Cước vận tải vẫn cao, vì sao?

Cước vận tải vẫn cao, vì sao?
TP - Sau khi xăng dầu giảm giá liên tiếp, nhiều hãng taxi đã điều chỉnh giá cước, nhưng các hãng vận tải vẫn nói không với giảm giá...

> Cước vận tải: lên rồi, xuống không được!

Bến xe Miền Đông (BXMĐ) TPHCM, hiện có trên 200 đơn vị vận tải đăng ký hoạt động. Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc BXMĐ, đến 17-7, mới nhận được 6 đơn đăng ký giảm giá của các doanh nghiệp hoạt động trong bến với mức giảm từ 5-7% tùy tuyến.

Riêng Bến xe Miền Tây hiện có khoảng 130 đơn vị hoạt động nhưng chỉ có 4 đơn vị đăng ký giảm giá cước một số tuyến, dù trước đó khi giá xăng tăng mạnh thì có đến 43 đơn vị xin tăng giá vé.

“Do cạnh tranh gay gắt, khi giá xăng tăng, các DN ít tăng theo nên khi giá xăng giảm thì họ cũng không giảm hoặc chỉ giảm nhỏ giọt. Việc có giảm cước hay không là do DN tự cân đối, bến xe không có quyền can thiệp” - ông Thượng Thanh Hải nói.

Với các DN kinh doanh vận tải hàng hóa, hầu như chưa giảm giá. Nhiều DN vận tải lý giải giá xăng dầu tuy giảm mạnh nhưng vẫn chưa thể bù đắp được lãi suất vay ngân hàng “cắt cổ” để sắm phương tiện.

Còn theo Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM Thái Văn Chung, đối với nhiều DN, mức giảm 200 đồng cho dầu diesel là quá nhỏ, chỉ khoảng 1% nên chưa thể điều chỉnh giảm giá cước.

Các DN cam kết điều chỉnh giá cước khi giá dầu biến động từ 5% trở lên hoặc tăng, giảm mức thấp nhất là 500 đồng/lít.

“Hầu hết các hãng cho biết mới giảm giá cước sau hai đợt giảm giá xăng dầu trong tháng 6 và mặt bằng giá mới đã bằng với giá cước trước đợt tăng giá xăng dầu đầu tiên năm 2012. Giá cước mới được ký kết và áp dụng từ ngày 1-7 nên rất khó giảm thêm trong thời điểm này. Hiệp hội chỉ khuyến cáo giảm giá cước chứ không thể can thiệp vào việc quản lý, vận hành của DN” – ông Chung nói.

Đàm phán giá cả năm, nên khó giảm

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng, 3 hiệp hội lớn (ở TP Hải Phòng, Đà Nẵng và TP HCM) vừa họp và thống nhất giảm giá cước vận tải để tháo gỡ khó khăn chung. “Xu hướng sẽ giảm giá cước vận tải hàng hoá.

Những doanh nghiệp chưa tăng các đợt cũng sẽ giảm khoảng 5%. Một số doanh nghiệp vận tải đã điều chỉnh tăng theo giá nhiên liệu giờ đã giảm cước. Nếu không giảm cước, khách hàng cũng sẽ tẩy chay”, ông Hùng nói.

Một số doanh nghiệp vận tải hàng hoá cho rằng, cước vận chuyển thuận mua, vừa bán. Nếu khách hàng không đồng ý với giá cước thì có thể tìm doanh nghiệp khác.

Đại diện một doanh nghiệp vận tải hàng hoá tại cảng Hải Phòng nói: “Xăng dầu tăng vài nghìn, nhưng giảm nhỏ giọt vài trăm. Chúng tôi muốn giảm giá cước cũng khó, chưa kể chi phí phát sinh thì nhiều vô kể. Có những khoản “phí đen” không thể tiết lộ. Ngay cả việc tăng, giảm giá cước cũng không dễ: Phải thay đổi chu trình, kẹp lại chì...”.

Theo kinh nghiệp của doanh nghiệp đầu kéo container này, giá vận tải được đàm phán cả năm (chấp nhận giá nhiên liệu tăng giảm). Cụ thể, giá cước của đơn vị này đã tăng 10% so với năm 2010, mức giá hiện tại vẫn giữ nguyên kể từ đầu năm 2012.

Hiện giá cước vận chuyển trung bình 1 container loại 40 feet từ Hải Phòng về khu vực Hà Nội khoảng 4,4 triệu đồng/chuyến (có thể cao hơn tùy địa điểm tập kết hàng), thấp nhất từ Hải Phòng về Tiên Sơn (Bắc Ninh) cũng đến 4 triệu đồng; với vận tải hàng rời khoảng 1,1 triệu đồng/tấn (từ Hà Nội-Hải Phòng).

Giám đốc Cty Cổ phần Giao nhận Vietcare (chuyên làm dịch vụ vận tải khu vực châu Á) Nguyễn Thị Diễm Hạnh cho biết, giá cước vận chuyển vẫn giữ nguyên từ đầu năm nên sẽ không có chuyện giảm lần này.

“Chi phí vận chuyển đợt này tăng lên nhiều, nhưng giá cước của chúng tôi không tăng vì đã đàm phán với khách hàng từ trước. Trường hợp khách lẻ mới bị tính giá mới theo sự tăng giảm giá nhiên liệu. Nếu khách hàng không bị thời gian chi phối có thể chọn vận tải đường sắt, chi phí rẻ hơn đường bộ khoảng 1/3. Ngoài ra, trường hợp vận tải hàng hoá bằng đường hàng không đi quốc tế còn phải chịu phụ phí xăng dầu”, chị Hạnh nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG