Lợi nhuận không theo kịp lãi suất cho vay

Lợi nhuận không theo kịp lãi suất cho vay
TP - Tại buổi giao ban, làm việc với đại diện các hiệp hội, hội doanh nghiệp (DN) và DN do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức, ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng, cho biết vốn vay là vấn đề các DN xuất khẩu đau đầu nhất hiện nay.

> Kiến nghị giảm thuế TNDN theo lạm phát
> Lãi suất hạ nhiệt?

Lãi suất hiện ở mức quá cao so với sức chịu đựng của DN. Ở thời điểm này, hầu hết DN kinh doanh không có lãi, bởi lãi chủ yếu để trả ngân hàng.

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, phân tích: Tình hình hiện tại, có thể chia diễn biến khối DN nhỏ và vừa thành ba nhóm. Khối bất động sản và chứng khoán mang tính chụp giật, hớt váng gặp khó đầu tiên.

Khối lưu thông thương mại, các DN sản xuất nhỏ như hàng tiểu thủ công nghiệp cũng bị ảnh hưởng và đang rất khó khăn do thiếu vốn, hàng tồn. Chỉ có nhóm sản xuất những mặt hàng tiêu dùng phục vụ ăn uống, thuốc men chiếm khoảng 30% tổng số DN là vẫn ổn. “Đánh giá tổng thể hiện có khoảng 30% là vẫn ngoi ngóp lúc vay được vốn, lúc không. Khoảng 30% còn lại là DN đang khó khăn toàn diện, hoặc đóng cửa để đấy”, ông Kiêm nói.

Ngân hàng nói gì?

Với hơn 1.500 khách hàng là DN nhỏ và vừa, phó tổng phụ trách nguồn vốn một ngân hàng cổ phần, cho biết: “Trong bối cảnh kinh tế lạm phát cao, thắt chặt tín dụng, rất nhiều DN đang gặp khó khăn. Nhưng có thể nhìn thấy không ít nguyên nhân của sự khó lại bắt đầu từ chính DN do không lượng sức mình”.

Ông đơn cử, có DN sản xuất đang làm ăn lợi nhuận tốt nhưng dùng vốn thặng dư để đầu tư sang chứng khoán, bất động sản mà không dự đoán được tình hình, số này chiếm không ít. Một số nữa là DN làm ăn chụp giật, không lường được diễn biến khó khăn của thị trường nên thay vì co hẹp, lại mở rộng. DN kêu không tiếp cận được vốn vay chưa hẳn đã đúng. Vấn đề cốt lõi là lãi suất quá cao, khiến DN sợ càng đầu tư càng lỗ.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết: thực tế nhiều DN đang kinh doanh do khó khăn nên đã phải ăn cả vào phần vốn dự trữ. Nếu tình hình kinh tế tiếp tục không có chuyển biến thì dần dần số vốn đó cũng cạn kiệt. Nhiều dự án đầu tư của DN do thiếu vốn phải nằm đắp chiếu chờ thời cơ.

Lợi nhuận 33% mới bảo toàn được vốn

Theo khảo sát mới đây của VCCI, chính sách điều hành lãi suất được nhiều DN cho là có tác động không tốt tới hoạt động kinh doanh của DN. Vẫn có khoảng 17% DN không vay được với lãi suất ngân hàng theo giá niêm yết và trên 44% DN đang đi vay với lãi suất trên 18%.

Trong khi đó, số DN có thể cắn răng chịu đựng mức lãi suất này vào khoảng 20% tổng số DN. Khoảng 5% DN đang đi vay với lãi suất trên 21%, trong khi đó 100% DN khẳng định lãi suất hợp lý nhất ở thời điểm hiện tại vào khoảng 17 - 18%.

Theo các chuyên gia, giả sử với mức lãi suất như hiện nay vào khoảng 20%, và lạm phát là 12%/năm thì DN phải có tỷ lệ sinh lời trên 33% thì mới đủ khả năng bảo toàn vốn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG