Đổ xô trữ hàng Tết vì lo tăng giá

Các bà nội trợ tranh thủ mua ôm, dự trữ nhiều mặt hàng thiết yếu (ảnh Nguyễn Nga).
Các bà nội trợ tranh thủ mua ôm, dự trữ nhiều mặt hàng thiết yếu (ảnh Nguyễn Nga).
TP - Không chỉ giới kinh doanh mà các bà nội trợ cũng đang chạy đua níu giá bằng cách tranh thủ mua ôm, dự trữ nhiều mặt hàng thiết yếu.
Các bà nội trợ tranh thủ mua ôm, dự trữ nhiều mặt hàng thiết yếu (ảnh Nguyễn Nga).
Các bà nội trợ tranh thủ mua ôm, dự trữ nhiều mặt hàng thiết yếu (ảnh Nguyễn Nga/VEF).

Từ nhiều tuần nay trong kho của các nhà kinh doanh phân phối từ nhỏ đến lớn tại Hà Nội, nhiều mặt hàng thiết yếu đã được thu mua chất lên tận ngọn, còn các bà nội trợ cũng tranh thủ khuân về chật nhà từ dầu ăn, mỳ chính, bột canh... để tránh các đợt trượt giá cuối năm.

Chị Lê Thị Huệ kinh doanh hàng ăn lâu năm ở khu tập thể F5, phường Thanh Xuân Trung gần đây nhấp nhổm không yên vì nhiều khi đang bán hàng, mấy bà hàng xóm lại tụ tập rủ rê vào siêu thị "sắm Tết sớm" mấy mặt hàng thiết yếu.

Mặc dù các lần "a lô xô" đi sắm trước đó, chị đã kịp xách về xếp hàng dài trong bếp 5 can dầu ăn loại 5 lít, chưa kể mắm muối, đường, gia vị... để nhà dùng dần, vậy mà nghe nói giá cả vẫn còn tăng tiếp, chị không khỏi sốt ruột.

"Đi đông một hội thì mua được nhiều hàng bởi bình thường siêu thị vốn giới hạn, ví dụ dầu ăn không được thanh toán quá 3 can to một lúc vì sợ dân buôn vào ôm, nên mấy chị em phải thay phiên nhau, đợi lúc nào họ bày nhiều hàng thì người đứng ngoài trông đồ, người khác vòng lại mua tiếp" - chị Huệ tiết lộ.

Các bà nội trợ ở đây cho rằng họ mua sắm trong siêu thị chủ yếu vì giá cả ổn định, tăng chậm hơn so với các cửa hàng bên ngoài, chứ không phải vì trông chờ các chương trình giảm giá, khuyến mại lớn. Trong khi đó nhiều bà nội trợ khác lại tín nhiệm sắm Tết ở những cửa hàng quen vì sự tiện lợi và được "mách nhỏ" trước khi tăng giá.

Chị Phùng Mai Hương, nhà ở phố Quán Sứ cho biết, nhờ sự bật mý trước về đợt tăng giá mới của một số mặt hàng từ cửa hàng quen, chị đã tiết kiệm được đến tiền trăm khi kịp thời mua sớm chục hộp bánh và hơn chục cân mỳ chính, bột nêm từ đầu tháng 12 để làm quà biếu họ hàng ở quê dịp Tết Nguyên đán.

Song, động thái mua ôm, tích trữ hàng mạnh mẽ nhất cho mùa cao điểm tiêu thụ tới đây phải kể đến giới kinh doanh. Chị Thu Nga, chủ shop bánh kẹo tại chợ Vĩnh Hồ, quận Đống Đa cho biết, ngay từ cách đây 1 tháng, tính toán sức mua năm nay, chị đã dồn tiền "ôm" và đặt hết các mặt hàng chủ lực, đặc biệt là bánh kẹo ngoại.

"Rút kinh nghiệm năm ngoái mình khá dè dặt, nhập đuổi, bán đuổi khiến sau đó phải điều chỉnh giá liên tục, làm giảm sức cạnh tranh thì năm nay mua ngay từ đầu với số lượng lớn gấp 2-3 lần" - chị nói.

Một lực lượng góp phần không nhỏ vào công cuộc bình ổn giá cuối năm phải kể đến các hệ thống siêu thị lớn. Thông tin từ BigC, Co.op Mart, Intimex, Fivimart tại Hà Nội cho biết, đến thời điểm này họ đã gần như hoàn tất việc chuẩn bị, dự trữ hàng hoá.

Điểm đáng chú ý là, hầu hết hệ thống năm nay cũng đều tăng lượng dự trữ cao hơn hẳn cùng kỳ năm ngoái, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, đường, dầu ăn, bánh kẹo nội ngoại, rượu bia... Theo đó, thay vì mức 25-30% của các năm trước, lượng hàng thiết yếu phục vụ Tết của nhiều siêu thị năm nay tăng đến 30-40%.

"Cho đến thời điểm này hàng hóa đã được tập kết đầy đủ về trung tâm phân phối. Đối với những hàng không dự trữ được như rau củ quả, thực phẩm tươi sống, chúng tôi đã có kế hoạch ứng vốn cho các nhà vườn, các hợp tác xã sản xuất..., sau đó được chuyển dần về theo đơn đặt hàng" - lãnh đạo một hệ thống cho biết.

Giá cả vẫn leo thang

Song song với các nỗ lực "níu giá" của người tiêu dùng và nhà kinh doanh, ghi nhận trên thị trường những tuần đầu tháng 12 cho thấy, cơn sốt giá nối tiếp từ tháng 10, 11 đến nay vẫn chưa hạ nhiệt.

Áp lực tăng giá mạnh nhất đang thuộc về các mặt hàng lương thực, thực phẩm như đỗ xanh loại ngon từ mức 46.000 đồng/kg hiện đã lên 50.000 đồng; gạo nếp tăng lên 2 giá so với mức 22.000 đồng/kg trước kia, thịt lợn tăng từ 8-10 giá do nguồn cung khan hiếm và chi phí vận chuyển tăng.

Ngoài ra, dầu ăn nhãn hiệu Neptune, Simply của hãng Dầu thực vật Cái Lân vừa có sự điều chỉnh tăng giá thêm từ 17.000-18.000 đồng/thùng (12 chai 1 lít) từ ngày 5/12. Đây là lần tăng thứ 3 liên tiếp trong thời gian ngắn của hãng này, nâng mức giá bán lẻ từ 34.000 đồng/chai 1 lít cách đây không lâu lên mức 39.000-40.000 đồng hiện tại. Tương tự, mỳ chính nhãn hiệu Ajinomoto từ mức giá 23.000 đồng/gói 400g cách đây chưa lâu, nay cũng đã vọt lên 27.000 đồng...

Bên cạnh thực phẩm, chiều hướng tăng giá trải đều ở các ngành hàng tiêu dùng và gia dụng khác vẫn chưa dừng cũng là khẳng định của giới kinh doanh siêu thị. Đại diện hệ thống Intimex cho biết, các tuần đầu tháng 12, đơn vị này vẫn đang tiếp nhận một loạt báo giá mới từ các nhà cung cấp với mức tăng phổ biến từ 5-10%.

Trước đó, cũng vì lý do giá ngoại tệ, giá vàng, giá nguyên vật liệu, chi phí lương, vận chuyển... tăng, cuối tháng 10, đầu tháng 11 - thời điểm nhập hàng Tết, hệ thống này đã ghi nhận có sự yêu cầu tăng giá đồng loạt của các ngành hàng.

Trong đó 100% hàng nhập khẩu, chủ yếu là thực phẩm, đồ gia dụng - chiếm tỷ trọng 30% trong tổng cơ cấu hàng hoá mà hệ thống này phân phối, đã tăng giá từ 5-15%.

"Mặc dù có tháng khuyến mại nhưng chỉ số giá (CPI) tháng 11 tại Hà Nội vẫn tăng cao kỷ lục ở mức 1,93%. Từ nay đến Tết Tân Mão, nếu Chính phủ không có những biện pháp mạnh tay, ổn định kinh tế vĩ mô thì giá cả hàng hoá chắc chắn còn biến động xấu" - đại diện này nhận định.

Theo VEF

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Bí thư Vĩnh Phúc: Xử lý các điểm nóng vi phạm đất đai
Bí thư Vĩnh Phúc: Xử lý các điểm nóng vi phạm đất đai
TPO - Ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tham mưu cho tỉnh các giải pháp khắc phục, xử lý các vi phạm đất đai, nhất là các điểm nóng, vụ việc phức tạp liên quan đến vi phạm đất đai như tại Công ty Kim Long; khu hồ Đại Lải; xã Ngọc Thanh (Phúc Yên); thị trấn Tam Đảo…
Lý do vốn FDI 'chảy' vào TPHCM chững lại
Lý do vốn FDI 'chảy' vào TPHCM chững lại
TPO - Theo nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, những năm gần đây TPHCM có tình trạng thiếu đất cho công nghiệp công nghệ cao, kể cả với ngành cơ khí. Do đó, khả năng thu hút đầu tư, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) những năm gần đây cũng chậm lại, đồng thời cũng đang thiếu một số dự án lớn để tạo điều kiện cho thành phố bứt phá.