Đất ngoại thành Hà Nội đang bị ‘thổi giá’

Đất ngoại thành Hà Nội đang bị ‘thổi giá’
Trước những thông tin di dời các trường đại học, bệnh viện… ra ngoại thành đã được những cò đất “thổi giá” khắp các huyện ven thủ đô. Chỉ trong một tuần, giá đất ở các huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh được thổi lên gấp đôi, thậm chí gấp ba lần.

Đất ngoại thành Hà Nội đang bị ‘thổi giá’

Trước những thông tin di dời các trường đại học, bệnh viện… ra ngoại thành đã được những cò đất “thổi giá” khắp các huyện ven thủ đô. Chỉ trong một tuần, giá đất ở các huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh được thổi lên gấp đôi, thậm chí gấp ba lần.

Giá đất ngoại thành tăng cao bất thường là do các cò đất dùng chiêu thổi giá theo các dự án đường sá, cầu giao thông, bệnh viện…
Giá đất ngoại thành tăng cao bất thường là do các cò đất dùng chiêu thổi giá theo các dự án đường sá, cầu giao thông, bệnh viện… . Ảnh: Đỗ Hữu Lực

Trong vai một nhà đầu tư bất động sản tôi tìm đến xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh để “lướt sóng”. Ông Nguyễn Đông Phong, một trùm buôn bất động sản tại xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh), người có gần một mẫu đất vườn ven quốc lộ 23 cho biết, mấy ngày hôm nay, ông mệt mỏi vì tiếp khách công chức nội thành sang hỏi mua đất để làm biệt thự.

"Lướt sóng", đón đầu dự án

Nhưng theo ông Phong, qua thăm nắm tình hình, ông biết các vị khách đến tìm mua đất để “lướt sóng” vì sau khi giao dịch xong, thửa đất trên họ vẫn nhờ ông quản lý. Nếu ai có hỏi mua thì ông điện báo cho họ. Thửa đất vườn của gia đình ông họ trả 35 triệu đồng/m2 sau nâng lên 36 triệu và cuối cùng là 38 triệu/m2 nhưng ông vẫn không bán.

Ông Phong cho hay phải đến khi đạt ngưỡng 40 triệu đồng mới “đẩy”. Khi được hỏi giá đất ở khu vực này tháng trước chỉ có 17 – 20 triệu đồng/m2 nay vì sao ông lại nâng giá gấp đôi, ông Phong nói: “Vài hôm nữa ở đây là bệnh viện quốc tế cho cả ngàn người chứ có phải đất thả gà đâu”.

Chủ tịch UBND xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) Nguyễn Văn Khơ cho hay, gần một tháng qua đã có hơn 30 thửa đất thổ cư trên địa bàn được chuyển nhượng cho người ở nội thành. Điều đáng nói là không có chủ đất nào khởi công xây dựng công trình để sử dụng.

Theo ông Khơ, lý do giá đất thổ cư trên địa bàn xã nóng lên vì các chủ đầu tư trong nội thành có thông tin cầu Thượng Cát bắc ngang qua sông Hồng đã được bộ Xây dựng và Hà Nội thống nhất chủ trương cho phép đầu tư. Bên cạnh đó, con đường rộng 100m được đấu nối với cao tốc Thăng Long – Nội Bài với tỉnh Vĩnh Phúc đang được giải phóng mặt bằng.

Tại huyện Đông Anh, khi chiếc cầu Nhật Tân sắp thành hiện hữu, giá đất ở đây cũng tăng vọt, gấp đôi, thậm chí gấp ba. Khu vực xã Kim Chung, giá đất từ 17 triệu đồng/m2 đã được các “cò đất” thổi lên với giá 50 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, theo các cán bộ địa phương, có rất ít giao dịch được thành công. Còn tại huyện Sóc Sơn, nơi đồn đoán có rất nhiều trường đại học được di dời, khiến nhiều miếng đất thổ cư ở vùng sâu, vùng xa của huyện như Minh Trí, Minh Phú… cũng được đẩy từ 3, 5 triệu đồng/m2 lên tới 10 – 15 triệu đồng/m2.

Khá nhiều người dân ở vùng này bỏ nghề làm ruộng chuyển sang làm cò đất. Thậm chí có cả những thầy cô giáo cũng lơi là bảng đen, phấn trắng chuyển sang làm cò đất. Tại xã Minh Trí, tôi được thầy Ng. M., giáo viên hợp đồng của trường xã nhiệt tình dẫn đi xem mấy sào đất thổ cư của một số gia đình thôn Thái Lai. Thầy M. cho hay, nếu giao dịch thành công, thầy chỉ xin 1% để “uống bia”.

“Bóng đất” Ba Vì?

Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Cienco507 Land Nguyễn Trung Dũng cho hay, từ sau tết Nguyên đán, giá đất các khu vực phía Bắc Hà Nội tăng đột biến là do tình trạng lạm phát bắt đầu tăng. Đã hình thành làn sóng các nhà đầu tư khác như vàng, ngoại tệ… chuyển sang đầu tư bất động sản. Thêm nữa, thông tin tái khởi động dự án thành phố sông Hồng và một số chức danh chủ chốt lãnh đạo của thành phố, trung ương cũng có “quê” ở khu vực ngoại thành phía Bắc khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng rằng cơ sở hạ tầng sẽ khá hơn trước.

Hiệu trưởng trường đại học Công đoàn Nguyễn Văn Sao khẳng định thông tin di dời các trường đại học ra ngoại thành thực chất… đã có từ năm 2007 chứ không phải như bây giờ mới có. Tuy nhiên, để có kinh phí dời các trường là một chuyện rất lâu dài và các trường mới đang trong quá trình… bàn bạc. Do vậy, việc đầu tư đón lõng các dự án là một việc khá mạo hiểm.

Thêm nữa, chưa có quy hoạch chi tiết trường nào sẽ về đâu, ở vị trí nào? Trước tình trạng “sốt đất” bất thường ở ngoại thành, phó giám đốc sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Quốc Tuấn cũng khẳng định quy hoạch chung thành phố Hà Nội đến giờ vẫn chưa được phê duyệt thì làm sao đã có các quy hoạch liên quan khác. Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng ở các khu vực ngoại thành hiện mới là chủ trương. Chẳng hạn như việc di dời các trường đại học, bệnh viện, viện nghiên cứu ra ngoại thành ở một số xã thuộc huyện Sóc Sơn mới chỉ là đề xuất của sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội.

Giám đốc Cienco507 Land Nguyễn Trung Dũng cũng khẳng định, ông chưa thấy một giao dịch mua bán nào thành công ở khu vực Mê Linh với giá 40 triệu đồng/m2. Ông nói, đây là chiêu “bỏ bom” của những cò đất để đẩy giá đất. Rồi nhiều người dân có đất tiếp tục đẩy giá lên. Trong khi đó, dự án của công ty Cienco507 Land có hạ tầng đầy đủ, giáp ranh với cao tốc Bắc Thăng Long – Nội Bài và là điểm đầu của con đường 100m nối từ cầu Nhật Tân qua Đông Anh đến địa bàn Mê Linh mới chỉ bán với giá từ 15 – 20 triệu đồng.

Ông Tống Văn Nga, chủ tịch hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên thứ trưởng bộ Xây dựng cảnh báo xu hướng giá đất ngoại thành tăng bất thường và rất xa với giá trị thực, rất giống kịch bản đất Ba Vì cách đây chưa đầy một năm. Khi giá đột ngột tăng, sẽ kéo theo rất nhiều chủ đầu tư khác mạo hiểm “lướt sóng” kiếm lời. “Khi các dự án còn chưa có quy hoạch cụ thể thì người dân nên cẩn trọng khi quyết định đầu tư để tránh được những tổn thất không đáng có!”, ông Nga cảnh báo.

Theo Đỗ Hữu Lực
Báo Sài Gòn tiếp thị

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG