Hàng ngàn tỷ rút khỏi ngân hàng đi đâu?

Hàng ngàn tỷ rút khỏi ngân hàng đi đâu?
TP - Trong khi một số ngân hàng lớn khẳng định không bị ảnh hưởng sau lệnh cấm huy động vượt trần 14%, nhiều ngân hàng nhỏ lại than bị rút từ vài trăm đến cả ngàn tỷ đồng. Dòng tiền này đang dịch chuyển đi đâu?

Khách hàng đã nhờ ngân hàng báo công an

Không đột biến như ngân hàng kêu

VIB bị rút gần 1.000 tỷ đồng, Phương Nam bị rút gần 200 tỷ đồng; một đại diện ngân hàng khác thừa nhận bị rút mất gần 150 tỷ đồng. Có chi nhánh Agribank địa bàn Hà Nội bị rút vài trăm tỷ đồng từ khách hàng ruột.

Nam Đông Á Bank cũng cho biết, cả trăm tỷ đồng “chạy” khỏi NH. Đó là diễn biến đáng ngại trong tuần đầu thực hiện nghiêm huy động trần lãi suất ở mức 14%/năm. Diễn biến tuần thứ hai (từ 19 đến 21-9), theo tìm hiểu của PV, dòng tiền chảy khỏi ngân hàng vẫn tiếp tục diễn ra nhưng không còn ồ ạt.

Ngày 21-9, bà Cao Thúy Nga, Phó tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Quân đội, cho hay: hiện tượng rút tiền của khách hàng cá nhân vẫn có nhưng chỉ lẻ tẻ, chủ yếu là khách hàng doanh nghiệp rút tiền ra do vào vụ làm ăn.

“Điều này cũng ảnh hưởng nhưng không đáng ngại với chúng tôi, MB có đủ nguồn cân đối”- bà Nga khẳng định. Tại Ngân hàng Bưu điện- Liên Việt, Tổng giám đốc Lê Hồng Phong cũng thừa nhận việc rút tiền của khách hàng cá nhân vẫn xảy ra.

“Bản thân ngân hàng thì không đáng ngại vì chúng tôi có một danh mục khách hàng doanh nghiệp ruột. Nhưng phải thừa nhận lúc này lợi thế đang thuộc về các ngân hàng lớn”- ông Phong nói.

Trao đổi với Tiền Phong, Chánh thanh tra NHNN chi nhánh Hà Nội- ông Trần Quốc Hùng, cho biết: Ba ngày nay, NHNN địa bàn này liên tục cập nhật số liệu từ các NHTM. Hiện tượng rút tiền từ nguồn huy động dân cư không “đột biến” như các ngân hàng kêu.

“Chúng tôi đã kiểm tra, đa số khoản tiền rút ra là từ các tổ chức, doanh nghiệp. Cần nhìn nhận đây là hiện tượng bình thường bởi vào dịp tháng 9, khách hàng cá nhân thường hay rút tiền để mua sắm, sửa sang và xây nhà cửa. Với doanh nghiệp, đây là lúc bắt đầu vào vụ tích trữ hàng cho dịp cuối năm”.

Điều gì diễn ra nếu tiền tiếp tục bị rút khỏi các ngân hàng nhỏ? Một lãnh đạo ngân hàng thừa nhận: Chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tính thanh khoản của ngân hàng đó. Minh chứng cho điều này là trên thị trường tiền gửi đã có loại kỳ hạn ngày mà thực chất theo tính toán, là hình thức lách trần lãi suất huy động. 14%/năm là lãi suất của năm, nếu quản lý theo dòng tiền “lãi đẻ ra lãi” thì lãi suất của sản phẩm trên đã vượt trần quy định, thậm chí còn lên tới 15% - 16%/năm. Cụ thể: NH Phương Tây tung ra loại tiền gửi kỳ hạn 1,2,3,4,5,6 ngày với lãi suất đều ở mức 13,8%/năm...

Chỉ là sự luân chuyển xử lý nợ?

Theo lý thuyết bình thông đáy, khi lãi suất huy động bị áp trần chặt chẽ, một bộ phận dân cư có thể dịch chuyển tiền tiết kiệm sang các kênh đầu tư như vàng, ngoại tệ và chứng khoán hay bất động sản.

“Nói dòng tiền chảy ra khỏi ngân hàng chưa thực có căn cứ. Đến thời điểm này, qua các số liệu báo cáo, trên địa bàn Hà Nội, tôi chưa nhìn thấy dòng tiền chạy ra khỏi NH. Lượng tiền chảy sang vàng, đô la, chứng khoán chỉ là hiện tượng nhỏ của một ít nhà đầu tư. Ba ngày nay, tỷ giá không biến động, chứng khoán hết xanh, tôi không cho là vậy. Với vàng thì có thể một số ít người rút ra để sẵn mua bán nhanh nhưng số này không nhiều”- ông Trần Quốc Hùng, khẳng định.

TS. Quách Mạnh Hào, Phó Tổng giám đốc CTCK Thăng Long cho hay, lượng tiền nộp vào chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân không tăng. “Một số CTCK thu hút tiền dịch vụ chứng khoán. Với lãi suất cho vay ra khoảng 20% /năm thì mức huy động của CTCK vào khoảng 16-17%/năm. Nhưng số nhà đầu tư cho CTCK vay trên thực tế không nhiều, tôi cho rằng không có tiền mới vào chứng khoán”- ông Hào nói.

Phó tổng giám đốc CTCK Hòa Bình - Nguyễn Huy Dương cũng chứng minh tiền không vào chứng khoán, thậm chí còn rời khỏi công ty ông mỗi ngày từ 10 tỷ tới vài chục tỷ đồng. NHNN liên tục bơm hút mạnh, chứng tỏ thanh khoản vẫn căng, các NHTM không đáp ứng được, rất ít tiền thặng dư.

Ông Dương chỉ ra trong số tiền gửi sẽ có không ít của các DN, tổ chức mà chính bản thân họ cũng đang gánh những khoản nợ. DN rất sợ mất thanh khoản, họ chỉ tạm gửi những khoản vay đó. Khoản tiền lớn bị rút ra vừa qua chính là sự luân chuyển trả nợ giữa các doanh nghiệp với NH.

“Nếu rơi vào chứng khoán, hay bất động sản, chúng tôi đã có thông tin. Bản thân người dân có tiền cũng không dễ rút ra như đi buôn được. Chắc chắn lại dịch từ ngân hàng bé, sang gửi ngân hàng lớn cho an toàn hơn”- ông nói.

Lượng vàng người dân mua vào mấy ngày nay lớn khiến nhiều công ty kinh doanh vàng đề nghị ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp hạn ngạch nhập khẩu thêm vàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vàng bạc đều thừa nhận đa phần là nhà đầu tư lướt sóng đã quen mặt, chứ không nhiều người mua tích trữ.

Dù tỷ giá USD/VND tự do đã tăng thêm gần 200 đồng, vượt 21.000 đồng so với tuần nhưng theo các NH, cũng không phải do người dân gửi tiết kiệm hoán đổi từ VND sang ngoại tệ (số dư tiền gửi ngoại tệ không tăng). Sự gia tăng tỷ giá tự do này có thể là do việc tính toán nhu cầu nhập vàng kéo nhu cầu mua USD tăng lên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".