Hàng Việt vẫn 'lép vế' tại nông thôn

Đưa hàng Việt về nông thôn vẫn nặng tính thời vụ. Ảnh: Kiến Giang
Đưa hàng Việt về nông thôn vẫn nặng tính thời vụ. Ảnh: Kiến Giang
TP - Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cùng Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh tổ chức vẽ bản đồ phân phối hàng Việt tại tỉnh này. Kết quả cho thấy chỉ 15% người tiêu dùng nông thôn ưu tiên chọn hàng Việt.
Đưa hàng Việt về nông thôn vẫn nặng tính thời vụ. Ảnh: Kiến Giang
Đưa hàng Việt về nông thôn vẫn nặng tính thời vụ. Ảnh: Kiến Giang.

Người tiêu dùng bàng quan

Khảo sát gần 1.000 người tiêu dùng ở 8 huyện thị cho thấy: Chỉ có 15% người tiêu dùng luôn ưu tiên lựa chọn hàng Việt. Bên cạnh, 61% đôi khi quan tâm và 24% không quan tâm. Về xuất xứ của hàng hóa, có đến 62% người không quan tâm, 33% có quan tâm và 5% rất quan tâm.

Đại diện BSA phân tích: Nhiều mặt hàng như bột giặt, nước rửa chén có cùng chất lượng nhưng hàng ngoại luôn chiếm lĩnh thị trường, nhiều doanh nghiệp cùng ngành phải làm gia công cho nước ngoài.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA, cho rằng: "Chỉ 15% người tiêu dùng nông thôn ưu tiên sử dụng hàng Việt là một thực tế chua xót". Trong tỷ lệ ít ỏi này, không nhiều người có khả năng phân biệt được chất lượng và xuất xứ của hàng hóa.

Ở những mặt hàng tiêu dùng bình dân, hàng Việt đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt của hàng Trung Quốc. Kết quả khảo sát ở 250 điểm bán lẻ trong toàn tỉnh Trà Vinh, các mặt hàng Trung Quốc chiếm đến 48% số lượng hàng ngoại bày bán, trong đó các mặt hàng tạp hóa, hóa mỹ phẩm, may mặc, gia dụng chiếm từ 53% đến 60%.

Vẫn bà Vũ Kim Hạnh đánh giá: "Thực tế, có nhiều mặt hàng Trung Quốc nhái nhãn mác Việt Nam bày bán nhiều ở chợ với giá rẻ hơn. Nhiều người làm giàu bằng nghề nhái nhãn mác này nhưng người tiêu dùng không đủ khả năng phân biệt".

Doanh nghiệp lơ là

Chị Nguyễn Thị Bé Hai, một tiểu thương ở huyện Càng Long (Trà Vinh) bộc bạch: Có nhiều người muốn dùng hàng Việt nhưng nhiều doanh nghiệp không có đại lý ở nông thôn nên phải dùng hàng ngoại hoặc hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo thống kê của Sở Công Thương Trà Vinh, toàn tỉnh có 19.885 điểm kinh doanh, trong đó hóa-thực phẩm có 2.394 điểm, gia dụng 390 điểm và quần áo giày dép 1.657 điểm. Mặt hàng gia dụng và quần áo có nguồn hàng chủ yếu từ Chợ Lớn (TPHCM) thông qua các điểm bán, 50% qua trung gian là ghe buôn mà không có các nhà phân phối chính thức.

Đại diện BSA nhìn nhận khả năng tiếp thị quảng cáo của doanh nghiệp sản xuất hàng Việt trên phương tiện truyền thông là rất yếu vì hạn chế về tài chính.

MỚI - NÓNG