Các doanh nghiệp, ngân hàng đang giữ 21 tỷ USD

Các doanh nghiệp, ngân hàng đang giữ 21 tỷ USD
TP - Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng nói: Năm 2010 chúng ta phải tăng vốn để phục hồi nền kinh tế. Năm nay, tất cả các khoản chi tiêu thường xuyên, đầu tư doanh nghiệp nhà nước phải giảm 10%.
Ông Nguyễn Sinh Hùng
Ông Nguyễn Sinh Hùng . Ảnh: Minh Điền

Ưu tiên kiềm chế lạm phát có ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng không, thưa ông?

Nếu làm đồng bộ, tốt thì chỉ tiêu tăng trưởng không bị ảnh hưởng nhiều. Bởi chúng ta là nền sản xuất nhỏ. Đại bộ phận doanh nghiệp là nhỏ và vừa, nếu tính thanh khoản của tín dụng tốt thì tăng trưởng vẫn có thể đạt bằng hoặc hơn năm 2010. Mục tiêu tăng trưởng 7% vẫn có thể đạt được.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa, có được ưu tiên tín dụng, thưa ông?

Mình không dùng biện pháp hành chính, nhưng vấn đề là phải làm cho đồng tiền thông thoáng, tạo cho tính thanh khoản bình thường. Hiện nay, số dư tài khoản ngoại tệ của các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại lên tới 21 tỷ USD.

Ngân hàng phải đảm bảo doanh nghiệp cần ngoại tệ là mua được ngay. Ngược lại, doanh nghiệp phải bán USD cho ngân hàng. Nếu người dân cần ngoại tệ mà không mua được, phải ra Hà Trung (phố Hà Trung, Hà Nội) mua là chết rồi. Khi đó, họ phải chịu chênh lệch mấy phần trăm.

Tại sao lại để tình hình ngoại tệ căng thẳng. Vấn đề ở đây là doanh nghiệp giữ không bán, sợ ngân hàng lại điều chỉnh tỷ giá. Do vậy, ngân hàng phải minh bạch, tạo ra sự bình ổn. Doanh nghiệp tin thì họ sẽ bán ngoại tệ. Khi đó, đồng tiền sẽ chạy, doanh nghiệp không có tình trạng lúc thì đổi tiền Việt sang USD và ngược lại. Nếu thấy dùng tiền Việt có lợi thì người ta sẽ không đi mua USD.

Như vậy là cần hạn chế bớt các biện pháp hành chính?

Tổng lượng tiền chúng ta không thiếu, mà để căng thẳng là do biện pháp, chính sách. Phải mềm mại thì sẽ tạo ra sự bình ổn, chứ không làm cho tình hình căng lên. Nếu cấm bán chỗ này, cấm mua chỗ khác, cho bán chỗ này, cho mua chỗ kia thì dẫn đến người có ngoại tệ trong túi không muốn bán cho ngân hàng bởi trường hợp cần ra nước ngoài thì mua USD không được.

Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại phải tạo ra sự thông thoáng với nhau qua các biện pháp thị trường mở, thị trường liên ngân hàng. Ngân hàng phải đảm bảo doanh nghiệp cần ngoại tệ là mua được ngay.

Ngược lại, doanh nghiệp phải bán USD cho ngân hàng. Nếu người dân cần ngoại tệ mà không mua được, phải ra Hà Trung (phố Hà Trung, Hà Nội) mua là chết rồi. Khi đó, họ phải chịu chênh lệch mấy phần trăm.

Hôm qua tôi có làm việc với đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế, họ nói Việt Nam còn dư 2,5 - 3 tỷ USD, tổng lượng ngoại tệ (nguồn cung so với nhu cầu của nền kinh tế), tại sao lại để âm.

Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp khi nào chúng ta sẽ đạt kết quả như mong muốn, thưa ông?

Các giải pháp này sẽ có hiệu quả rõ trong từ 6 đến 9 tháng tới.

Ngọc Tiến
Ghi

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG