Hẹp dần cửa đầu cơ vàng

Hẹp dần cửa đầu cơ vàng
TP - Hôm qua, 7-10, giá vàng trong nước tiếp tục giảm, dù giá thế giới tăng. Vàng trong nước chỉ còn chênh với giá thế giới 1 triệu đồng/lượng... Đây được coi là phản ứng tích cực, sau khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhiều chính sách mới. Dự báo, vàng trong nước sẽ tiếp tục giảm.

Lại cho kinh doanh vàng qua tài khoản
> Đầu cơ vàng nằm ở đâu?

Vàng còn giảm, mua sẽ rủi ro

Mặc cho giá vàng thế giới tăng lên 1.657 USD/Oz (tăng 6,6 USD), giá vàng trong nước vẫn đi xuống. Tại Hà Nội, Bảo Tín Minh Châu hạ 300 nghìn đồng/lượng đầu mua vào và 150 nghìn đồng/lượng bán ra, niêm yết mức 43,35 - 43,85 triệu đồng/lượng.

Vàng SJC của SJC Hà Nội giảm 150 nghìn đồng mua vào và 100 nghìn đồng/lượng bán ra, xuống 43,4 - 43,85 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, giá vàng mua vào của Sài Gòn SJC chỉ là 43,15 triệu đồng/lượng và bán ra 43,55 triệu đồng/lượng, thấp hơn 300 nghìn đồng/lượng so với hôm trước. Giá vàng SBJ của Sacombank SBJ là 43,16-43,54 triệu đồng/lượng.

Theo phân tích của Sacombank- SBJ, với việc can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kỳ vọng giá vàng trong nước sẽ tiếp tục biến động theo xu hướng giảm dần, sát với giá thế giới. SBJ cũng kỳ vọng mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới sẽ sớm kéo xuống còn từ 200–400 ngàn đồng/lượng.

“Nếu NHNN tiếp tục can thiệp quyết liệt, giá vàng trong nước có thể hạ thêm hàng triệu đồng mỗi lượng, dù giá vàng thế giới không có biến động lớn. Bởi thế, mua vàng lúc này có thể gặp rủi ro”- Một phân tích viên SBJ nói.

“cuộc chơi” chưa sòng phẳng

Trái với sự hạ nhiệt của giá vàng, hôm qua tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng.

Vietcombank báo giá ngoại tệ ở mức 20.856 đồng (mua vào) và 20.860 đồng (bán ra), tăng 6 đồng mỗi USD.

Giá USD tự do tiếp tục điều chỉnh giảm 20 đồng và 30 đồng còn ở mức 21.380 đồng (mua vào) và 21.470 đồng (bán ra), bất chấp khẳng định của NHNN từ nay đến cuối năm tỷ giá sẽ chỉ điều chỉnh dưới 1%.

Hôm qua, ngày thứ 2 liên tiếp, 5 ngân hàng thương mại (NHTM) và Cty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) bán vàng bình ổn. Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc SJC, cho biết, ngày 7-10, SJC đã bán ra 13.000 lượng, giảm 7.000 lượng so với hôm trước. Sức mua trên thị trường giảm hẳn so với ngày trước đó.

Một đại diện Cty vàng Phú Quý (bán vàngSJC), cho biết: “Từ sáng đến giờ rất ít người hỏi mua, đa phần chỉ đến nghe ngóng thậm chí bắt đầu xuất hiện người bán ra. Không ít người mua vào thời điểm vàng 46 triệu đồng/lượng đã quyết định bán cắt lỗ”.

Tổng giám đốc Eximbank Trương Văn Phước (một trong 5 NHTM tham gia bán vàng bình ổn), cho rằng việc các ngân hàng tham gia là tự nguyện để bảo vệ người dân trước những biến động bất ổn trên thị trường.

Với mục đích đó, Eximbank không đặt mục tiêu lợi nhuận hay chạy theo kinh doanh như thông thường. Quan trọng nhất vẫn là, cùng thực hiện mục tiêu ổn định được thị trường vàng.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ thị trường, nhiều ý kiến cho rằng “cuộc chơi” mua bán vàng hiện chưa sòng phẳng. “Vàng chỉ là cuộc chơi của các ngân hàng và định chế tài chính lớn. Các ngân hàng cùng SJC bán vàng bình ổn theo giá SJC niêm yết.

Trong số vàng đó, có thể khẳng định một nguồn không nhỏ từ huy động, chứ không phải nhập trực tiếp về. Vậy tại sao họ không bán giá sát quy định chênh từ 200-400 ngàn đồng/lượng, như định hướng của NHNN, mà vẫn bán giá ở mức chênh vẫn tới hơn 1 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. Như vậy, rõ ràng họ cũng đang hưởng lợi”-Một chủ doanh nghiệp kinh doanh vàng nói.

Theo ông Long, giá vàng còn chênh với thế giới 1 triệu đồng/lượng, vì cầu vẫn còn cao hơn cung. “Giá như vậy nhưng có nhiều cửa hàng nhỏ lẻ vẫn cho người đi mua gom, nên chưa thể hạ ngay được. Vả lại với cầu cao như vậy, một mình SJC cũng không thể gánh vác nổi việc bình ổn giá. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, nếu 5 NHTM và SJC tiếp tục bán vàng bình ổn, sẽ còn kéo được mức chênh lệch giá trong nước và thế giới xuống nữa trong những ngày tới”.

Giám sát vay thế chấp, cầm cố bằng vàng

NHNN vừa có văn bản (số 7816) về việc cho vay cầm cố, thế chấp bằng vàng. Theo đó, các tổ chức tín dụng trước ngày 12-10 phải báo cáo Vụ chính sách tiền tệ (NHNN) tình hình cho vay thế chấp, cầm cố bằng vàng đối với tổ chức, cá nhân phát sinh từ ngày 1-1 đến ngày 7-10- 2011.

NHNN cũng yêu cầu Thanh tra, giám sát ngân hàng và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố giám sát chặt chẽ hoạt động cho vay thế chấp, cầm cố bằng vàng của tổ chức tín dụng; kịp thời phát hiện và định kỳ hàng tuần báo cáo NHNN các trường hợp tổ chức tín dụng cho vay đối với tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động đầu cơ vàng, gây rối loạn thị trường vàng, ngoại hối.

Khánh Huyền

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG