Khó bán vàng phi SJC

Dân sở hữu vàng phi SJC bán vàng miếng số lượng lớn cho chính doanh nghiệp sản xuất vàng miếng cũng không dễ Ảnh: Hồng Vĩnh
Dân sở hữu vàng phi SJC bán vàng miếng số lượng lớn cho chính doanh nghiệp sản xuất vàng miếng cũng không dễ Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Sau SJC từ chối mua vàng cong vênh (từ 13-8) vì hết tiền, nay đến các thương hiệu vàng phi SJC cũng ngại mua lại chính vàng của mình cũng với lý do...khan tiền. Còn bán vàng ở các cửa hàng nhỏ lẻ thì bị ép giá. Ai bảo vệ quyền lợi người dân sở hữu vàng miếng phi SJC?

> Hết tiền, SJC ngừng mua vàng miếng cong vênh

Hạn chế mua lại vàng của chính mình

Còn hơn 3 tháng nữa (ngày 25-11-2012), quy định trên thị trường chỉ còn thương hiệu vàng miếng SJC mới có hiệu lực.

Tuy nhiên, thị trường đã có những phản ứng tiêu cực về chính sách này, do tới nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về chuyển đổi vàng miếng phi SJC.

Hôm qua, người viết bài mang 2 cây vàng miếng AAA (Tổng Cty vàng Agribank) đi bán tại một cửa hàng buôn bán lẻ vàng bạc đầu ngã ba Hoàng Hoa Thám, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội).

Chủ cửa hàng trả giá thấp hơn so với giá niêm yết của doanh nghiệp tới 400.000 đồng/lượng và thấp hơn giá vàng nguyên liệu hơn 300.000 đồng/lượng.

Hỏi ra mới biết, cửa hàng mua lại vàng miếng các thương hiệu phi SJC chủ yếu để làm vàng nguyên liệu, bởi chính các công ty có thương hiệu vàng phi SJC đang hạn chế việc mua lại vàng miếng do mình sản xuất.

Anh Trung - chủ cửa hàng cho biết: “Chúng tôi mua thấp bởi còn mất thêm chi phí gia công. Nếu mỗi lượng không lãi từ 300.000 - 500.000 đồng thì chúng tôi không mua vào làm gì”.

Vòng sang cửa hàng bán vàng Tuyết Hoa trên phố Lê Duẩn, tôi nhận cái lắc đầu của nhân viên cửa hàng với lý do chỉ mua lại vàng miếng của SJC và giá mua lại cũng thấp hơn so với giá doanh nghiệp niêm yết vài chục nghìn/lượng.

Đến một cửa hàng bán vàng nhỏ lẻ khác trên đường Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội) thì chủ cửa hàng chỉ trả 38 triệu đồng/lượng (trong khi giá niêm yết mua vào 40,7 triệu đồng/lượng). Nếu bán 2 cây vàng thì tôi mất hơn 4 triệu đồng so với giá của doanh nghiệp.

 “Trên thị trường tự do người ta có thể từ chối mua lại vàng miếng họ không sản xuất, còn với doanh nghiệp đã sản xuất ra vàng miếng thì bắt buộc phải mua lại vàng đó để giữ chữ tín. Nếu bán ra rồi không mua lại tạo ra tâm lý hoang mang cho khách hàng, làm đảo lộn thị trường khiến người dân quay lưng với thị trường vàng”. 

Ông Trần Văn Đang – Phó phòng kinh doanh Tổng Cty vàng Agribank cho biết: “Hiện nay tình hình kinh doanh vàng miếng thương hiệu AAA rất xấu, người dân chỉ đến bán chứ không mua, vì đến thời điểm này NHNN vẫn chưa hướng dẫn chuyển đổi sang vàng SJC, trong khi Nghị định 24 sắp đến ngày có hiệu lực. Doanh nghiệp hiện nay lỗ lớn vì mua vào quá nhiều thời điểm vàng giá 41-42 triệu đồng/lượng, nay vàng chỉ quanh quẩn gần mốc 41 triệu đồng/lượng. Chúng tôi cũng phải đi vay ngân hàng nên vừa chịu lỗ vì giá chênh lại phải trả lãi ngân hàng. Nếu trong ngày chúng tôi còn tiền sẽ mua vào, còn hết tiền thì người dân đến bán cũng đành chịu”.

Trong khi đó, đầu giờ sáng khi tôi hỏi bán 50 lượng vàng Rồng Thăng Long tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu trên phố Trần Nhân Tông thì nhân viên cửa hàng nói sẵn sàng mua, nhưng giữa giờ chiều quay lại hỏi thì nhân viên hẹn sang ngày hôm sau. Nhân viên cửa hàng tiết lộ, nếu một ngày mà có 3 khách hàng đến bán 50 lượng vàng thì cửa hàng lấy đâu ra tiền mà mua.

Đẩy rủi ro cho dân

Theo một chủ kinh doanh vàng, nếu cùng thời điểm mà chỉ có người tới bán, chứ không có người mua thì không doanh nghiệp nào đủ tiền mua lại vàng của dân cả.

Nó giống như cùng lúc dân ồ ạt đến rút tiền ngân hàng. Ngoài ra, do chính sách chuyển đổi vàng miếng chưa rõ ràng, nên doanh nghiệp ngại mua vào để nếu có rủi ro thì người dân chịu.

Ông Đặng Như Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội phân tích, hiện tại, giá vàng trong nước vẫn cao hơn thế giới gần 2 triệu đồng/lượng.

Ngoài ra, người dân sở hữu vàng phi SJC đang bị các cửa hàng vàng nhỏ lẻ ép giá, còn các công ty sản xuất ra vàng miếng đó cũng hạn chế mua vào. Như vậy người dân đang chịu thiệt kép về giá.

Mới đây nhất chính Cty vàng bạc đá quý Sài Gòn cũng ngừng mua vàng SJC nếu bị cong vênh. Rõ ràng không ai bảo vệ quyền lợi cho người dân. “Chính sách của Nhà nước khi đưa ra phải nghiên cứu làm sao huy động được vốn trong dân, bảo vệ quyền lợi người dân.

Vậy nhưng, NHNN giờ này vẫn chưa ban hành chính sách cụ thể để chuyển đổi vàng miếng phi SJC, thì doanh nghiệp co cụm lại để đối phó với tình hình là đương nhiên, và kết cục chỉ dân thiệt”, ông Lợi nói.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, hiện nay thị trường vàng đang rất cần các văn bản pháp luật quy định rõ ràng việc chuyển đổi vàng SJC cũng như việc mua bán vàng SJC bị cong vênh thế nào cho thị trường ổn định.

“Thị trường vàng đang mất phương hướng bởi cơ quan quản lý không có thông điệp rõ ràng. Trong khi chờ các văn bản của nhà nước, người dân nếu không bức thiết, đừng bán vàng phi SJC mà chờ đợi để tránh thiệt hại cho mình”, ông Ánh nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG