Sôi động bất động sản cho người âm

Một góc khu mộ trong công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên
Một góc khu mộ trong công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên
TP - Trong khi thị trường bất động sản (BĐS) cho người sống giảm giá, đóng băng, thì bất động sản dành cho người chết vẫn sôi động. Thậm chí có những khu mộ bán giá cả chục tỷ đồng cũng được đặt mua...

> Cơ cấu lại thị trường bất động sản

Một góc khu mộ trong công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên
Một góc khu mộ trong công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên.
 

Không sợ đóng băng

Cách đây 6 năm, khi thị trường BĐS cho người sống đang khá sôi động, thì Tiến sĩ Trần Tuấn Anh - Phó Tổng giám đốc Cty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Toàn Cầu (hiện là giảng viên Đại học Hà Nội), cùng các cộng sự lại làm dự án công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, 98 ha, tại huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình. Nghĩa trang được xây dựng với tiêu chuẩn diện tích dành cho cây xanh và giao thông chiếm tới hơn 60%.

Ông Tuấn Anh ngẫm lại: “Vào thời điểm đó, có nhiều đại gia BĐS giàu lên nhanh chóng, vì khi đó đầu tư làm chung cư, chưa xây xong móng đã có thể bán hết hàng trăm căn hộ trong vài ngày”. Nên khi nghe tin ông đầu tư làm nghĩa trang, nhiều người nghĩ ông bị điên.

Ý tưởng làm công viên nghĩa trang nảy sinh từ khi ông Tuấn Anh du học ở nước ngoài, được đi tham quan các công viên nghĩa trang các nước phương Tây và Đông Nam Á. Ở đó, nghĩa trang như những công viên sinh thái, như một địa điểm du lịch, tham quan, nghỉ ngơi của người dân.

“Trong khi đó người Việt mình rất trọng tín ngưỡng, tâm linh và thờ cúng tổ tiên, thì lại không ai làm công viên nghĩa trang. Ngoài ra, khi tính toán, đất ở của người sống tại Việt Nam là 19m2/đầu người còn đất nghĩa trang là 12m2/mộ, nhiều nghĩa trang có diện tích rất rộng nhưng chỉ có vài ba ngôi mộ, nếu không biến nghĩa trang thành công viên, thì chẳng bao lâu, đất làm mộ còn lớn hơn đất ở. Từ đó tôi quyết định đầu tư làm công viên nghĩa trang”, ông Tuấn Anh tâm sự.

Khi đầu tư công viên nghĩa trang, doanh nghiệp được giao đất lâu dài, không thu tiền sử dụng đất và một số ưu đãi khác. Nên bài toán lợi nhuận, tuy không bằng đầu tư làm nhà ở thời điểm sốt giá, nhưng bù lại, có lợi nhuận ổn định, lại không bị đóng băng. Nên thời điểm này, các đại gia BĐS “sống dở, chết dở”, thì các ông chủ đầu tư làm nghĩa trang vẫn ung dung. Chưa kể, theo ông Tuấn Anh, nếu có ý tưởng, thì đây sẽ là công trình để đời cho muôn thế hệ.

Chia sẻ mối lương duyên với bất động sản cõi âm, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch HĐQT Cty Du lịch Ao Vua - chủ nhân công viên Vĩnh Hằng (Ba Vì, Hà Nội) cho biết, ý tưởng xây dựng công viên cho những người đã khuất được ra đời từ năm 1993, khi ông còn là một anh thợ đóng quan tài cho các nhà tang lễ ở Hà Nội.

Ông Thản tâm sự: “Hồi đó, tôi thấy các nghĩa trang có tên tuổi trên địa bàn Hà Nội đều nằm trong tình trạng mất vệ sinh, lại chật chội, còn các nghĩa trang tự do của dân thì lãng phí đất. Vì vậy, tôi nảy sinh ý tưởng xây dựng một công viên đáp ứng được nhu cầu của người dân Hà Nội về cảnh quan môi trường và phong thủy khi chôn cất người thân...”.

Lăng mộ có giá 10 tỷ đồng tại công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng
Lăng mộ có giá 10 tỷ đồng tại công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng.
 

Khu mộ của những đại gia

Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, mở bán từ năm 2009, dự kiến kinh phí xây dựng 1.000 tỷ đồng và đang đầu tư giai đoạn 2, làm khuôn viên cho những mảnh đất, phần mộ đã được phân lô bán cho nhiều đại gia có tiếng trên nhiều lĩnh vực.

Mộ tại nghĩa trang được thiết kế đa dạng từ mộ đơn, mộ đôi cho đến phần mộ gia tộc được bố trí trên 6 đồi: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và Tượng Phật. Đồi Tượng Phật cao nhất, có địa thế đẹp nhất, được bán với giá 8-9 triệu đồng/m2 (mộ lẻ).

Trên đồi Kim rộng 30 ha được chia lô: 100m2/lô có hàng rào xung quanh được khách hàng đặt mua đến 90%. Một đại gia có tiếng trong giới kinh doanh vàng bạc đá quý ở Hà Nội, mua 6 lô cho gia tộc với diện tích 600m2, giá gần 2 tỷ đồng, chưa kể tiền xây dựng lăng mộ.

Vị này cho biết: “Quan niệm của người Việt, phần mộ có đẹp thì người trần làm ăn mới tốt nên dù bỏ tiền tỷ tôi cũng mua. Hiện tôi mới chỉ mua đất, còn việc xây dựng lăng mộ cho các cụ tôi phải xem ngày cụ thể, chọn loại đá ốp mộ và thiết kế sao cho đẹp nhất”.

Cùng dãy khu “biệt thự cao cấp” trên đồi Kim, quần thể mộ của nhà thơ T.N được xây dựng khá tao nhã trên khuôn viên 200m2. Nhiều cây cảnh được trồng xung quanh mộ, riêng phần cỏ được nhập từ nước ngoài về trồng.

Trong khuôn viên mộ được bố trí một bàn uống nước bằng gỗ thơm, một chiếc xích đu để người nhà khi viếng mộ có thể ngồi uống trà, nghỉ ngơi chờ hết tuần hương. Bên ngoài khuôn viên là bể chứa nước ngầm và một nhà vệ sinh lưu động. Một khu mộ như vậy, trị giá vài tỷ đồng.

Chính cách chia lô bằng hàng rào đá, thiết kế lăng mộ đẹp đã hấp dẫn cả ông chủ khu du lịch lớn ở Bình Dương nổi tiếng cả nước. Đại gia này đã chuyển phần mộ người nhà từ đất phương Nam ra Lạc Hồng Viên. Anh Huy Hoàng, nhân viên kinh doanh Lạc Hồng Viên, cho biết, công viên nghĩa trang đã thu hút được khá nhiều đại gia ở các lĩnh vực khác nhau về mua.

Ngoài các dịch vụ chăm sóc phần mộ tại nghĩa trang như: lau chùi, tỉa cây cảnh, thắp hương vào ngày rằm, mùng một hằng tháng, Lạc Hồng Viên còn tổ chức cúng giỗ cho những gia đình có nhu cầu vào ngày giỗ người mất, tiết Thanh Minh, Tết cổ truyền. Dịch vụ này có giá từ vài trăm nghìn cho đến vài triệu, tùy theo yêu cầu của khách hàng.

Thời điểm này, cứ cuối tuần, Lạc Hồng Viên lại đón tiếp nhiều đoàn khách lên tham quan và đặt cọc giao dịch phần đất mà mình ưng ý. Hiện giá đất mộ nhỏ lẻ được bán 6 triệu đồng/m2, còn đất phân lô có giá từ 3 - 4 triệu đồng/m2. Trong khi giá đất thổ cư ở ngoài thị trường tại khu vực này chỉ từ 1-2 triệu đồng m2.

Còn ở công viên Vĩnh Hằng, khu phân lô 100m2 dành cho nhà giàu đã được bán hết, hiện chỉ còn những phần mộ nhỏ được bán với giá 12 triệu đồng/m2. Ông Thản cho biết thêm, tuần nào cũng có người mua đất mộ đơn. Nếu làm ăn tốt thì từ giờ đến cuối năm Vĩnh Hằng sẽ bán hết toàn bộ đất mộ (gần 18ha).

Trong công viên Vĩnh Hằng, ấn tượng nhất là ngôi mộ “Tiên cảnh ngàn du” với diện tích toàn khu mộ rộng 200m2. Đây được coi là ngôi mộ đắt nhất ở Công viên Vĩnh Hằng, giá 10 tỷ đồng, đã được gia tộc họ Đ ở Hà Nội đặt mua.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG