Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ: 'Tôi chọn được việc trước'

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ: 'Tôi chọn được việc trước'
TP - Trong thời gian hiếm hoi cuối năm, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ chia sẻ với Tiền Phong: Năm mới Nhâm Thìn hứa hẹn đón ông và cả ngành Tài chính trong sự “nối dài” bận rộn.

 > Minh bạch hóa
 > Kiểm toán toàn diện Petrolimex

Bộ trưởng Vương Đình Huệ
Bộ trưởng Vương Đình Huệ.

Công việc ngành: Quyết liệt!

Ngay khi mới nhậm chức, ông đã đặt mục tiêu giải quyết những vấn đề lớn như: Bội chi ngân sách, nợ công, điều hành giá cả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Cho đến giờ, các đầu việc đã xử lý đến đâu, thưa Bộ trưởng?

Quản lý điều hành giá cả là một trong những lĩnh vực tôi đặc biệt quan tâm và tập trung chỉ đạo. Nguyên tắc số 1 vẫn là thị trường có sự quản lý của Nhà nước trên cơ sở đảm bảo minh bạch, công khai thông tin giá cả của các mặt hàng, vật tư chiến lược như điện, than, xăng dầu, các mặt hàng thiết yếu được quản lý và kiểm soát tốt theo tinh thần Nghị quyết 11.

Đối với nợ công - đây là vấn đề hệ trọng. Hiện Bộ Tài chính đã khẩn trương xây dựng chiến lược nợ công trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền phê duyệt đồng thời tích cực nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý nợ công; triển khai xây dựng về thực hiện đề án nâng tín nhiệm quốc gia. Thời gian tới, cùng với thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, kinh tế vĩ mô đi vào ổn định, tôi tin vấn đề quản lý nợ công, nợ quốc gia sẽ thuận lợi hơn.

Về chính sách tài khóa - chúng ta đã hoàn thành thu NSNN năm 2011, thực hiện chi tiêu chặt, giảm bội chi ngân sách từ 5,3% GDP theo chỉ tiêu Quốc hội giao xuống 4,29% GDP. Dự toán NSNN năm 2012, phương án phân bổ NSTƯ 2012 được Quốc hội thông qua theo hướng cơ cấu lại chi ngân sách, giảm tỷ trọng đầu tư công, tăng chi cho con người (tăng lương, phụ cấp...) tăng chi cho an sinh xã hội.

Xét trong bình diện tái cơ cấu nền kinh tế, trong năm 2012, xin Bộ trưởng cho biết ngành Tài chính đặt trọng tâm vào lĩnh vực nào?

Thực hiện chính sách tài chính chặt chẽ, phối hợp tốt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt năm 2012 của Bộ Tài chính.

Trọng tâm, Bộ sẽ hướng vào một loạt đầu việc: Tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân sách, xây dựng trình Chính phủ tổ chức thực hiện một loạt đề án (Tái cơ cấu DNNN trọng điểm là Tập đoàn, Tổng Cty Nhà nước); Đổi mới cơ chế tài chính với các đơn vị sự nghiệp công lập và cải cách lĩnh vực giá dịch vụ công; Hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt đề án về thị trường chứng khoán; Triển khai nhiệm vụ các Dự án lĩnh vực giá, Luật Quản lý thuế (Sửa đổi); Luật Dự trữ Quốc gia, Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi... Nói chung, rất nhiều đầu việc phải xử lý và 2012 hứa hẹn là một năm bận rộn.

Tôi chọn “được việc”...

Từ vị trí Tổng kiểm toán Nhà nước sang nắm ngành Tài chính, “nghiệp” cũ có hỗ trợ tương tác cho cương vị mới của Bộ trưởng? Có điều gì thực tế khác xa và khó làm hơn ông đã hình dung?

Hỗ trợ, tương tác rất nhiều chứ! (cười..) Trước hết là các mối quan hệ phối hợp công tác rất chặt chẽ, hiệu quả vốn có trước đây giữa Kiểm toán Nhà nước và Bộ Tài chính. Quan trọng nữa là công tác kiểm toán khá lâu năm đã giúp tôi có am hiểu thực trạng quản lý tài chính, ngân sách của đất nước cũng như trong từng ngành, lĩnh vực.

Nói vậy chứ dù đã hình dung nhưng đến khi sang, tôi không nghĩ khối lượng công việc của Bộ Tài chính lại nhiều và bận rộn thế! Được cái, cán bộ, công chức ngành Tài chính đều chuyên nghiệp, tâm huyết và trách nhiệm cùng các lãnh đạo Bộ “đều tay” hỗ trợ, nên tôi đã nhanh chóng nắm được. Có thể nói, tôi thực sự vui, ấm áp và hạnh phúc vì điều đó.

" Không anh nào dọa được nhà nước mà nhà nước cũng chẳng dọa ai” - (Phát biểu của Bộ trưởng Vương Đình Huệ tại Hội thảo điều hành giá xăng dầu)

Được đánh giá là một trong những Bộ trưởng có cách nhìn mới, quyết tâm mới, ông được người dân kỳ vọng sẽ thuộc về thế hệ Bộ trưởng hành động. Nhưng đường xa vạn dặm - với “rào cản” như năng lực, khoảng cách lời nói và việc làm, nhóm lợi ích. Ông có nghĩ sẽ phải đối đầu và làm thế nào để Bộ trưởng giữ được “phong độ”?

Tôi không nghĩ to tát thế đâu. Được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân tin tưởng, giao nhiệm vụ thì Bộ trưởng nào cũng phải cố gắng hết sức mình để thực thi, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thôi...Tôi cùng tập thể lãnh đạo Bộ Tài chính sẽ cố gắng làm tốt từng việc một. Quan trọng là xây dựng được hệ thống chính trị trong ngành vững mạnh, đồng lòng, dốc sức lao động tận tuỵ và sáng tạo thì sẽ vượt qua được thử thách, khó khăn.

Họp và làm việc tối ngày, thậm chí không có ngày nghỉ, nghe nói cả Bộ Tài chính đều “guồng” theo... Trong công việc, nhiều người nói ông là người khá nóng và trực tính, còn ngoài đời, người ta thấy ông làm thơ, ca hát, là “fan” của đội tuyển quốc gia và trong đó có U23 Việt Nam. Đó là cách cân bằng cuộc sống hay đơn giản chỉ là sở thích?

Tôi là người thẳng thắn, bộc trực. Giữa “được việc” và “mất lòng” tôi thường chọn “được việc” trước. Được cái, tôi không để bụng cái gì và định kiến với ai nên nếu có giận, chắc anh em không thể giận lâu. Vốn là cán bộ Đoàn có thâm niên, tôi cũng rất yêu thích phong trào văn nghệ, thế thao. Là “fan” của đội tuyển quốc gia, U23 VN và MU, tôi không muốn bỏ qua trận đấu nào của họ nếu tôi có điều kiện và thời gian. Đó có lẽ vừa là sở thích, vừa là cách để cân bằng cuộc sống và làm việc tốt hơn.

Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Thu Huyền

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.