Đất Hà Nội: Những vùng sốt mới

Đất Hà Nội: Những vùng sốt mới
Năm 2010, Hà Nội từng lên cơn sốt đất Ba Vì nhưng xẹp nhanh khiến nhiều người bị kẹt vốn và nhận quả đắng từ đầu tư bất động sản. Năm 2011, những vùng đất mới ở Hà Nội như Văn Điển và khu vực phía Nam, Sóc Sơn lại lên cơn sốt mới. Bài học Ba Vì liệu có lặp lại?

Đất Hà Nội: Những vùng sốt mới

>> Đất phía tây Hà Nội: 'Lướt sóng' và 'thổi' giá?

Năm 2010, Hà Nội từng lên cơn sốt đất Ba Vì nhưng xẹp nhanh khiến nhiều người bị kẹt vốn và nhận quả đắng từ đầu tư bất động sản. Năm 2011, những vùng đất mới ở Hà Nội như Văn Điển và khu vực phía Nam, Sóc Sơn lại lên cơn sốt mới. Bài học Ba Vì liệu có lặp lại?

Hồ Đồng Quan (Sóc Sơn) khu vực khá đẹp được nhiều dân nội thành Hà Nội ngắm tới. Ảnh: Ngọc Hà
Hồ Đồng Quan (Sóc Sơn) khu vực khá đẹp được nhiều dân nội thành Hà Nội ngắm tới. Ảnh: Ngọc Hà.

Văn Điển khi không còn nghĩa trang

Trước kia, đất Văn Điển bị coi rẻ vì mang tiếng gần nghĩa trang. Nhưng nay tình thế đã xoay chuyển, nhất là khi nghĩa trang Văn Điển - một trong những nghĩa trang lâu đời ở Hà Nội - đóng cửa từ cuối năm ngoái. Đất nền ở khu vực này tăng giá rất mạnh. Không chỉ ở Văn Điển, nhiều vùng khác của Thanh Trì như các xã Vĩnh Quỳnh, Ngọc Hồi, Tứ Hiệp, Thanh Liệt... bỗng chốc cũng nhảy lên thành điểm nóng của thị trường bất động sản (BĐS).

Đầu tháng 3-2011, tại xóm Văn, Thanh Liệt (Thanh Trì - Hà Nội), không khí mua bán đất ở đây đã lên cao điểm. Chỉ so với cuối năm trước, giá cả giờ đã tăng lên cả chục triệu đồng. Đất nằm sâu trong các hẻm nhỏ của làng, giá bèo nhất cũng phải hơn 35 triệu đồng/m2. Đất mặt hẻm đủ cho hai xe máy tránh nhau, cũng có giá 40-47 triệu đồng/m2.

Mặc dù giá đất sốt vậy, nhưng người dân ở cái xóm này vẫn chưa muốn bán.Cơn sốt đất ở Văn Điển đã làm nóng thêm khu vực các huyện ngoại thành phía Nam thành phố. Nếu như phía Tây và Bắc Hà Nội đã được nhiều nhà đầu tư phát triển bất động sản chú ý từ lâu, thì khu vực các huyện phía Nam vẫn chưa có được sự sôi động đáng kể. Kể cả khi vùng Linh Đàm, Yên Sở được đầu tư mạnh thì nó vẫn chưa thực sự hút khách bằng hai cực phía Tây và Bắc.

Tuy nhiên, mọi việc dần thay đổi, không chỉ vùng ven nghĩa trang mà cả một vùng từ phía nam Linh Đàm xuống đến thị trấn Văn Điển và các xã lân cận cũng đang bước vào cơn sốt đất mới. Hiện nay, giá đất ở trong làng thuộc nay đang cao hơn rất nhiều so với một số địa chỉ nằm gần đó dù còn thuận lợi hơn nhiều như khu cầu Tó, cầu Bươu, thị trấn Văn Điển...

Một trong những lý do khiến đất sốt trên diện rộng ở khu phía Nam thành phố này là sự phát triển ngày càng mở rộng về phía nam Hà Nội của các tuyến đường và đô thị mới. Xóm Văn nằm ngay cạnh khu đô thị mới Linh Đàm, chỉ cách khu Linh Đàm một cây cầu nhỏ. Hơn nữa, tuyến đường chạy song song hai bên bờ sông Tô Lịch đang hoàn thành sẽ là điều kiện cho làng phát triển trong tương lai...

Anh Vũ Thắng, Giám đốc Công ty BĐS Toàn Thắng (Hà Nội), nhận định, hạ tầng hoàn thiện, không gian đô thị rộng mở, cộng với việc đóng cửa nghĩa trang đã khiến người dân không còn ngại đi mua đất ở vùng này. Thêm vào đó, giá đất còn rẻ so với nội thành cũng thu hút dân đầu cơ về mua gom và thổi giá.

Không chỉ có ở Thanh Liệt, Vĩnh Quỳnh mà còn nhiều xã khác như Tứ Hiệp, Ngọc Hồi... đất đang lên giá từng ngày.

Giải thích về hiện tượng trên, đại diện Phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Trì cho rằng, ngoài yếu tố quan trọng là sự kiện thành phố quyết định dừng cải tang tại nghĩa trang Văn Điển thì còn do nhu cầu của người dân hiện nay vẫn rất lớn. Thêm nữa là hàng loạt các dự án của huyện đang được triển khai xây dựng, như đường sắt trên cao đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên, xây dựng công viên Yên Sở và một số tuyến đường như: Đại Áng - Liên Ninh; Ngọc Hồi - Vĩnh Quỳnh - Đại Áng... đã hiện đại hóa vùng đất này.

Trước đây, Thanh Trì nói chung và khu vực Văn Điển nói riêng thuộc diện đất trũng, nền đất không thuận lợi cho quy hoạch. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Thanh Trì có nhiều dự án đang được triển khai như Khu đô thị mới Cầu Bươu, Khu đô thị mới phía Bắc Chu Văn An... khiến diện mạo toàn huyện thay đổi.

Ngoài ra, Thanh Trì từ lâu đã được coi là bể hứng nước thải của thành phố, tất cả nước thải theo sông Tô Lịch đổ vào sông Nhuệ. Song, TP. Hà Nội đang đẩy mạnh việc cải tạo hệ thống thoát nước và xây dựng các nhà máy lọc nước thải khiến cho nhiều người hy vọng hơn về sự cải thiện môi trường sống. Đây là những lý do cơ bản khiến đất Thanh Trì lên cơn sốt. Và đây được nhiều người liên hệ với cơn sốt đón đầu ở An Khánh cách đây 1-2 năm.

Ảnh: Ngọc Hà
Ảnh: Ngọc Hà.

Sóc Sơn có gì khác Ba Vì?

Nếu trước đây những lô đất ở xã Vĩnh Quỳnh bị xếp vào loại xấu vì ngõ rộng hơn 1m, giá chỉ 15 triệu thì nay đã lên 40 triệu đồng/m2 mà người dân cũng không muốn bán vì tin rằng còn lên nữa.

Ông Nguyễn Văn Bình, chủ văn phòng môi giới BĐS Bình An, cho biết, trước đây, đất Văn Điển rẻ rúng vì nằm cạnh nghĩa trang hung táng, nhưng từ khi nghĩa trang dừng tiếp nhận chôn cất lại có dự án đầu tư xây dựng thành vườn hoa... đã hút nhà đầu tư lướt sóng và người thu nhập thấp có nhu cầu nhà ở về đây tìm mua. Lợi thế cửa ngõ, gần thành phố lúc này mới phát huy.

