Chi 180 tỷ để ra khơi là trúng mùa

Chi 180 tỷ để ra khơi là trúng mùa
TP - Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Huy Sơn, Phó viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, với kinh phí 180 tỷ đồng, cơ quan này sẽ ứng dụng ảnh viễn thám dự báo và điều tra tổng thể ngư trường, giúp ngư dân ra biển là trúng mùa.

Đột phá

Ông Sơn, cho biết: Lâu nay việc dự báo ngư trường của Viện chủ yếu dựa trên cách làm truyền thống, tức là dựa vào kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi hằng năm. Cách làm này phụ thuộc lớn vào số liệu đầu vào, nhất là nhật ký đi biển của ngư dân, tuy nhiên nguồn số liệu này chưa chính xác lắm. Còn ngư dân dựa trên tính mùa vụ, di cư của đàn cá, nên họ tự tìm kiếm ngư trường cho mình.

Tới đây, việc đầu tư cho công tác dự báo sẽ ra sao, để ngư dân có thông tin định hướng, ra khơi hiệu quả hơn?

Trước đây, từ thời Bộ Thủy sản, có giao cho Viện mỗi năm 250 triệu đồng để làm công tác dự báo. Thực tế, con số này quá ít ỏi, chỉ việc nhờ bà con ngư dân ghi số liệu, nhật ký, rồi gửi về tổng hợp, xử lý cũng đã hết tiền rồi; chưa kể đến cùng với Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản in ấn, phát hành các bản tin gửi đến các địa phương, phát trên bản tin của Viện, Đài tiếng nói Việt Nam, đài duyên hải…Thế nhưng, con số ít ỏi đó, đầu năm nay cũng bị cắt, trong khi nhiều địa phương và các đài để nghị làm gửi để phục vụ sản xuất. Ngoài ra, hiện Viện cũng không có tàu điều tra nguồn lợi. Có một tàu do Na Uy viện trợ từ những năm 70, nay đã bục, bàn giao cho trường Đại học Nha Trang làm giáo cụ trực quan cho sinh viên. Cán bộ của Viện muốn khảo sát, phải đi nhờ tàu của
ngư dân.

Mới đây, Viện đã trúng thầu tiểu dự án điều tra tổng thể nguồn lợi hải sản Việt Nam, phục vụ cho quản lý, khai thác. Đề án thực hiện trong 5 năm (2011-2015), với tổng kinh phí gần 180 tỷ đồng. Từ kết quả điều tra, chúng ta có cái nhìn tổng thể về nguồn lợi tài nguyên hải sản của Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ ảnh viễn thám

Thế còn chất lượng dự báo thì sao, thưa ông?

Chúng tôi đang triển khai mô hình dự báo cá, dựa vào các trường hải dương học, tức là kết hợp dựa vào các ảnh viễn thám thu được từ vệ tinh, phân tích trường nhiệt độ, độ mặn… Cách làm này có tính khoa học, chính xác hơn. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc yếu tố kiểm chứng. Chẳng hạn hình ảnh vệ tinh đó, chỉ ra con cá ngừ đại dương thích nhiệt độ thế này, ở vùng này; ngư dân khai thác ở ngư trường đó phản hồi lại xem độ chính xác ở mức độ nào… Hiện đề tài này đã trải qua hai giai đoạn, và đã hoàn thiện mô hình dự báo. Sắp tới, Viện sẽ làm thêm khâu nữa là kiểm chứng dự báo. Với mô hình này, kết hợp với phương pháp truyền thống, sẽ có những thông tin dự báo kịp thời, chính xác hơn cho bà con ngư dân.

Muốn dự báo chính xác, cần phải có điều tra nguồn lợi, thế nhưng lâu nay, việc này chưa được quan tâm?

Từ trước đến nay gần như chúng ta chưa có một cuộc điều tra tổng thể, mà chỉ điều tra rải rác, rời rạc dù kinh phí khá nhiều. Chẳng hạn năm nay làm Vịnh Bắc bộ, năm sau lại sang vùng biển Tây Nam…, như vậy là không đồng bộ. Số liệu dự báo trong những năm vừa qua, chỉ mang tính tổng kết từ các nguồn, kể cả số liệu của Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên… trước đây, cho đến kết quả điều tra các dự án nhỏ mới đây, tổng hợp lại mới ra. Còn điều tra tổng thể, đồng loạt trong cả nước, trong một giai đoàn nào đó thì chưa có.

Ông đánh giá thế nào về trữ lượng và khả năng khai thác hằng năm của thủy sản Việt Nam?

Theo số liệu tổng hợp được, trữ lượng nguồn lợi thủy sản của Việt Nam một năm khoảng 5 triệu tấn, và khả năng khai thác 2,2-2,5 triệu tấn. Thực tế, số liệu tổng hợp do ngư dân đánh bắt cũng rất lớn, nhưng chưa phân loại được ngư dân đánh bắt ở nước ngoài.

Dự báo ngư trường hiện chưa đáp ứng được so với mong muốn của bà con ngư dân cũng như cơ quan quản lý, do chúng ta chưa có nguồn lực, khả năng. Công tác điều tra nguồn lợi, trong đó có tàu điều tra kinh phí rất lớn, nhiều nước giàu cũng khó chứ không phải ta. Tới đây, từ đề án tổng điều tra nguồn lợi mà Viện Nghiên cứu Hải sản đang thực hiện, không chỉ phục vụ công tác dự báo, mà còn là cơ sở để cơ cấu lại đội tàu, quy hoạch nghề khai thác” - Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG