Thuế, phí làm đội giá xăng

Thuế, phí làm đội giá xăng
TP - Từ 17 giờ ngày 13-8, các doanh nghiệp xăng dầu đồng loạt tăng giá thêm 1.100 đồng/lít. Giá dầu hỏa cũng được điều chỉnh tăng 750 đồng, diezen tăng 800 đồng và ma dút tăng 500 đồng/kg, trong khi thuế vẫn giữ nguyên. Thuế, phí chiếm tới 32% giá xăng dầu. Trong bối cảnh khó khăn, nhà nước không nên tận thu trong giá xăng dầu.

> Xăng tăng thêm 1.100 đồng mỗi lít

Theo Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), ông Phạm Đức Thắng, từ 17 giờ giá bán lẻ xăng A92 trên toàn hệ thống của đơn vị này được điều chỉnh tăng thêm 1.100 đồng/lít so với giá hiện hành, lên mức 23.000 đồng/lít còn xăng RON 95 là 23.500 đồng/lít.

Giá dầu hỏa tăng 800 đồng lên mức 21.450 đồng/lít; dầu diezen 0,05S tăng 750 đồng lên 21.550 đồng/lít và ma dút tăng 500 đồng/kg lên mức 18.950 đồng/kg.

Đại diện Tổng Cty Xăng dầu Quân đội và các đơn vị khác cũng cho biết sẽ chính thức tăng giá xăng cùng thời điểm trên với mức tăng tương tự Petrolimex.

Lãnh đạo Petrolimex cho biết, việc điều chỉnh giá xăng dầu lần này xuất phát từ thực tiễn diễn biến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định 84.

Trước khi chính thức điều chỉnh, Petrolimex đã báo cáo Tổ giám sát Liên bộ về giá xăng dầu theo đúng thể thức quy định.

Trong chiều qua, Bộ Tài chính có văn bản hỏa tốc số 10870 gửi các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho rằng việc các doanh nghiệp đăng ký giá bán trong biên độ cho phép là phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo tính toán của bộ này, chênh lệch giữa giá xăng dầu thế giới tính bình quân 30 ngày, tính đến hết 12-8, và giá bán trong nước đối với mặt hàng xăng là 1.419 đồng/lít.

Với mặt hàng dầu diezel 0,05S, mỗi lít bán ra doanh nghiệp bị lỗ 823 đồng, và lỗ 887 đồng/lít đối với dầu hỏa. Với dầu madút doanh nghiệp bị lỗ 524 đồng.

Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp giữ ổn định mức trích quỹ bình ổn giá ở mức 300 đồng/lít như quy định hiện hành, đồng thời cho phép doanh nghiệp được trích sử dụng quỹ ở mức 300 đồng/lít đối với mặt hàng xăng A92 từ 17 giờ ngày 13-8.

Nên giảm thuế, chia sẻ với dân

Giá xăng A92 lên 23.000 đồng/lít là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp (taxi xếp hàng đổ xăng trước giờ điều chỉnh giá) hôm qua. Ảnh: Minh Đức
Giá xăng A92 lên 23.000 đồng/lít là gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp (taxi xếp hàng đổ xăng trước giờ điều chỉnh giá) hôm qua.  Ảnh: Minh Đức.
 

Hiện nay, nếu tính cơ cấu phí và thuế vào giá xăng, đã chiếm tới 32% giá xăng dầu.

Theo đó, các khoản thuế, phí hiện hành trong cơ cấu giá xăng bao gồm: Thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế GTGT 10%, thuế nhập khẩu 12%, phí xăng dầu (phí môi trường) 1.000 đồng/lít. Với mức thuế và phí này, theo các chuyên gia là khá cao.

Vì thế, nhà nước nên chia sẻ khó khăn với người dân bằng việc giảm thuế nhập khẩu để giảm bớt mức tăng giá. Một doanh nghiệp xăng dầu cho biết, nếu giảm thuế nhập khẩu 2% và không phải trích quỹ bình ổn, thì giá xăng chỉ cần tăng 400 đồng/lít.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng: Trong thời điểm rất khó khăn này, đáng lẽ việc trích quỹ bình ổn cần được tính đến hoặc ít nhất là tạm dừng trích quỹ để giảm mức tăng giá.

Vừa qua, thuế nhập khẩu đã tăng lên 12%, đáng ra nhà nước cũng nên giảm xuống để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Bởi nhu cầu vận tải hiện giảm khoảng 20-30%, nên không thể tăng giá vận tải thêm.

Với mức tăng giá xăng dầu lần này khá mạnh, khoảng 6-7% và có thể khiến các biện pháp giảm chi phí đầu vào, giảm tồn kho của Chính phủ không hiệu quả.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan cho biết, ba đợt tăng giá xăng dầu vừa qua đều ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Xăng tăng khiến chi phí đầu vào tăng nhưng các doanh nghiệp khác cũng không thể tăng giá được do kinh tế khó khăn, sức mua suy giảm.

Lãnh đạo một doanh nghiệp thực phẩm có trụ sở ở Hà Nội cho biết, với giá xăng tăng 1.100 đồng/lít sẽ làm chi phí vận chuyển của công ty đội thêm khoảng 100 triệu/tháng.

“Với điều kiện hiện nay, nhà nước và các doanh nghiệp xăng dầu cần có sự chia sẻ với người dân và các doanh nghiệp khác. Ở đây có cả trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với nền kinh tế. Với tình hình này, nhà nước cũng có trách nhiệm nghiên cứu hy sinh một phần thuế nhập khẩu, không để ở mức 12% hiện nay mà giảm xuống còn 10% hay 7%. Việc này sẽ khiến giá xăng sẽ chỉ phải tăng rất ít”- Vị chủ doanh nghiệp trên nói.

Còn dưới góc nhìn chuyên gia, PGS, TS Hoàng Trần Hậu, Học viện Tài chính cho rằng, có một số vấn đề cần xem lại trong quản lý giá xăng dầu.

Theo đó, cần làm rõ thông tin về đầu vào của giá xăng, dầu cũng như cách tính toán đã minh bạch và tuân thủ đúng quy định hay chưa. Bên cạnh đó, cần xem nguồn nhập khẩu của doanh nghiệp đã được lựa chọn tốt nhất hay chưa.

Cũng theo ông Hậu, cần bắt buộc các doanh nghiệp phải nộp quỹ bình ổn xăng dầu định kỳ 15 ngày về kho bạc nhà nước trên địa bàn để nhà nước quản lý thống nhất.

Quỹ bình ổn là phần trích từ giá, nhưng đó là tiền do người tiêu dùng nộp, nếu để lại doanh nghiệp quản lý thì phần thu nhập tài chính từ nguồn quỹ này được doanh nghiệp hạch toán hay chưa. Với cách quản lý quỹ như hiện nay rất khó xác định được hiệu quả sử dụng của quỹ này.

“Trước khi đề nghị tăng giá, các doanh nghiệp cần có biện pháp hạ thấp chi phí kinh doanh ngay từ khâu nhập khẩu, cần tìm nguồn cung cấp giá rẻ, chi phí vận chuyển, phí bảo hiểm thấp”- ông Hậu nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG