Hơn ba vạn lao động ngoại 'chui' ở Việt Nam

Hơn ba vạn lao động ngoại 'chui' ở Việt Nam
TP - Hơn 31.000 người nước ngoài đang lao động chui tại Việt Nam, một phần do chế tài nhẹ; cần sớm xây dựng Luật Việc làm, theo các quan chức Bộ LĐ-TB&XH.

Công nhân Trung Quốc, những hệ lụy buồn
> Buộc hồi hương hàng trăm lao động ngoại

Lao động phổ thông Trung Quốc tại Khu khí điện- đạm Cà Mau Ảnh: Tiến Hưng
Lao động phổ thông Trung Quốc tại Khu khí điện- đạm Cà Mau Ảnh: Tiến Hưng.

Ngày 9-1, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành LĐ-TB&XH năm 2012, ông Nguyễn Đại Đồng, Cục trưởng Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết, có 31.330 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam chưa được cấp phép.

Lao động ngoại tăng mạnh

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH và Ban quản lý KCN - KCX - KKT các tỉnh - thành phố, số lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc những năm gần đây liên tục tăng. Năm 2008 là 52.633 người, năm 2009 là 55.428 người, năm 2010 là 56.929 người.

Đến tháng 9-2011, số người nước ngoài làm việc tại Việt Nam tăng vọt lên 78.440 người; trong đó, số người được cấp phép là 41.529, không thuộc diện cấp phép 5.581 người, chưa được cấp phép 31.330 người, chiếm 39,9%.

Trao đổi với PV, đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng nói, nếu kéo dài tình trạng nhiều lao động nước ngoài không có trình độ vào làm việc, số lao động nước ta không có việc làm sẽ tăng. Tính riêng tại dự án bô xít ở Lâm Đồng, đã có khoảng 1.200 lao động nước ngoài vào làm việc. Ngoài lao động có trình độ kỹ thuật, vẫn còn rất nhiều lao động giản đơn.

Theo ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam chủ yếu đến từ các nước châu Á, nhiều nhất là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Theo ông Trung, người nước ngoài đến Việt Nam làm việc chủ yếu để kinh doanh hoặc đi theo các nhà thầu. Thực tế, ngoài các nhà thầu chấp hành tốt pháp luật về lao động, vẫn còn nhiều nhà thầu cố tình không thực hiện các quy định về tuyển dụng, quản lý, điều kiện sử dụng, cấp phép, gia hạn cấp phép đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Lãnh đạo một số Sở LĐ-TB&XH cho biết, pháp luật về đấu thầu vẫn còn nhiều kẽ hở. Cụ thể, chưa có quy định về tổ chức thực hiện, giám sát quá trình thực hiện các gói thầu hoặc dự án trúng thầu cũng như trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc xác định các vị trí công việc mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được cần tuyển người nước ngoài.

“Khi nhắc đến trách nhiệm buông lỏng quản lý lao động người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, người ta hay đổ lỗi cho địa phương, nhưng thử hỏi, đến nay, Bộ Y tế đã có hướng dẫn mẫu, nội dung và cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận sức khoẻ, thời hạn sử dụng giấy chứng nhận sức khoẻ của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam chưa? Bộ Công Thương đã có hướng dẫn căn cứ, trình tự, thủ tục để xác định đối tượng là người nước ngoài di chuyển nội bộ doanh nghiệp thuộc phạm vi các ngành dịch vụ trong biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay chưa?”, Giám đốc một Sở LĐ-TB&XH nói.

Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đều có thẩm quyền cho phép người nước ngoài vào Việt Nam (trong đó có mục đích làm việc), nhưng lại chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa cung cấp thông tin kịp thời giữa các cơ quan chức năng và giám sát đối với người nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam.

Phạt 15-20 triệu đồng: Chưa đủ răn đe

Tình trạng lao động phổ thông nước ngoài không phép có mặt ở hầu hết dự án do nhà thầu nước ngoài trúng thầu gia tăng. Nguyên nhân chính là do chế tài xử lý, xử phạt chưa đủ răn đe, theo nhiều quan chức. Ông Nguyễn Đại Đồng cho biết, theo quy định, mức xử phạt vi phạm quy định về lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ 15-20 triệu đồng (theo khoản 1, điều 14, Nghị định 47 của Chính phủ).

“Mức phạt này chưa đủ sức răn đe và bắt buộc người sử dụng lao động cũng như người lao động phải nghiêm túc thực hiện. Trong khi đó, các địa phương còn xử lý nương nhẹ, vì ngại ảnh hưởng đầu tư nước ngoài”, ông Đồng nói.

Năm 2012 sẽ quản chặt

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói, năm 2012, Bộ LĐ-TB&XH cần tiếp tục quản chặt và tìm kiếm biện pháp khắc phục những bất cập trong việc quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Năm 2011, chế độ báo cáo về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam chưa thực sự chặt chẽ. Theo Phó Thủ tướng, nhiệm vụ quan trọng là Bộ LĐ-TB&XH cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Theo ông Đồng, việc cần kíp là phải xây dựng Luật Việc làm, trong đó có nội dung quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Với các quy định chặt chẽ như: Điều kiện người nước ngoài được làm việc tại Việt Nam; quyền và trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động và các cơ quan liên quan; các vị trí, các loại công việc được sử dụng người nước ngoài; ưu tiên sử dụng lao động Việt Nam thực hiện các công việc mà lao động Việt Nam có khả năng thực hiện; cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài..., chắc chắn sẽ quản được tình trạng gia tăng lao động chất lượng thấp từ nước ngoài vào Việt Nam. Dự kiến, Luật Việc làm được trình Chính phủ tháng 6 và trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10.

Bộ LĐ-TB&XH sẽ đề xuất tăng cường kiểm tra về tuyển dụng, cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động, quản lý xuất nhập cảnh, cấp và gia hạn visa, đăng ký tạm trú và cấp giấy phép lao động, đặc biệt là với các nhà thầu nước ngoài trúng thầu đang hoạt động tại địa phương có sử dụng lao động nước ngoài. “Các trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm”, vị đại diện Cục Việc làm khẳng định.

Tạo 1,6 triệu việc làm năm 2012

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hoà cho biết, năm 2012, sẽ tạo việc làm cho 1,6 triệu người; tuyển mới dạy nghề cho 1,9 triệu người; giảm tỷ lệ hộ nghèo 2%, trong đó các huyện nghèo giảm khoảng 4%. Năm ngoái, tạo việc làm cho hơn 1,5 triệu người.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG