Thứ trưởng Công Thương nói về việc lỗ lãi của doanh nghiệp xăng dầu

Thứ trưởng Công Thương nói về việc lỗ lãi của doanh nghiệp xăng dầu
TP - “Có việc chuyển giá thông qua hoa hồng giữa các doanh nghiệp trong cùng một hệ thống, định giá và việc tăng giảm giá xăng... hay không đều thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính. Còn Bộ Công Thương chỉ có trách nhiệm lo nguồn xăng dầu”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn PVTiền Phong, ngày 23-9.

> Petrolimex lẩn tránh sự thật
> Theo giá nhập, Petrolimex lãi 780 đồng/lít xăng

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú.
 

Vấn đề điều hành giá xăng dầu thời gian qua có nhiều ý kiến khác nhau. Theo ông ai điều hành giá. Bộ Công Thương hay Bộ Tài chính?

Về chức năng nhiệm vụ mà nói, Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu, hệ thống phân phối thông suốt và dự trữ đảm bảo đề phòng bất trắc. Bộ Tài chính được Chính phủ giao nhiệm vụ quản lý các vấn đề liên quan đến tài chính như giá, thuế, quỹ bình ổn và tài chính doanh nghiệp (trong đó có cả lỗ lãi của doanh nghiệp) …

Không thể đặt vấn đề tách bạch giữa hai bộ được. Từ trước đến nay, các cơ quan được giao nhiệm vụ phối hợp với nhau rất chặt chẽ, công tác điều hành cũng rất êm đẹp.

Nhưng Bộ Tài chính khẳng định doanh nghiệp lãi lớn, trong khi Petrolimex thanh minh chỉ lãi ít. Ông đánh giá ra sao hai ý kiến trái chiều này?

Nói về lỗ lãi trong kinh doanh xăng dầu thì phải phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, vào cấp độ quản lý. Như tôi, với tư cách quản lý Nhà nước, khi nói đến lỗ lãi dưới góc độ quản lý vĩ mô, là nói đến lỗ tích lũy lại của các DN trong thời gian chúng ta thực hiện các biện pháp bình ổn giá.

Để điều hành thị trường xăng dầu, các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, tổ giám sát giá xăng dầu liên Bộ Tài chính - Công Thương, Cục Quản lý giá, Vụ Thị trường trong nước, người ta phải điều hành giá căn cứ trên giá cơ sở do Bộ Tài chính xây dựng và thể chế hóa trong Nghị định 84 của Chính phủ.

Như vậy nói lỗ lãi là nói đến sự chênh lệch giá giữa giá cơ sở và giá bán lẻ do Nhà nước quy định. Không có cơ quan nào được phép điều hành theo giá mình tự tính ra với giá cơ sở trong Nghị định 84.

Vậy theo ông có việc DN gian lận không?

Việc có hay không DN gian lận, thu lãi lớn, tôi chỉ nói thế này: Chúng ta không được quên mỗi lần tăng giảm giá đều là quyết định của Bộ Tài chính, có sự phối hợp của Bộ Công Thương.

Liệu có việc DN lãi lớn nhưng lại báo cáo lỗ với cơ quan quản lý không?

Việc đánh giá DN có lãi hay không chính là chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của Bộ Tài chính. Tôi nghĩ rằng, khó có thể có việc DN giấu lãi đi đâu cả. Tôi tin rằng sắp tới kết quả kiểm tra các DN của Bộ Tài chính sẽ làm rõ việc này.

Bộ Tài chính nói lãi trên mỗi lít xăng trước khi quyết định giảm giá được căn cứ theo khai báo hải quan, lãi tới 780 đồng/lít xăng, trong khi Petrolimex nói chỉ lãi 411 đồng/lít. Vì sao lại khác nhau như vậy?

Các cơ quan quản lý Nhà nước đều phải thực hiện điều hành căn cứ theo quy định của pháp luật, trong lĩnh vực quản lý và kinh doanh xăng dầu đó là Nghị định 84 của Chính phủ. Không cơ quan nào có thể tự mình đưa ra công thức tính riêng. Việc tính theo giá hải quan là việc của DN khi hạch toán, không phải là giá để điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước.

Vậy với việc lợi dụng tính giá hải quan, DN có thể gian lận được không?

Bộ Tài chính có Thông tư 165 ngày 26-10-2010 về thủ tục hải hải quan đối với xăng dầu. Điểm 4 của Thông tư này quy định rõ cách tính giá hải quan đối với nhập khẩu xăng dầu và DN không thể làm sai quy định này.

Ngày 22-9, đại diện Bộ Tài chính có đề cập vấn đề khi thanh tra sẽ làm rõ các khoản tiền trong kinh doanh xăng dầu, trong đó có các khoản chiết khấu hoa hồng mà nhà cung cấp dành cho người mua. Ông có ý kiến gì về việc này?

Tôi xin nói lại, việc quản lý tài chính doanh nghiệp nói chung là công tác thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Tài chính, nên tôi không có điều kiện để nói chính xác.

Bộ trưởng Tài chính nói điều hành xăng dầu phải vì lợi ích đất nước và 80 triệu dân chứ không vì lợi ích nhóm, trong khi ông đứng ra bảo vệ doanh nghiệp. Vì sao vậy?

Chính phủ, trong đó có tất cả các bộ ngành có trách nhiệm quan tâm đến lợi ích của 80 triệu dân, chứ không phải chỉ một bộ ngành nào. Từ trước đến nay không bao giờ có sự mâu thuẫn giữa cơ quan quản lý ở mục tiêu là vì lợi ích của toàn dân hay lợi ích của một số doanh nghiệp. Tuy nhiên, do nhiệm vụ khác nhau thì thể hiện, diễn đạt có khác nhau.

Bộ Công Thương phải lo cho 80 triệu dân thông qua việc đảm bảo mọi người dân luôn có xăng cho tiêu dùng trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh (bằng việc đảm bảo nguồn cung ứng và dự trữ) và đảm bảo cho người dân có thể mua được xăng dầu bất cứ lúc nào một cách thuận tiện. Nói ngắn gọn là đảm bảo hệ thống cung cấp xăng dầu cho người dân. Mà hệ thống cung cấp xăng dầu lại gắn liền với hoạt động của DN.

Bộ Công Thương phải quan tâm đến việc giải quyết số lỗ đã tích lũy lại của các DN nhập khẩu xăng dầu chứ không phải quan tâm đến lợi ích chung chung của các DN.

Còn những dấu hiệu gian lận, chuyển giá doanh nghiệp, mà đại diện Bộ Tài chính thông tin thì sao, thưa ông?

Vấn đề có việc chuyển giá hay không đây là việc thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, tôi không thể nói thay Bộ Tài chính được. Tuy nhiên, hệ thống kinh doanh xăng dầu rất đặc thù. Trong hệ thống đó, không ai được quyết định giá bán.

Tất cả đều bán theo giá do Nhà nước quy định, các tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán lẻ đều chỉ bán để hưởng hoa hồng, trong điều kiện đó tôi không hiểu ai chuyển giá cho ai, chuyển như thế nào và chuyển giá nào vào giá nào.

Cảm ơn ông.

Phạm Tuyên (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.