Đất Sóc Sơn đã âm ỉ sốt 1-2 năm nay nhưng đó là đất vườn, đất trang trang. Còn nay, khi có thông tin di dời 25 bệnh viện, 13 viện nghiên cứu, 12 trường đại học, cao đẳng ra ngoại thành, như đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội gồm các trường: Đại học Công đoàn, Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới... - đã khiến giá đất Sóc Sơn tăng lên nhanh chóng, và lần này là đất ở.

Đầu năm ngoái, một miếng đất 200m2 có vị trí tốt đất ở Minh Phú - Sóc Sơn có giá 2 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, con số đó hiện nay là 7 triệu đồng/m2. Có vẻ giá chưa là gì so với nội thành, nhưng mức tăng hơn 3 lần cũng là đáng nể.

Năm ngoái, khi những thông tin ban đầu về di chuyển các cơ sở xây dựng lên Sóc Sơn, đất các xã Quang Tiến, Mai Đình nhúc nhích tăng giá. Miếng khá đẹp với giá dưới 2 triệu đồng/m2. Nay thông tin có vẻ rõ ràng hơn thì giá đã cao gấp 4-5 lần.

Những tay buôn đất ở đây cho biết, từ mấy tháng nay họ đã chuyển qua làm "cò" để đáp ứng nhu cầu của dân tìm mua đất nội thành đổ lên đây ngày càng đông. Hai năm nay, đất ở khu vực ngã ba Phủ Lỗ, vùng quanh chợ rất dễ mua, dễ bán và giá cả toàn lên chứ không xuống. Hiện tìm mua mặt đường thì hơi khó giá lại cao, ít người bán nhưng thụt vào trong một tí. Nếu mua lô hai, lô ba như cách gọi của người dân ở đó thì giá mềm hơn. Đẹp thì 10-12 triệu đồng/m2, diện tích tầm 70-80m. Còn nếu dịch lên phía gần sân bay, trên trục đường đi Thái Nguyên mà vào các làng thì giá cả mềm hơn nhưng cũng ít người muốn bán, có bán lại mảnh to cỡ cả mấy trăm mét, giá sẽ dao động từ 1,5 triệu đồng đến 3-4 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

Tuy nhiên, dân cư trong xã bán đi thì rất ít, chủ yếu là những thửa đất của cánh buôn đất bán lại với nhau. Song, cũng có rất nhiều mảnh đất đã rao bán từ vài năm nay nhưng cho đến hiện tại vẫn chưa thể bán được.

Vùng Sóc Sơn khá rộng và nhiều tiềm năng bao gồm nhiều xã từ sân bay Nội Bài (xã Phú Cường - Phú Minh - Quang Tiến) trải rộng sang đường 3 (Xã Phù Linh, Tiên Dược) lên tận sân golf Hà Nội (xã Minh Phú, Minh Trí). Khu vực sắp tới được đầu tư nhiều nhất như mô hình một nông thôn mới với các khu công nghiệp bao quanh hứa hẹn nhiều triển vọng là xã Mai Đình, Quang Tiến. Khu nghỉ dưỡng hồ Đồng Quan cũng rất hấp dẫn với không khí trong lành... Ngoài ra, sắp tới sẽ có một số trường đại học, bệnh viện được chuyển về đây lên giá đất ở đây tăng nhanh là chuyện dễ hiểu.

Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản cảnh báo nếu chỉ chạy theo cơn sốt giá đất, người mua rất dễ bị mắc kẹt do không thanh khoản được, giống như những đợt sốt đất chóng vánh gần đây.

Thực tế, nhiều người đã không quên được cơn sốt chóng vánh khu Sơn Tây, Ba Vì do giá đất đã bị các "cò" thổi phồng nhờ quy hoạch thủ đô hồi năm ngoái. Hậu quả, cho đến hiện nay, nhiều nhà đầu tư còn đang dở khóc dở cười vì không bán được. Có thể, thông tin các trường đại học sẽ được di chuyển về huyện Sóc Sơn là cái cớ để các cò đất, người dân ở các khu vực xung quanh đẩy giá tăng lên vài triệu đồng/m2.

Theo Minh Sơn
Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG