Khởi động thị trường phát điện cạnh tranh: Tiến dần đến xóa độc quyền

Khởi động thị trường phát điện cạnh tranh: Tiến dần đến xóa độc quyền
Bộ Công Thương vừa tiến hành khởi động thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) thí điểm theo đúng kế hoạch (từ 1/7/2011).

Khởi động thị trường phát điện cạnh tranh: Tiến dần đến xóa độc quyền

Bộ Công Thương vừa tiến hành khởi động thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) thí điểm theo đúng kế hoạch (từ 1/7/2011).

Khởi động thị trường phát điện cạnh tranh: Tiến dần đến xóa độc quyền ảnh 1
Ảnh: minh họa - Internet

Mục tiêu lớn nhất của giai đoạn thí điểm là thử nghiệm, tập dượt, đánh giá sự biến động của chi phí khâu phát điện và doanh thu của các nhà máy. Dự kiến, việc thí điểm này kéo dài từ ngày 1/7 đến hết năm 2011.

Đợt tập dượt nội bộ

Thị trường VCGM dự kiến chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, vận hành theo thị trường ảo. Tất cả các nhà máy thuộc đối tượng tham gia VCGM đều phải tham gia chào giá. Tuy nhiên, việc chào giá, lập lịch và thanh toán chỉ thực hiện trên giấy để các đơn vị làm quen. Việc điều độ và thanh toán thực tế vẫn thực hiện theo hợp đồng. Thời gian này các nhà máy chưa bị bất kỳ ảnh hưởng nào đến chi phí phát điện; Giai đoạn 2, việc chào giá, xếp lịch và huy động sẽ bắt đầu thực hiện theo bản chào nhưng việc thanh toán vẫn thực hiện theo giá hợp đồng; Giai đoạn 3 sẽ thực hiện chào giá, xếp lịch và huy động theo bản chào, việc tính toán thanh toán sẽ theo thị trường nhưng chỉ thực hiện thanh toán thực tế theo thị trường với các đơn vị có đủ điều kiện tham gia thị trường VCGM. Khi đó, các nhà máy tham gia thị trường điện sẽ chịu tác động trực tiếp đến giá điện và doanh thu.

Trong tổng số 73 nhà máy điện có công suất lớn hơn 30MW tham gia trong giai đoạn này, sẽ có 48 nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường (đến cuối năm sẽ có 55 nhà máy trực tiếp chào giá). Tổng công suất đặt của các nhà máy điện trực tiếp chào giá trên thị trường chiếm 61% công suất đặt toàn hệ thống. Các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu như Sơn La, Hòa Bình, Ialy…không tham gia chào bán trên thị trường và được vận hành trên cơ sở phối hợp tối ưu giữa các chức năng phát điện với nhiệm vụ xã hội như chống lũ, tưới tiêu…

Như vậy, việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm không ảnh hưởng đến cơ chế quản lý, điều hành các nhà máy điện hiện nay. Nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, xã hội và an ninh quốc phòng. Các nhà máy điện còn lại thuộc sở hữu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ được tổ chức lại thành các Tổng Công ty phát điện độc lập nhằm tăng quyền chủ động, nâng cao khả năng cạnh tranh của các đơn vị này khi tham gia vào thị trường, đồng thời đảm bảo tính công bằng, minh bạch trên thị trường phát điện cạnh tranh. Trước mắt, các Tổng công ty phát điện này sẽ tiếp tục trực thuộc EVN.

Người tiêu dùng chưa bị ảnh hưởng

Vấn đề được dư luận quan tâm nhất hiện nay là tính công khai, minh bạch trên thị trường VCGM. Bởi lẽ, EVN đang quản lý trên 60% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Toàn bộ khâu truyền tải, điều độ và phân phối đều do các đơn vị hạch toán phụ thuộc, hạch toán độc lập trực thuộc EVN nắm giữ.

Tuy nhiên, ông Ngô Sơn Hải - Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, tất cả các thông tin vận hành, điều độ, bảng chào giá của các đơn vị đều được công khai trên trang website của Trung tâm. Trước 15 giờ ngày hôm trước, A0 sẽ công bố công suất huy động, giá chào của các nhà máy và danh sách các tổ máy được huy động. Đồng thời, cảnh báo khả năng thiếu công suất có thể xảy ra nếu có sự trục trặc từ các tổ máy. Tất cả các đơn vị liên quan đều có thể truy cập. Kể cả các hóa đơn thanh toán cũng sẽ được công khai để các đơn vị kiểm tra đối chiếu trước khi thực hiện thanh toán thực sự.

Trong thị trường VCGM, giá thị trường được xác định theo các bản chào giá của các đơn vị phát điện, đưa ra tín hiệu phản ánh đúng cân bằng "cung-cầu" của hệ thống điện trong từng thời điểm trong ngày, trong mùa. Mức giá thị trường được áp dụng trong thị trường giao ngay của khâu phát điện, còn biểu giá bán lẻ điện vẫn tiếp tục do Nhà nước quản lý nhằm đảm bảo các mục tiêu kinh tế cũng như an sinh xã hội.

Do giá điện hiện nay chưa phù hợp, chưa đảm bảo tích lũy và tái sản xuất cho doanh nghiệp, chưa khuyến khích, thu hút đầu tư, do đó, thời điểm trước mắt, dù giá điện giao dịch giữa các cơ sở phát điện với Công ty Mua bán điện như thế nào đi nữa thì người tiêu dùng vẫn chỉ phải trả tiền điện theo biểu giá Nhà nước quy định. Điều đó cho thấy, người tiêu dùng chưa bị ảnh hưởng từ việc vận hành thị trường phát điện cạnh tranh thí điểm.

Theo Thế Đông
Kinh tế & Đô thị

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG