Khi "Anh Hai cà phê" ra tay sáng chế

Khi "Anh Hai cà phê" ra tay sáng chế
Chẳng thua kém các “Hai Lúa” đồng bằng về khả năng sáng tạo, những “Anh Hai Cà Phê” trên Tây Nguyên cũng sáng chế ra nhiều loại công cụ cơ giới tốt, bền, rẻ , góp phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu tăng dần hàng năm cho tỉnh Đắk Lắk.

Chương trình Xúc tiến thương mại thị trường trong nước

 Khi "Anh Hai cà phê" ra tay sáng chế

Chẳng thua kém các “Hai Lúa” đồng bằng về khả năng sáng tạo, những “Anh Hai Cà Phê” trên Tây Nguyên cũng sáng chế ra nhiều loại công cụ cơ giới tốt, bền, rẻ , góp phần đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu tăng dần hàng năm cho tỉnh Đắk Lắk.

Đắk Lắk là tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất nước với hơn 190.000 ha, sản lượng trung bình 400.000 tấn hạt /năm, đem lại kim ngạch xuất khẩu trên 600 triệu USD năm 2010, chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, 40% kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước. Ngành sản xuất cà phê đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn nửa tỉ người, trong đó trên 300.000 người trực tiếp sản xuất và 200.000 người sống bằng các ngành nghề liên quan đến cà phê.

Điều đặc biệt mà lâu nay ít người để ý phần lớn phương tiện cơ giới phục vụ bà con nông dân trên cao nguyên này đều mang tính “ tự biên tự diễn”. Ngoại trừ máy nổ thường có nhãn mác ngoại, còn đa số các loại máy thông dụng khác như bơm, béc tưới cho đến máy sấy, máy xay xát, chế biến v.v… đều mang gốc gác “made in Đắk Lắk”!

Từ bơm, béc tưới …

Cà phê bung hoa vào mùa nắng nên rất cần được tưới đủ nước để nở hoa kết trái. Thập niên 1980 – 1990, các loại máy bơm của Đông Âu và Trung Quốc, Nhật Bản chiếm lĩnh toàn bộ thị trường Việt Nam. Khi những máy móc này trục trặc hư hỏng, việc sửa chữa và bảo hành tại cơ sở sản xuất trở nên nhiêu khê bất trắc. Thợ sửa máy bất đắc dĩ thường là nông dân, không được học hành gì về nguyên lý cấu tạo máy, chỉ do phải gắn bó với công cụ cơ giới hàng ngày mà thành quen tay điều chỉnh uốn nắn. Một số người thông minh sắc sảo hơn thì từ chỗ lò mò tháo ráp đã trở thành những nhà sáng chế có thể nâng cao cải tiến, sản xuất luôn loại máy đáp ứng được nhu cầu sản xuất thực tiễn của nông dân địa phương, giá cả lại hợp lý nên được dân chúng sở tại ưa chuộng.

Một góc cơ sở sản xuất bơm Đăng Phong
Một góc cơ sở sản xuất bơm Đăng Phong.

Ví dụ bơm tưới sản xuất tại Đắk Lắk có thể bơm nước ở độ sâu trên 100m, đẩy xa hơn 500m bất chấp địa hình đồi dốc. Trong khi đó bơm ngoại chỉ bơm tốt ở độ sâu 15m trở lại mà giá thành lại đắt hơn từ 3 đến 5 lần.

Khởi đầu cải tiến bơm nước phải nói đến Cty sản xuất bơm Văn Thể. Xuất thân từ thợ cơ khí, sau nhiều năm kinh nghiệm chỉnh sửa các loại bơm, ông Trần Văn Thể là người đầu tiên mở cơ sở sản xuất bơm nước tại Đắk Lắk và hiện nay, sau hơn 20 năm thành lập bơm Văn Thể vẫn là thương hiệu hàng đầu sản xuất bơm trong khu vực.

Thầy giáo Trần Văn Huân ở Kon Tum có ý tưởng táo bạo là dùng sức nước để thay thế cho nhiên liệu để bơm nước lên đồi cao, với sự tư vấn giúp đỡ của nhiều chuyên gia nhưng cũng chỉ thành công khi sử dụng đầu bơm cơ khí Văn Thể VT5.

Ngoài bơm nước do các máy nổ vận hành thì mô- tơ sử dụng bằng điện năng rất được ưa chuộng. Trước đây các loại mô-tơ như Cama 10, bơm hoả tiễn chạy lâu dễ nóng máy, nước ra không đều do rơ-le điện ngắt liên tục, hoặc nước yếu…Tìm cách khắc phục nhược điểm trên, anh Nguyễn Đăng Phong nảy ra ý định làm bơm chìm, qua nhiều thất bại tưởng chừng như phải bỏ cuộc, đến nay Cty Đăng Phong chuyên sản xuất các loại bơm với cả trăm công nhân đang ngày càng lớn mạnh, cung cấp hàng cho thị trường cả nước và xuất khẩu sang Lào. So sánh với loại bơm chìm 20 mã lực nhập từ Đan Mạch có giá 450 triệu đồng, bơm chìm của Đăng Phong với chất lượng và tiêu chí tương được lại chỉ bán với giá… 30 triệu đồng, rẻ hơn tới 15 lần! Lại được bảo hành 1 năm. Là người tiên phong ở Việt Nam về bơm chìm, đến nay anh Nguyễn Đăng Phong sở hữu hàng chục bằng khen, cúp từ địa phương đến trung ương về sáng kiến và chất lượng hàng sản xuất.

Béc (vòi tưới nước tự động) nhập từ các nước Đông Âu sau một thời gian sử dụng đã bộc lộ nhiều nhược điểm như: mau hư, biến dạng không quay v.v…là loại công cụ được nông dân Đắk Lắk cải tiến nhiều nhất. Cho đến nay các loại béc nước ngoài không còn được mấy thị phần tại Việt Nam, bởi hoàn toàn thua các loại bec “ madein Đắk Lắk” cả về giá cả, mẫu mã cho tới chất lượng vận hành. Sản xuất bec nhiều nhất bây giờ là phần việc của các anh Hai Cà Phê thứ thiệt, như chủ các cơ sở Đặng Tám, Minh Hà, Thành Phát, Tạ Văn Châu…

… Đến máy sấy, máy xay

Suốt hơn nửa thế kỷ du nhập vào Đắk Lắk, cà phê thường được hái và phơi tự nhiên trên mặt sân xi măng, mặt đường, thậm chí mặt … đất. Phơi dày, cào đảo không đều, không đủ nắng, thậm chí không kịp được cuốn chạy trước những cơn mưa rào bất chợt là những nguyên nhân khiến cà phê nhân xô bị lẫn nhiều hạt đen, mốc, vỡ, chất lượng kém, giá bán rẻ. Vào những năm mưa dầm do hiện tượng thời tiết La Nina, số lò sấy vỉ ngang mọc rộ lên như nấm. Lò sấy vỉ ngang cấu tạo đơn giản, bất kỳ xưởng cơ khí nào cũng có sản xuất rập khuôn, giá rẻ, rút ngắn thời gian phơi, nhưng nhược điểm là sản phẩm hay bị hôi khói.

Sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, dạng máy sấy vỉ đứng của cơ khí Hoàng Thịnh và Minh An ra đời. Đặc biệt, loại máy sấy cà phê quả tươi đảo trộn tự động của cơ khí Hoàng Thịnh giữa vùng nông thôn huyện Krông Ana mới đây đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế với sự hỗ trợ của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia , một lần nữa khẳng định giá trị sáng tạo của những Anh Hai Cà Phê trên vùng đất bazan màu mỡ này.

Chỉ một đoạn ngắn quốc lộ 14 qua xã Bình Thuận huyện Krông Buk, người đi đường đã thấy nhan nhản bảng hiệu của hàng chục cơ sở chế tạo máy xay xát của các xưởng cơ khí Ngọc, Văn Minh, Quốc Huy, Ngọc Dũng, Trần Sĩ, Thành Đạt v.v… sản xuất ra các loại cối xay quả cà phê cả dạng khô lẫn dạng ướt.

Kỹ sư Phan Thanh Bình công tác tại Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: “ Nếu phơi cà phê quả theo lối thông thường thì mất từ 10 -15 ngày hàng mới khô. Nay với các loại cối xay bóc bớt vỏ lụa này, thời gian phơi cà phê được rút ngắn hơn phân nửa, không chỉ tiết kiệm được diện tích sân phơi, công lao động mà chất lượng sản phẩm cũng nâng cao do giảm hẳn hạt ẩm mốc. Hàng năm, chỉ riêng xã Bình Thuận sản xuất ra thị trường hàng ngàn chiếc máy xát vỏ cà phê.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Công Thương, kiêm Chủ tịch Hội Cơ khí Đắk Lắk cho biết: Ngành cơ khí Đắk Lắk hiện đã phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Các loại máy cơ khí do dân chúng sản xuất không chỉ phục vụ hiệu quả cho các tỉnh khu vực Tây Nguyên mà còn cung cấp cho thị trường toàn quốc, xuất khẩu sang nước bạn Lào, Cam Pu Chia, hỗ trợ đắc lực cho Công, Nông nghiệp phát triển bền vững, giải quyết việc làm và thu nhập cho hàng ngàn lao động . Ngành cơ khí Đắk Lắk vẫn còn dồi dào tiềm năng để vươn mạnh hơn nữa nếu được Nhà nước chú ý hỗ trợ mặt bằng và nguồn vốn.

Hùng Lân

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
Đề nghị Bộ Công an vào cuộc đấu thầu vàng SJC
TPO - Chiều 16/4, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có văn bản gửi các bộ, ngành chức năng đề nghị phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác quản lý thị trường vàng. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Công an phối hợp trong tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để đảm bảo hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.