Giá dược liệu đông y đang tăng vùn vụt

Giá dược liệu đông y đang tăng vùn vụt
Không chỉ thuốc tây y tăng giá, gần đây thị trường thuốc đông y cũng liên tục tăng giá, có loại dược liệu giá tăng gấp đôi, thậm chí tăng 5 – 6 lần.

Giá dược liệu đông y đang tăng vùn vụt

Ngày 11.7, dạo một vòng các tiệm bán dược liệu ở đường Hải Thượng Lãn Ông, một ký tam thất bán giá 2,4 triệu đồng trong khi giá trước tết là 700.000 đồng. Chủ tiệm nói: “Từ sau tết đến nay, giá dược liệu đã tăng nhiều lần rồi. Làm nghề kinh doanh dược liệu nhiều năm nhưng tôi lần đầu mới gặp cảnh giá tăng vọt như từ đầu năm đến nay”.

Trong một báo cáo khoa học về trồng dược liệu, một thầy thuốc đông y dẫn lời các bác sĩ đông y, các nhà thực vật học và một số chủ cửa hàng đông dược cho rằng, thuốc đông dược tăng là do phải nhập khẩu gần như hoàn toàn. Bà Phạm Khánh Phong Lan, phó giám đốc sở Y tế đã từng phát biểu trong hội nghị dược liệu toàn quốc lần thứ 2, “dược liệu của Việt Nam tới hơn 90% nhập lậu từ Trung Quốc qua các con đường tiểu ngạch...”

Anh Nguyễn Văn Chiến, trưởng phòng kinh doanh của một công ty dược liệu, đường Hoàng Đạo Thúy, phường Nhân Chính, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay thị trường giá thuốc tăng cao, công ty nhập và bán dược liệu theo giá thị trường. Nguồn thuốc ngày càng khan hiếm, khó mua và có những lúc không mua được vì phải phụ thuộc vào hàng nhập từ Trung Quốc.

Khi được hỏi vì sao công ty dược không mua tận gốc từ người nông dân trồng dược liệu ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta cho rẻ, anh Chiến nói: “Thương nhân Trung Quốc thu mua của người nông dân luôn trả giá cao hơn các công ty dược của Việt Nam. Hơn nữa, họ có nhiều “quân” đi lùng sục rải rác ở các tỉnh miền núi để thu mua cho đến cạn kiệt nguồn dược liệu, sau đó nhập về nước sấy khô, phân loại rồi bán lại cho Việt Nam. Nếu công ty mình cũng đưa quân đi lùng sục mua như vậy chắc chắn sẽ tốn kinh phí nhiều hơn, giá cao hơn mua hàng của Trung Quốc vì mình không tìm được nguồn”, anh Chiến cho biết.

Lý giải về chuyện thuốc tăng, ông Huỳnh Kiến Trung, một thương nhân lớn về kinh doanh dược liệu (gốc Hoa) quận 5, cho rằng, việc nguồn dược tăng là do khan hiếm hàng nhập khẩu. Nếu các cửa hàng đông y mua với số lượng lớn có khi phải chờ hơn nửa tháng mới có hàng về. Sau khi mua lại từ người Trung Quốc, ông phải thuê thêm 150 công nhân cắt, sấy khô, phân loại, đóng gói, bảo vệ kho, hóa chất… Tiền lương công nhân tăng lên, tiền xăng dầu, vận chuyển… cũng tăng lên. Do đó, tiền thuốc tăng lên gấp 3 – 5 lần là điều tất nhiên.

Từ trước đến nay, nhiều người dân trồng dược liệu nhưng không có đối tác ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đặc biệt, lãnh đạo ngành y tế cũng như người nông dân Việt Nam không có sự tiên lượng về dược liệu (mất mùa thì được giá, được mùa lại mất giá). Nếu giá rẻ, nguồn dược liệu không thể để lâu vì cây dễ mốc, mọt nên phải bán tháo sản phẩm cho thương nhân Trung Quốc. Thời gian sau, Trung Quốc quay lại bán cho mình thành phẩm với giá gấp đôi, ba lần.

Theo Hoàng Nhung
Sài Gòn Tiếp Thị

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG