Vay bất động sản trước giờ G: Còn nhưng... hẹp

Vay bất động sản trước giờ G: Còn nhưng... hẹp
TP - Ngày 30-6 là thời điểm các ngân hàng phải đồng loạt đưa tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống còn 22%. Nhiều ngân hàng đang “vắt chân lên cổ” lo thu hồi nợ cũ. Cửa vay “đóng” hẳn với kinh doanh bất động sản trừ số ít khách hàng có nhu cầu thực, đủ tiềm năng.

Ít nơi còn mở

Có nhu cầu đổi chỗ ở nhưng tính đi tính lại vẫn thiếu gần 500 triệu đồng cho nhà mới, chị Hằng (quận Hai Bà Trưng- Hà Nội) tất tả gõ cửa mấy ngân hàng. Tại một phòng giao dịch của BIDV, khi hỏi vay tiêu dùng mua nhà với sổ đỏ thế chấp, đại diện ngân hàng cho hay đã “khóa” van tín dụng này. Được giới thiệu tới một phòng giao dịch chi nhánh ngân hàng Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (Hà Nội), cũng nghe nhân viên nơi đây trả lời tương tự: Đóng cửa vay đã cả tuần. Còn ngân hàng ngoại ANZ thì cho biết: Nếu chứng minh đủ thủ tục pháp lý về sổ đỏ thế chấp, giao dịch hợp đồng mua bán sẽ cho vay với lãi suất 22%/năm có điều chỉnh tuỳ theo mốc khách hàng lựa chọn 1 tháng - 3 tháng - 6 tháng.

Ngày 13-5, trưởng một phòng giao dịch Vietinbank chi nhánh Ba Đình thừa nhận: “Thời điểm này, cho vay tiêu dùng với bất động sản rất khó khăn, nhiều ngân hàng đã đóng cửa cả tháng nay”. Tuy nhiên phòng giao dịch này chỉ đóng cửa vay với bất động sản kinh doanh, còn không hề khóa với khách có nhu cầu mua nhà để ở.

Theo Phó chủ tịch HĐQT một ngân hàng cổ phần: Thời điểm này “cửa vay” mua nhà chỉ còn ở các ngân hàng lớn hoặc ngân hàng nước ngoài. Còn với đa phần ngân hàng cổ phần nhỏ và vừa, đều đang “vắt chân lên cổ” về tỷ lệ 22% sao cho đúng thời điểm 30-6. Việc giảm này theo ông là vô cùng khó khăn vì đa số đều là vay trung và dài hạn.

Giảm không dễ

Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho biết, trong tổng dư nợ tín dụng của OCB đến cuối tháng 3, dư nợ phi sản xuất chiếm 35%, phần lớn là tín dụng bất động sản tiêu dùng. Ngay thời điểm này, OCB đã tính việc cơ cấu lại nợ vay, đồng thời dừng hẳn việc triển khai tín dụng cho vay cầm cố chứng khoán, bất động sản. Theo Chủ tịch HĐQT một ngân hàng khác, dù đã dừng hẳn cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất, trong đó có cho vay bất động sản tiêu dùng, nhưng khả năng ngân hàng vẫn khó giảm được tỷ lệ xuống 22% đúng thời hạn. “Dư nợ phi sản xuất của ngân hàng hiện chiếm đến 44% trong đó rất nhiều khoản vay thuộc trung và dài hạn” - Ông này nói. Riêng với hai ngân hàng cổ phần lớn là ACB và Sacombank, do dư nợ vay BĐS chưa đến ngưỡng yêu cầu nên vẫn có cửa mở, nhưng cả hai đều khẳng định sẽ rất thận trọng, chỉ những dự án khả thi, mãi lực lớn mới tài trợ vốn cho vay.

TS. Nguyễn Thị Mùi, hiệu trưởng trường đào tạo nhân lực Vietinbank cho biết: Đến 30- 6 ngân hàng nào không giảm xuống mức 22% rồi 16% vào ngày 30-12 thì sẽ bị phạt nặng. “Nói trên sổ sách thì dễ, còn giảm đúng nghĩa thì riêng cho vay kinh doanh bất động sản, khó có thể giảm ngay vào ngày 30-6. Nhất là khối này vẫn dễ dàng chịu được mức lãi suất 25-27% ” - Bà Mùi khẳng định. Theo TS. Nguyễn Bá Ân - Phó Viện trưởng Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc kiểm soát và đưa BĐS nói chung vào nhóm phi sản xuất chỉ là cách hiểu nôm na theo “văn nói” mà chưa hoàn toàn chính xác. Cần phân chia rõ giữa hoạt động sản xuất, tạo lập sản phẩm với kinh doanh, đầu cơ khá phổ biến trong lĩnh vực này. “Đứng từ khía cạnh sản xuất, với mức lãi suất có thể lên tới 25-27%, phải tìm hiểu vì sao doanh nghiệp bất động sản vẫn sẵn sàng vay vốn?

Trao đổi với PV Tiền Phong, một quan chức tài chính nói rằng khó khăn hiện tại của thị trường chỉ là trước mắt do việc thắt chặt cung tiền để giảm lạm phát.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.