Hàng Việt 'lung lay' theo sóng thần Nhật Bản

Hàng Việt 'lung lay' theo sóng thần Nhật Bản
Chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu (XK) của Việt Nam, nên khi Nhật Bản bị thiệt hại nghiêm trọng từ vụ động đất và sóng thần, các mặt hàng xuất khẩu trong nước cũng bị ảnh hưởng.
Dệt may xuất khẩu đi Nhật sẽ bị ảnh hưởng sau thảm họa động đất tại nước này Ảnh: D.Đ.M
Dệt may xuất khẩu đi Nhật sẽ bị ảnh hưởng sau thảm họa động đất tại nước này Ảnh: D.Đ.M.

Xuất khẩu có nguy cơ sụt giảm

Là thị trường XK lớn thứ 3 trong nhiều năm qua, đặc biệt lượng hàng may mặc XK vào thị trường Nhật có chiều hướng gia tăng mạnh từ cuối năm 2009, vì vậy, nhiều DN dệt may đang lo lắng vụ động đất và sóng thần sẽ ảnh hưởng tới các đơn hàng trong năm nay.

Giá hàng hóa giảm sau động đất

Ngay sau trận động đất kinh hoàng ở Nhật Bản, giá hầu hết các loại hàng hóa trên thị trường thế giới đều giảm. Giới phân tích nhận định, thiên tai là một mối nguy hại mới với nền kinh tế. Hiện tại, động đất làm giảm nhập khẩu dầu thô của Nhật. Dầu mỏ nằm trong số những mặt hàng mất giá nhiều nhất trong phiên giao dịch cuối tuần. Giá đồng cũng giảm mạnh, giá đồng giao sau 3 tháng tại Sở Giao dịch kim loại London rơi xuống mức thấp nhất của 3 tháng là 8,992 USD/tấn. Thị trường nông sản, đặc biệt là ngũ cốc, vốn đã yếu đi bởi dự báo nguồn cung tăng từ Bộ Nông nghiệp Mỹ, càng bị ảnh hưởng hơn bởi thông tin ở Nhật. Giá lúa mì giảm 2,7% trong phiên giao dịch cuối tuần và giá cà phê cũng rời xa mức cũ. Giá ca cao cũng giảm mạnh. Bắp, đậu tương và đường cũng giảm giá do những tác động từ thị trường Nhật Bản.

Q.T

Ông Phạm Xuân Hồng - Tổng giám đốc Công ty may Sài Gòn 3 cho biết, sáng hôm qua 14-3 ông đã có buổi làm việc với một số khách hàng Nhật. Theo các đối tác, sẽ có những thay đổi về nhu cầu tiêu dùng hàng may mặc tại Nhật trong thời gian tới. Tuy nhiên tùy vào sản phẩm và chủng loại thì mức độ ảnh hưởng cũng khác nhau.

“Sản phẩm của Sài Gòn 3 xuất sang thị trường Nhật đa số đều là hàng hóa có mức giá trung bình. Do đó các đối tác cho rằng cũng sẽ ít bị ảnh hưởng vì trước mắt, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm giá cao sẽ giảm đi”, ông Hồng nói.

Mỗi tháng XK khoảng 600.000 - 700.000 USD sản phẩm lốp xe ô tô sang thị trường Nhật nên cũng trong ngày hôm qua, ông Lê Văn Trí - Phó giám đốc Công ty Casumina đã liên lạc với đối tác tại Nhật để thăm dò tình hình.

May mắn là chưa có ảnh hưởng nhiều bởi nhà nhập khẩu của Casumina tại Nhật phân bố sản phẩm lốp xe cho nhiều nhà máy sản xuất ô tô ở khắp nơi trên thế giới chứ không chỉ tại Nhật. Tuy nhiên, ông Trí cũng thừa nhận, cũng khó có thể tăng trưởng mạnh trong năm nay.

Lo lắng hơn cả có lẽ là các nhà XK thủy sản VN bởi Nhật hiện là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của VN. Ông Lâm Ngọc Khuân - Tổng giám đốc Công ty TNHH Phương Nam (Sóc Trăng) chia sẻ: “Thị trường Nhật chiếm đến 30% thị phần XK tôm của công ty chúng tôi.

Thiên tai tại Nhật chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình XK của VN, tuy nhiên chưa thể biết mức độ cụ thể. Mặc dù vậy, có thể dự đoán họ sẽ giảm nhập khẩu vì tình hình kinh tế khó khăn kéo dài nhiều năm qua, cộng thêm thiên tai vừa rồi sẽ khiến người dân Nhật chi tiêu tiết kiệm hơn”.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản VN, cũng nhận định: “Chắc chắn sẽ có những tác động đến hàng hóa XK của VN vì hầu hết đều tập trung tại cảng gần Tokyo, nơi vừa chịu những thiệt hại sau trận sóng thần, sau đó mới phân phối sang các nơi khác. Chưa thể nói được phía Nhật Bản sẽ điều chỉnh lại bao nhiêu hợp đồng, trong đó có cả những lô hàng có thể bị ngưng tiếp nhận”.

Khách Nhật hủy tour hàng loạt

Năm 2010, VN đón gần 450.000 lượt khách Nhật, đứng thứ ba sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Còn 2 tháng đầu năm nay có hơn 92.000 khách Nhật tới VN, tăng 130% so cùng kỳ. Khách Nhật là đối tượng khách sang, chi tiêu cao; thường chọn du lịch nghỉ dưỡng và khám phá khu vực ĐBSCL.

Cho nên, việc sụt giảm khách Nhật trong những tháng tới sẽ ảnh hưởng lớn đến các mục tiêu của ngành du lịch VN. Đại diện Hãng lữ hành TNT - JTB có trụ sở ở TP.HCM, liên doanh giữa hai công ty du lịch VN và Nhật Bản cho biết, hiện tại hướng dẫn viên của công ty theo lịch bay mà ra sân bay đón khách, chứ không thể liên lạc được với đối tác bên Nhật để biết trước khách có tới VN hay không.

“Tới giờ chúng tôi chưa thể thống kê được có bao nhiêu đoàn khách Nhật hủy tour, nhưng chắc chắn là nhiều lắm. Vì đa số nhân viên chúng tôi ra đón khách nhưng rồi… về xe không”, vị đại diện này cho biết. Trong hai ngày cuối tuần, nhiều khách Nhật của TNT - JTB cũng đã về nước trước lịch trình.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, phụ trách Phòng Điều hành Công ty du lịch Apex, than thở: “Trong mấy ngày cuối tuần, chúng tôi có 10 tour thì bị hủy hết 8. Những tour còn lại, đoàn 12 người thì chỉ có 2 người qua”. Hiện công ty đã nối được liên lạc với đối tác ở Nhật, nhưng: “Chúng tôi cũng hồi hộp đợi thông tin đối tác hủy hay không các đoàn khách Nhật 400, 500 người tới VN vào tháng 4, 5”, ông Sơn nói thêm.

Đối với khách du lịch, theo đại diện các công ty du lịch có nhiều khách đi Nhật như Saigontourist, Vietravel, Fiditourist, Benthanh Tourist… thì hiện tại không có đoàn khách nào của họ ở Nhật. Tuy nhiên, đại diện các công ty này lo ngại những đoàn khách Việt đặt tour vào cuối tháng 3 và tháng 4 để ngắm hoa anh đào có thể sẽ hủy chương trình.

Theo N.T.Tâm - Q.Thuần - M.Phương
Thanh niên

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG