Rớt giá, nông dân chất lúa đầy nhà

Rớt giá, nông dân chất lúa đầy nhà
TP - Ngày 30-6, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo mua tạm trữ lúa hè thu 2010 tối đa một triệu tấn quy gạo, thời hạn mua tạm trữ trong 2 tháng, từ 15-7 đến 15-9-2010. Hiện tại, nông dân vẫn rất khó khăn vì lúa rớt giá và không bán được.
Ông Nguyễn Văn Huống với 7 tấn lúa thu hoạch đã 20 ngày, chất đầy ngôi nhà nhỏ. Ảnh: Sáu Nghệ
Ông Nguyễn Văn Huống với 7 tấn lúa thu hoạch đã 20 ngày, chất đầy ngôi nhà nhỏ. Ảnh: Sáu Nghệ.


Từ huề đến lỗ

Huyện Thới Lai xuống giống lúa hè thu hơn 19.000 ha. Bí thư Huyện ủy Lê Văn Tâm cho biết, Thới Lai đã thu hoạch hơn 11.000 ha, năng suất bình quân khoảng 6 tấn/ha nhưng hầu hết nông dân đang phải “ôm” lúa trong nhà. Ở huyện Thới Lai, xã Trường Thắng có diện tích lúa hè thu xấp xỉ 1.700 ha.

Trên đường vào xã Trường Thắng, thấy nhiều nhà bên đường đang chất đầy lúa. Ông Võ Hoàng Thắng ở ấp Trường Hòa, làm 15 công lúa IR50404, thu hoạch được 9 tấn đã 15 ngày, chưa bán được hạt nào. Ông cho biết: “Giá lúa khô chỉ 3.200 đồng/kg và rất ít người mua”.

Ông Nguyễn Văn Huống ở ấp Trường Hòa, làm 10 công lúa IR50404, thu được 7 tấn đã 20 ngày, cũng đang phải đóng bao chất đầy trong nhà. Ông Ngô Tấn Long ở ấp Thới Tân A, làm 18,5 công lúa IR50404, thu 12 tấn, mới bán được 6 tấn với giá 3.200 đồng/kg. Ông Long nói: “Tôi phải bán để trả tiền vay mượn mua phân bón chứ với giá đó chỉ có lỗ hoặc huề chi phí đầu tư”.

Phải “ôm” lúa trong nhà nhiều nhất xã Trường Thắng có lẽ là ông Trần Văn Năm ở ấp Trường Bình. Ông làm 10ha và nay cả lúa đông xuân chưa tiêu thụ được, trong nhà đang chất 100 tấn. Ông than thở: “Giá cả thứ gì cũng lên, chỉ có lúa là xuống liên tục. Vụ đông xuân bán được 4.100 đồng/kg, có lời phần nào, còn hiện nay nông dân thua lỗ”.

Khi giá lúa hạ, các dịch vụ theo lúa cũng lao đao. Ông Lê Thanh Tâm là chủ cơ sở sấy lúa ở ấp Trường Hòa, cho biết: “Một ngày đêm tôi sấy 3 mẻ được 15 tấn, tiền công là 6% lượng lúa sấy, giá lúa hạ nên thu nhập rất thấp, may mà chưa lỗ”. Bà Trần Thị Ngọc Mai chuyên mua lúa cho biết, bà có chiếc ghe trọng tải 30 tấn, mỗi vụ trước kia mua bán được 40-50 ghe, khi giá lúa hạ thì rất khó bán nên lượng mua cũng giảm.

Khó có giá cao

Ngày 2-7, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở ĐBSCL cho hay, mới biết thông tin chỉ đạo mua tạm trữ lúa gạo qua báo chí chứ chưa có thông báo chính thức cũng như phân bổ chỉ tiêu cụ thể.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó giám đốc Cty Cổ phần Nam Việt ở TP Cần Thơ, nói rằng chất lượng lúa hè thu năm nay không được tốt nên giá xuất khẩu thấp và mất nhiều công chế biến mới xuất khẩu được.

Theo VFA, dự kiến xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm 2010 là 3.350.000 tấn, thực tế đến ngày 25-6-2010 mới đạt 3.165.833 tấn, trị giá 1,418 tỷ USD.

Lãnh đạo Cty Du lịch - Thương mại Kiên Giang, một doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo hàng đầu ở ĐBSCL, cho biết từ đầu năm đến nay mới xuất được 100.000 tấn gạo, thấp hơn cùng kỳ năm 2009. Khó khăn của Cty Du lịch -Thương mại Kiên Giang trong xuất khẩu gạo vẫn là những quy định ràng buộc của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). “Khi có khách hàng mua gạo giá cao nhưng chưa dễ ký xuất khẩu được vì quy định của VFA”, vị lãnh đạo Cty này nói.

Việc mua lúa tạm trữ còn có khó khăn về kho chứa. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo nhưng kho chứa nhỏ hoặc đã đầy lúa. Trong tháng 3 và tháng 4-2010, theo chỉ đạo của Chính phủ, đã có 30 doanh nghiệp mua một triệu tấn lúa vụ đông xuân 2009-2010 để tạm trữ, nay phải xuất được lúa cũ mới có thể mua tạm trữ lúa mới. Doanh nghiệp lớn như Cty Du lịch-Thương mại Kiên Giang cũng chỉ có khả năng tạm trữ 100.000 tấn và tạm trữ gạo chứ không tạm trữ lúa.

MỚI - NÓNG