Kết nối doanh nhân Việt trong và ngoài nước

Các doanh nhân Việt kiều tại buổi gặp mặt. Ảnh: M.Đức
Các doanh nhân Việt kiều tại buổi gặp mặt. Ảnh: M.Đức
TP -Nhiều doanh nhân Việt kiều muốn đầu tư về nước, song vẫn quan ngại một số khó khăn.

> Thủ tướng gặp mặt 50 doanh nhân trẻ tiêu biểu

Tại cuộc gặp gỡ Doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước ngày 13-10 vừa qua do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức, nhiều doanh nhân Việt kiều muốn đầu tư về nước, song vẫn quan ngại một số khó khăn.

Các doanh nhân Việt kiều tại buổi gặp mặt. Ảnh: M.Đức
Các doanh nhân Việt kiều tại buổi gặp mặt. Ảnh: M.Đức.
 

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tính đến hết năm 2010, có khoảng 3.500 doanh nghiệp do người Việt Nam ở nước ngoài thành lập hoặc góp vốn đã đầu tư vào trong nước với tổng vốn đăng ký lên tới 11 tỷ USD. Lượng kiều hối gửi về nước những năm gần đây đều đạt mức 7-8 tỷ USD/năm.

Bên cạnh đó, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài còn góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh đất nước, đóng vai trò “cầu nối” cho hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài thông qua khả năng tiếp cận. Nắm bắt nhu cầu thị trường quốc tế, hiểu biết luật lệ và quan hệ sâu rộng với giới chức sở tại, người Việt đã phối hợp với các doanh nghiệp trong nước thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài, đồng thời đầu tư trực tiếp hoặc giới thiệu đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hà, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Berlin (Cộng hòa Liên bang Đức) nói, hiện nay có khoảng 130.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Đức thì có tới 80.000 người làm chủ doanh nghiệp. Cần cù, chịu khó, hiếu khách là lợi thế để người Việt ở Đức nhanh chóng thiết lập một loạt hệ thống nhà hàng hấp dẫn với phong cách phục vụ chu đáo.

Hệ thống nhà hàng này đã nhanh chóng được người Đức đón nhận. Người Việt dễ chiếm được cảm tình của người Đức, thủ tục hành chính bên đó cũng rất đơn giản, gọn nhẹ, vì vậy việc kinh doanh ở Đức còn thấy dễ dàng hơn cả ở Việt Nam.

Nếu người Việt sang Đức, muốn tìm đồng hương thì vào những tiệm Nails thế nào cũng gặp đồng hương, chị Hà cho hay. Hiện công ty của chị Nguyễn Thị Hà nổi tiếng với thương hiệu Hà nails. Hệ thống các tiệm nails của người Việt không chỉ phát triển ở thị trường Đức mà nó còn lan sang một số nước khác như Cộng hòa Séc, Mỹ, Anh…Ngoài hệ thống tiệm nails (làm móng tay, móng chân) mặt hàng may mặc, da giầy cũng được phát triển mạnh mẽ.

"Đội ngũ doanh nhân với phần lớn là trí thức, chuyên gia có trình độ cao sẽ là những nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc chấn hưng đất nước, tạo nên sự gắn bó chặt chẽ trong mạng lưới doanh nghiệp Việt Nam trên toàn thế giới, cùng nhau góp sức làm cầu nối gắn kết nền kinh tế đất nước với thị trường mở toàn cầu." - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm UBNN về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn

 

Ông Nguyễn Trọng Nguyễn, Giám đốc công ty Anson (Doanh nhân Việt Nam tại Hoa Kỳ) nói, cho đến nay vẫn chưa có bất cứ một nghiên cứu khoa học sâu rộng và đầy đủ nào về những đóng góp mà cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương.

Các doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam đầu tư và kinh doanh từ khi “đổi mới” và mở cửa năm 1987, đến nay, đa số đều chưa có thành công lớn. Họ chưa đầu tư kinh doanh nhiều tại Việt Nam mà chỉ là “đi đi về về”, không có mặt thường xuyên tại Việt Nam để quản lý công việc.

Ngoài ra, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài còn gặp các khó khăn về việc thay đổi môi trường sống. Khi quyết định về Việt Nam làm việc và kinh doanh, họ sẽ phải đối đầu với những trở ngại và khó khăn rất lớn. Không có thông tin, tài liệu đầy đủ và minh bạch để nghiên cứu và tìm hiểu về các vấn đề có liên quan đến công việc kinh doanh, đầu tư và giải quyết các vấn đề phát sinh.

Do các khó khăn cơ bản này, một doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài khi quyết định về lại Việt Nam để sống làm việc, kinh doanh và đầu tư thường phải mất chi phí cơ hội khá cao.

Ông Nguyễn Trung Thực, Chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt - Đức, kiến nghị: Chính phủ nên có kế hoạch và tài chính để liên kết những người Việt Nam đang kinh doanh tại các quốc gia trên thế giới, tổ chức đào tạo tập huấn kiến thức về quản lý và xúc tiến thương mại, du lịch chính sách ưu đãi đầu tư của chính phủ. Khuyến khích và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài để đôi bên cùng có lợi.

Tính đến hết tháng 9 năm 2011, có 213 dự án của Việt kiều với 1,047 tỉ USD đã đầu tư vào Việt Nam. Nhà đầu tư Việt kiều Hoa Kỳ xếp thứ nhất với 67 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 285 triệu. Thứ 2 là Việt kiều Ba Lan với 4 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 121 triệu USD, xếp thứ 3 là Việt kiều từ Hồng Kông và Liên Bang Nga.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.