Năm 2012: Thêm cơ hội sang Hàn Quốc làm việc

Năm 2012: Thêm cơ hội sang Hàn Quốc làm việc
TP - Mục tiêu Bộ LĐ-TB&XH đề ra trong năm 2012 là đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài và Hàn Quốc được cho là thị trường hấp dẫn lao động nhất vì thu nhập cao. Hàn Quốc cũng vừa công bố nhiều chính sách mới đối với lao động trong năm nay, tạo thêm cơ hội cho lao động Việt Nam.

Kết thúc kỳ thi tiếng Hàn 2011: Chặn được nạn 'cò mồi'

Thu nhập 20-35 triệu/tháng

Đa số lao động khi gặp PV đều cho biết, được đi làm việc ở Hàn Quốc rất lý tưởng vì lương cao, chế độ đãi ngộ tốt và học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Về nước tháng 9-2011, anh Vũ Xuân Khiêm, quê huyện Bình Giang (Hải Dương) đổi đời. Anh Khiêm cho biết, thu nhập trung bình khi làm việc tại Hàn Quốc là 1.000 USD/tháng. Vì chăm chỉ, được chủ sử dụng tin dùng nên sau 4 năm làm việc, anh Khiêm gửi về cho vợ được gần 700 triệu đồng. Từ số tiền này, vợ chồng anh đã xây được nhà mới, mua sắm đầy đủ tiện nghi và có tiền lo cho con ăn học. Nên vừa qua, anh đăng ký tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn cho lao động hoàn thành hợp đồng đúng hạn về nước (EPS-TOPIK) mong tiếp tục được trở lại Hàn làm việc.

Nguyễn Duy Hải, sinh năm 1982 (phường An Bình, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết, sang Hàn Quốc làm việc từ đầu năm 2007 đến nay. Hải làm việc trong lĩnh vực cơ khí cho Tập đoàn LG với mức lương: Mùa đông, được 2 triệu won/tháng (khoảng 35 triệu đồng); các mùa còn lại thu nhập 1,3-1,5 triệu won/tháng (khoảng 20-25 triệu đồng). Hải cho biết, giám đốc Cty rất quan tâm lao động Việt Nam. Họ thường tạo mọi điều kiện thuận lợi để lao động ta phát huy tối đa kỹ năng. Khi biết Hàn Quốc cho phép Việt Nam mở kỳ kiểm tra tiếng Hàn cho lao động đã hoàn thành hợp đồng đúng hạn về nước, giám đốc đã tạo điều kiện cho Hải về nước trước 2 tháng để hoàn tất thủ tục dự thi.

Theo Hải, kỳ thi thực sự là cơ hội tốt để được quay trở lại Hàn Quốc làm việc một cách hợp pháp, chính đáng với thu nhập cao. “Tôi biết rất nhiều lao động bỏ trốn ra ngoài, cư trú bất hợp pháp nhưng làm như vậy phải sống chui lủi, lúc nào cũng nơm nớp lo bị trục xuất và không bao giờ có cơ hội trở lại Hàn Quốc”- Hải nói.

Trao đổi với PV, đa số lao động hoàn thành hợp đồng đúng hạn về nước cho biết, họ có thu nhập cao nên không bao giờ nghĩ sẽ bỏ trốn ra ngoài. Nhiều lao động cho biết, họ tham dự kỳ thi EPS-TOPIK chỉ là để “hợp pháp hóa thủ tục” để được trở lại Hàn Quốc làm việc vì tiếng Hàn giỏi, có tay nghề và đã được các chủ sử dụng hứa sẽ tiếp nhận vào làm việc khi trở lại Hàn Quốc.

Tuân thủ hợp đồng, lao động Việt Nam luôn có cơ hội và được tôn trọng khi sang Hàn Quốc làm việc Ảnh: Phong Cầm
Tuân thủ hợp đồng, lao động Việt Nam luôn có cơ hội và được tôn trọng khi sang Hàn Quốc làm việc Ảnh: Phong Cầm.

Quay lại không cần thi tiếng Hàn

Ông Lương Đức Long - Phó giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Hàn Quốc là thị trường truyền thống, hằng năm tiếp nhận khá nhiều lao động Việt Nam. Theo ông Long, thu nhập phổ biến sau khi làm thêm giờ của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc khoảng 1.100 USD - 1.200 USD/người/tháng. Riêng ngành sản xuất chế tạo (chiếm khoảng 85% lao động làm việc tại Việt Nam) có thu nhập cao hơn so với ngành nông nghiệp và ngư nghiệp. Trong số 85% lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, có khoảng 20% lao động thu nhập khoảng 1.300 USD-1.700 USD/người/tháng (tương đương 25-35 triệu đồng).

Ông Long cho biết, trong năm 2012, có nhiều chính sách mới đối với lao động Việt Nam. Ngoài 15.000 chỉ tiêu phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam theo Chương trình cấp phép mới (EPS), hiện ở Hàn Quốc có khoảng 11.000 lao động nước ngoài (trong đó có khoảng 3.000 lao động Việt Nam) kết thúc hợp đồng về nước, sẽ tiếp tục được dự thi tiếng Hàn để quay trở lại Hàn Quốc làm việc. Ngoài ra, theo quyết định mới đây của Ủy ban Lao động quốc gia Hàn Quốc và Bộ Lao động & Việc làm Hàn Quốc, đối với lao động nước ngoài (trong đó có lao động Việt Nam), nếu trong thời gian ở Hàn Quốc không chuyển địa điểm làm việc, khi về nước 3-6 tháng, nếu có nguyện vọng sẽ được hoàn thiện hồ sơ để quay trở lại Hàn Quốc làm việc mà không cần phải thi tiếng Hàn.

Ông Phan Văn Minh - Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cho biết, các chính sách mới này sẽ tạo nhiều thuận lợi cho hàng nghìn lao động Việt Nam hoàn thành hợp đồng về nước đúng hạn được trở lại Hàn Quốc làm việc. Các chính sách này không những sẽ làm giảm lao động Việt Nam bỏ trốn mà sẽ mở ra cơ hội lớn cho những lao động tuân thủ luật pháp đàng hoàng trở lại Hàn Quốc làm việc cho thu nhập cao.

Trong kỳ kiểm tra tiếng Hàn (đợt 1) cho những lao động hoàn thành hợp đồng làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn, có 192 lao động tham dự và có 181 người thi đỗ, đang hoàn thiện hồ sơ để gửi trực tiếp sang Hàn Quốc cho chủ sử dụng lao động lựa chọn. Mức phí lao động phải nộp giống với Chương trình cấp phép mới (EPS). Trong năm nay, HRD sẽ tiếp tục mở các kỳ thi để cho hàng nghìn lao động Việt Nam về nước đúng hạn tham gia.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.