịt lợn ngoại nhập vào thị trường lại có xu hướng tăng. Ước tính tổng sản lượng thịt lợn nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2010 khoảng hơn 50.000 tấn, trong đó chủ yếu là các sản phẩm và phụ phẩm lợn đông lạnh, chiếm khoảng 95%.

Sẽ tăng cường kiểm dịch và cung cấp thông tin tới từng hộ chăn nuôi. Ảnh: Văn Việt
Sẽ tăng cường kiểm dịch và cung cấp thông tin tới từng hộ chăn nuôi. Ảnh: Văn Việt.

Đặc biệt, một số vùng trước nay thường xuyên phải nhập thịt lợn Việt Nam như Hồng Công, Thái Lan nay lại xuất khẩu thịt lợn vào Việt Nam.

“Người tiêu dùng Việt Nam đang tự làm khổ mình, gián tiếp đẩy giá các loại nông sản ngoài thịt lợn lên cao. Trong khi đó, thịt lợn trong nước hoàn toàn đủ đáp ứng nhu cầu. Thêm nữa, một số cơ quan báo chí đưa tin thiếu đầy đủ gây tâm lý hoang mang trong dân. Ở ngay các trang trại nuôi lợn, đã có người nào ốm, chết vì lợn nhiễm bệnh đâu?”, ông Lê Quang Thành, chủ trang trại đang có 33.000 con lợn ở Vĩnh Phúc than thở.

Trao đổi với báo chí, đại diện Cục Chăn nuôi và Cục Thú y cho biết, thời gian tới sẽ có các biện pháp thích hợp để lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng và người chăn nuôi. Một trong số đó là tăng cường kiểm dịch, kiểm soát giết mổ để ngăn chặn các sản phẩm thịt lợn không đảm bảo chất lượng len lỏi vào các chợ!

Dịch lợn tai xanh đã xảy ra từ ngày 23 – 3 – 2010 tại tỉnh Hải Dương. Tính đến ngày 26 – 5 – 2010, dịch đã lây lan rộng và xuất hiện ở 492 xã, phường, thị trấn của 72 huyện, quận, thị xã tại 15 tỉnh và thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh là 134.427 con, trong đó đã có 60.063 con chết và tiêu hủy. Từ năm 2007 đến nay, dịch thường xuất hiện vào dịp sau Tết Âm lịch, và có tính chất chu kỳ 2 - 3 năm một lần.

 Văn Việt

MỚI - NÓNG