Các viện quy hoạch của ta phải làm thuê

Úng ngập kinh niên lan ra cả các vùng ngoại thành Hà Nội hiện nay. Ảnh: Quốc Dũng
Úng ngập kinh niên lan ra cả các vùng ngoại thành Hà Nội hiện nay. Ảnh: Quốc Dũng
TP - Tại cuộc họp ngày 17-5, báo cáo với đồng chí Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng, và cuộc họp ngày 3-6 tại Văn phòng T.Ư Đảng, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam là nhà khoa học đầu tiên được trình bày ý kiến của mình về đồ án quy hoạch chung Hà Nội.

>> Cân nhắc giữa ước mơ và thực tế

Úng ngập kinh niên lan ra cả các vùng ngoại thành Hà Nội hiện nay. Ảnh: Quốc Dũng
Úng ngập kinh niên lan ra cả các vùng ngoại thành Hà Nội hiện nay. Ảnh: Quốc Dũng.

Tại hai cuộc họp quan trọng này, nhà khoa học chỉ ra sự bất thường trong việc thuê tư vấn nước ngoài cũng như ý tưởng hành lang xanh... Những ý kiến của GS Đăng dưới đây, PV Tiền Phong ghi lại tại cuộc họp mà GS Đăng báo cáo với lãnh đạo hội về một số nội dung ông đã trình bày với đồng chí Trương Tấn Sang.

Về lựa chọn cơ quan tư vấn thiết kế, thiết kế quy hoạch Thủ đô Hà Nội hoàn toàn không giống như thiết kế một ngôi nhà cao tầng, một cái cầu hiện đại hay một khu đô thị mới. Người thiết kế cần hiểu thấu đáo 1.000 năm lịch sử Thăng Long - Hà Nội, điều kiện tự nhiên, văn hóa, văn hiến, kinh tế - xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hệ thống hạ tầng xã hội đô thị và phong cách sống của người Hà Nội. Chỉ có người Việt Nam chúng ta mới có cái vốn hiểu biết đó.

Các lần thiết kế quy hoạch Hà Nội trước đây, dù có nhiều chuyên gia nước ngoài giúp đỡ, nhưng đều do cơ quan quy hoạch nước ta chủ trì. Không hiểu vì lý do gì mà lần quy hoạch này lại thuê trọn gói công ty tư vấn nước ngoài chủ trì, các viện quy hoạch của nước ta lại là người làm thuê cho công ty tư vấn nước ngoài.

Với số tiền thuê tư vấn thiết kế hơn 7 triệu USD (gần 150 tỷ đồng), nhiều tập thể chuyên gia quy hoạch nước ta nói rằng chỉ cần 1/10 số tiền trên họ sẽ hoàn thành thiết kế quy hoạch Thủ đô Hà Nội với chất lượng có thể còn tốt hơn.

Chúng tôi không hiểu vì sao lại chọn liên doanh tư vấn quốc tế PPJ thiết kế quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Trong liên doanh tư vấn quốc tế này, công ty Jina và Perkin Eastman (Mỹ) đều là những công ty kiến trúc đơn thuần, chỉ có kinh nghiệm thiết kế các công trình kiến trúc hay một khu đô thị cụ thể, chưa từng thiết kế quy hoạch một thành phố nào cả. Còn công ty Posco của Hàn Quốc lại là một tập đoàn công nghiệp.

Về lựa chọn công ty tư vấn phản biện, chủ trì thiết kế quy hoạch đã là Cty nước ngoài, vì sao hai Cty nhận xét phản biện đồ án cũng là Cty nước ngoài (Cty của Pháp và Cty của Úc)? Chẳng nhẽ chuyên gia Việt Nam kém đến mức không thể đánh giá được đồ án quy hoạch Hà Nội này là tốt hay yếu kém?

Hành lang Xanh - thực chất là gì?

Thực chất Hành lang Xanh không phải như khẳng định trong đồ án quy hoạch Hà Nội, nó không có tác dụng cải thiện môi trường đối với các đô thị, không có tác dụng hạn chế lan tỏa đô thị hóa.

Hành lang Xanh được xem là tâm điểm sáng tạo của quy hoạch này, bảo đảm diện tích đất Hành lang Xanh chiếm 70% đất Thủ đô. Nhưng thực tế không phải thế. Đất Hành lang Xanh lại là đất đồng ruộng, đất nông nghiệp, đất làng xã nông thôn (đều là các nguồn thải gây ô nhiễm), đất rừng và các khu bảo tồn, khu danh lam thắng cảnh, lịch sử và các sông hồ hiện có. Thực tế, tổng các diện tích này hiện nay của Thủ đô còn lớn hơn 70% nhiều.

Xem Quy hoạch lại thấy có vẻ ngược lại. Đất vườn quốc gia, khu bảo tồn, khu lịch sử văn hóa, làng mạc thì quy hoạch không thể lấn chiếm được, còn đất nông nghiệp thì bị quy hoạch xâm lấn gần 3/4 diện tích hiện nay.

Do Hà Tây sáp nhập với Hà Nội nên Thủ đô có quỹ đất nông nghiệp khá lớn, chiếm tới 45,76% tổng diện tích tự nhiên. Nhưng hãy xem Quy hoạch đã lấn chiếm Hành lang Xanh nông nghiệp này như thế nào.

Hiện nay diện tích nông nghiệp của Thủ đô là 189 nghìn ha, đất trồng lúa là 117 nghìn ha, thế mà Quy hoạch đến năm 2030 lấn chiếm tới 73,5% diện tích đất nông nghiệp và 66% diện tích đất trồng lúa; theo đó, diện tích đất nông nghiệp chỉ còn bảo tồn 50 nghìn ha và đất trồng lúa chỉ còn 40 nghìn ha. Như vậy, đến năm 2030, Hành lang Xanh không thể còn chiếm 70% đất tự nhiên như quy hoạch đề ra và tối thiểu 66% nông dân của Thủ đô sẽ mất đất canh tác, liệu cơ cấu kinh tế – xã hội lúc đó có đủ chuyển đổi để họ có thể kiếm kế sinh nhai?

Trong khi đó, không gian xanh đô thị có tác dụng cải thiện môi trường, cải thiện vi khí hậu, giảm úng ngập trực tiếp cho đô thị, ứng phó với thiên tai thì trong Đồ án Quy hoạch, không có giải pháp làm tăng diện tích cây trong nội đô cụ thể để TP Hà Nội (đô thị trung tâm) trở thành đô thị xanh. Hiện nay, diện tích cây xanh ở Hà Nội chưa đạt 2m2/người, trong khi quy chuẩn Việt Nam yêu cầu tối thiểu là 10m2/người.

Trong khi đó, quy hoạch cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị TP Hà Nội chưa thể đảm bảo thủ đô có “môi trường xanh”. Chỉ nói về thoát nước mưa và chống úng ngập cũng có thể thấy rõ. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã chấp nhận phương án chống lũ lụt đối với toàn vùng do Bộ NN&PTNT đề xuất là đúng. Nhưng phương án chống úng ngập cho TP Hà Nội thì chưa đạt yêu cầu.

Thực tế việc thực hiện quy hoạch thoát nước chống úng ngập Hà Nội trong 15 năm qua tiêu tốn khoản tiền rất lớn nhưng không đạt được mục tiêu, Hà Nội vẫn ngày càng bị úng ngập trầm trọng. Đồ án quy hoạch này đã không phân tích, đánh giá đúng và đầy đủ nguyên nhân thất bại, nên chưa đề ra được phương án thoát nước, chống úng ngập cho Hà Nội một cách có hiệu quả.

Quốc Dũng (lược ghi)
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.