Ngân hàng cán đích lợi nhuận 'khủng'

Dù khó khăn nhưng nhiều ngân hàng vẫn lãi lớn. Ảnh: Hồng Vĩnh
Dù khó khăn nhưng nhiều ngân hàng vẫn lãi lớn. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Dự báo, nhiều ngân hàng cán đích, thậm chí vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra trong năm 2011, với mức lợi nhuận ít cũng vài trăm, nhiều tới vài ngàn tỷ đồng.

> Kiếm lợi nhuận từ mục đích cộng đồng
> Điều gì xảy ra nếu hạ trần lãi suất huy động?
> Yêu cầu hạn chế cho cá nhân vay đầu tư bất động sản

Trong bối cảnh lãi suất cho vay cao, nhiều doanh nghiệp khó khăn, khiến dư luận không khỏi băn khoăn: Phải chăng các ngân hàng đang “ăn” trên lưng doanh nghiệp?

Dù khó khăn nhưng nhiều ngân hàng vẫn lãi lớn. Ảnh: Hồng Vĩnh
Dù khó khăn nhưng nhiều ngân hàng vẫn lãi lớn. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Lãi từ đâu?

Cập nhật kết quả kinh doanh mới nhất đến hết tháng 11-2011, theo lãnh đạo TienPhong Bank, lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 376 tỷ đồng, dự kiến lợi nhuận năm nay tăng 140% so với năm 2010. Bà Trần Thanh Hoa, Tổng giám đốc ABBANK cho biết: LNTT của ABBANK hết tháng 11-2011 đạt 391,3 tỷ đồng so với kế hoạch năm là 500 tỷ đồng.

“Chúng tôi đặt mục tiêu hàng đầu là đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, nên đã thực hiện trích lập dự phòng theo quy định”- bà Hoa nói.

Tin từ Ngân hàng Sacombank, LNTT đến tháng 11-2011 là 2.618 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch năm 2011. Trước đó, tháng 10 vừa qua, 8 ngân hàng có cổ phiếu niêm yết tại 2 Sở GDCK Hà Nội và TP HCM đã lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý III. Đứng đầu về lợi nhuận sau thuế (LNST) là Vietinbank với 4.129 tỷ đồng, Vietcombank 3.309 tỷ đồng, ACB 2.101 tỷ đồng, Eximbank 2.028 tỷ đồng...

Trong một hội nghị bên lề, ông Lê Công, Tổng giám đốc MB cũng cho biết, LNTT của MB hết quý III là 2.160 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 1,9%.

Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định khá nhiều ngân hàng sẽ cán đích, thậm chí vượt mức lợi nhuận đề ra năm 2011. Tuy nhiên, niềm vui của người này nhiều khi lại là nỗi buồn của người khác. Lãnh đạo một ngân hàng tiết lộ, có không ít ngân hàng đang âm và nhiều khả năng lỗ.

Nguyên nhân chủ yếu là những ngân hàng này dùng nguồn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn cũng như tỷ lệ cho vay bất động sản ở mức quá cao và có nguy cơ rơi vào nhóm nợ xấu. Nên để đảm bảo tính thanh khoản, đã phải đi vay lãi cao trên thị trường liên ngân hàng, trong khi đó nợ xấu gia tăng.

Về cơ cấu lợi nhuận, theo phân tích, năm nay các ngân hàng vẫn duy trì được lợi nhuận theo truyền thống từ hoạt động tín dụng (chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay). Thành viên HĐQT một ngân hàng cho biết: Năm nay chúng tôi “bội thu” nhờ dồi dào nguồn vốn cho vay trên thị trường liên ngân hàng, nhất là vào những lúc thị trường căng thanh khoản, có thời điểm cho vay tới hơn 30%/năm.

Theo phân tích, kinh doanh ngoại tệ cũng góp phần tích lãi lớn cho những ngân hàng có sở trường nghiệp vụ này như: Vietcombank, Eximbank... Giám đốc sở giao dịch một ngân hàng cho biết: “Lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối của chúng tôi tới 700- 800 tỷ đồng, góp đáng kể vào lợi nhuận ngân hàng mẹ”.

Ngoài ra, những ngân hàng có thị phần lớn còn tích luỹ thêm thu nhập từ thu phí chuyển tiền, phí thanh toán, dịch vụ kiều hối, phí dịch vụ khác.

Cần nhìn thấu đáo

Trước câu hỏi của dư luận về lợi nhuận khủng của ngành ngân hàng, một đại diện NHNN lên tiếng: Xét trên con số tuyệt đối hàng nghìn tỷ đồng lợi nhuận của nhiều NHTM, đúng là lớn nhưng xét ở các góc độ khác thì lãi ngân hàng chưa chắc đã cao.

Chẳng hạn giá cổ phiếu ngân hàng chỉ ở mức trung bình khá, thậm chí sát hay dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu ngay cả với những ngân hàng có lợi nhuận cả ngàn tỷ đồng. Xét trên quy mô tổng tài sản so với số vốn điều lệ thì lợi nhuận ngân hàng cũng không lớn.

Ví dụ, như Techcombank LNTT 6 tháng 2011 là 1.500 tỷ đồng, nhưng tổng tài sản lên tới 177.000 tỷ đồng. Tính tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2010, các NHTM Việt Nam chỉ ở mức dưới 20%, tương ứng ROE trung bình của các ngân hàng trên thế giới mà Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nghiên cứu năm 2009.

Trong khi ROE 6 tháng đầu năm 2011 của khối ngân hàng top đầu như Vietcombank, ACB chưa đến 25%, trong khi ROE của VIC (Vincom): 44%, VNM (Vinamilk): 48,3%, MSN (Masan): 34,4%, PGD (PVGas): 45,0%... Chưa kể, mức độ trích lập dự phòng đối với các khoản nợ có xu hướng tăng lên khi các khoản nợ đủ tiêu chuẩn lần lượt chuyển dần sang các nhóm nợ ở mức cao hơn (nợ xấu).

Một con số đáng giật mình là tổng nợ xấu phải trích lập dự phòng rủi ro của 8 ngân hàng niêm yết trên sàn tính đến 6-2011 đã lên tới 18.000 tỷ đồng và con số này có xu hướng tăng vào cuối năm.

Một thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ cũng thừa nhận, năm 2011 trên thực tế rất nhiều ngân hàng đã không đạt lợi nhuận như kỳ vọng. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận: “Xét trên bình diện khó khăn chung của nền kinh tế trong khi hàng ngàn doanh nghiệp lỗ nặng, thậm chí dẫn tới phá sản thì với việc nằm giữa tấm chăn với một bên là người dân, một bên là doanh nghiệp, lẽ tất yếu các ngân hàng không bao giờ bị... lạnh”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.