Bán đứng người lao động

Người lao động đang bị lừa bịp?
Người lao động đang bị lừa bịp?
Nhiều lao động từ các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Gia Lai được môi giới đến huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) hái cà phê thuê. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, họ phải cầu cứu người thân đem tiền “chuộc” mới được trở về nhà.

Lời kể của nạn nhân

Theo xác minh của UBND xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa: Đầu tháng 11 vừa qua, hai người đàn ông tự xưng là nhân viên Công ty TNHH Minh Nghĩa (Công ty Minh Nghĩa, đóng tại xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) về xã để tuyển lao động làm vườn với thu nhập từ 3,5-4,5 triệu đồng/tháng.

Sau khi thỏa thuận bằng miệng, 32 người dân của xã đăng ký đi làm. Ngày 17.11, họ được đưa đến Công ty Minh Nghĩa bằng xe ô tô.

Ông Võ Văn Phước, người vừa trở về, cho biết: “Chúng tôi đến nơi vào buổi tối và được họ đưa vào một phòng chật hẹp. Đến sáng, đại diện công ty gọi từng người ra bàn làm việc, yêu cầu ký vào hợp đồng (HĐ) lao động đã soạn sẵn, với mức từ 1,3-1,7 triệu đồng/tháng.

Đọc qua HĐ, tôi thắc mắc vì sao mức lương lại thấp hơn thỏa thuận trước đó, thì một người đàn ông trừng mắt: “Đã lên tới đây rồi mà còn yêu sách”. Sợ quá, tôi đành phải ký.

Sở LĐ-TB-XH Lâm Đồng cho hay Công ty TNHH Minh Nghĩa chưa được phép hoạt động trong lĩnh vực tuyển dụng lao động vì chưa đóng tiền ký quỹ.

Do không biết chữ, anh Võ Khắc Trung (người cùng quê) đề nghị đại diện công ty đọc lại nội dung HĐ thì bị quát: “Ký nhanh lên, đã lên tới đây, tụi bay như cá nằm trên thớt, đòi hỏi gì nữa!”.

Sau khi ký xong HĐ, người làm thuê được đưa đến làm việc tại các khu vườn cà phê nằm trong khu vực xã Tân Hà, huyện Lâm Hà”.

Ông Phước kể: “Tôi và anh Cam (người cùng quê) được đưa vào làm việc tại vườn cà phê cách công ty này chừng 10 km; buổi sáng làm việc từ 6-12 giờ, buổi chiều từ 13-18 giờ. Làm được 5 ngày, chịu không nổi, tôi lấy lý do bị bệnh để xin nghỉ thì được người chủ vườn trả lời: “Tôi đã trả công ty 1,25 triệu đồng chi phí tuyển dụng để nhận anh làm việc.

Lương tháng của anh là 1,3 triệu đồng; tháng đầu tiên anh phải trả nợ 1,25 triệu đồng chi phí tuyển dụng. Nếu anh muốn nghỉ thì phải hoàn trả số tiền này”. Bí quá, ông Phước đã gọi điện về quê, nhờ người thân vay tiền lên Lâm Hà để chuộc về.

Nghe tin chồng con khổ quá, nhiều người ở Vạn Hưng phải vay mượn tiền, để đi “chuộc” lại người thân. Ông Lê Hoàng Lại, người trực tiếp đi đến Lâm Hà “chuộc” người thân, kể: “Cháu Võ Thị Thanh Diễm (16 tuổi) gọi điện về nhà báo tin đang cùng với Võ Thị Thu Huyền (16 tuổi), Huỳnh Thị Kim Lài (15 tuổi) và Huỳnh Văn Ty (15 tuổi) làm việc tại nhà bà H., ở xã Tân Hà (huyện Lâm Hà). Khi tôi đến và nộp đủ tiền chuộc, bà H. đưa ra HĐ ký với Công ty Minh Nghĩa yêu cầu tôi ký xác nhận đã nộp đủ số 4,7 triệu đồng tiền chi phí tuyển dụng mà bà H. đã nộp cho Công ty Minh Nghĩa.

Bà H. cho biết nếu tôi đến trễ chừng 1 giờ, thì 4 cháu này được Công ty Minh Nghĩa đưa đi Đắk Lắk”. Ông Lại cho biết thêm nhiều người làm thuê gọi điện kêu cứu nhưng nhà nghèo không có tiền đi chuộc, không biết tình cảnh của họ bây giờ ra sao.

Ông Tô Anh, Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết đã có 12 người đi làm thuê được người nhà “chuộc” về, với số tiền 1,3 triệu đồng/người. Hiện còn 20 người chưa về địa phương và không biết họ ở đâu.

Công ty “ma”

Một vụ khác tương tự khi ngày 24.10, Công an huyện Krông Pa (Gia Lai) có văn bản gửi các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng “đề nghị phối hợp giải quyết vụ việc tuyển dụng lao động có dấu hiệu lừa đảo” liên quan đến Công ty TNHH Đức Hoàng (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng). Vụ việc tóm tắt như sau: một người tên Nguyễn Văn Nghĩa đến xã IaMlah (Krông Pa) tuyển dụng 200 lao động độ tuổi từ 18-35 để chăm sóc cà phê và làm một số việc tại Công ty Đức Hoàng.

Ngày 18.10, Nguyễn Văn Nghĩa tuyển được 23 lao động nhưng không đưa về Công ty Đức Hoàng mà đưa họ đến cơ sở môi giới việc làm Hoa Hiền (ở thị trấn Đinh Văn, H.Lâm Hà), khiến người lao động bức xúc muốn trở về địa phương. Bà Hoa Hiền yêu cầu số lao động này phải nộp 1 triệu đồng/người mới được về.

Theo xác minh của Công an huyện Lâm Hà, trên địa bàn huyện Đức Trọng không có công ty môi giới việc làm mang tên Đức Hoàng. Đối với cơ sở Hoa Hiền, công an huyện nhiều lần kiểm tra, xử lý và nghiêm cấm hoạt động vì không có giấy phép hành nghề, nhưng cơ sở này vẫn hoạt động lén lút. Công an huyện đã triệu tập chủ cơ sở Hoa Hiền đến làm việc nhưng chủ cơ sở này không có mặt tại địa phương. Để đưa số lao động này về nhà, gia đình của họ phải nhờ Công an thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà) đến làm việc với cơ sở Hoa Hiền để can thiệp đưa họ về.

Dư luận đặt câu hỏi: Công ty Đức Hoàng là công ty “ma” và việc Nguyễn Văn Nghĩa tuyển dụng lao động là trái pháp luật. Nhưng Nguyễn Văn Nghĩa là ai? Đề nghị cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ.

Theo Lâm Viên - Thiện Nhân - Lê Xuân
Thanh Niên

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG