Chứng khoán - Cần bản lĩnh ngoại

Nhà đầu tư thấp thỏm xem nhiệt kế thị trường Ảnh: Minh Đức
Nhà đầu tư thấp thỏm xem nhiệt kế thị trường Ảnh: Minh Đức
TP - Thị trường chứng khoán hôm qua (27-8) diễn biến quay đầu khi cả hai chỉ số giảm mạnh với gần 300 mã giảm kịch sàn. Trong khi các nhà đầu tư nội nặng tâm lý bán tháo thì khối ngoại lại bền bỉ mua vào.

> Chứng khoán tăng nhẹ, USD giảm, vàng hạ nhiệt

Nội: Phản ứng thái quá?

Phiên cuối tuần trước, thị trường phục hồi một cách ngoạn mục với 1.700 tỷ đồng được “đổ vào” chứng khoán.

Nhắc lại phiên này, một nhà đầu tư trên sàn Công ty chứng khoán Đông Á (TPHCM) hào hứng: “Ngay khi thấy sự xuất hiện của lực cầu, thị trường hưng phấn trở lại. Hy vọng những gì xấu nhất đã ở lại phía sau”.

Tuy nhiên, ngày vui “ngắn chẳng tày gang” khi kết thúc phiên giao dịch hôm qua thứ hai (27-8), chứng khoán lại đỏ sàn. Chỉ số VN-Index giảm 13,53 điểm (3,38%) chốt tại 386,19 điểm.

Chỉ số HNX-Index cuối phiên mất tổng cộng 2,8 điểm (4,44%) đóng cửa tại 60,31 điểm. Diễn biến trên hai sàn đều tỏ ra khá bi quan với gần 300 mã cổ phiếu giảm kịch sàn.

Tổng khối lượng giao dịch tại sàn Sài Gòn đạt 42,32 triệu cổ phiếu, giảm hơn nửa so với cuối tuần trước, đạt giá trị 645 tỷ đồng. Tại sàn Hà Nội, chỉ khoảng 35 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương đương 320 tỷ đồng.

Một chuyên gia trong ngành tài chính phân tích: Không loại trừ khả năng một số đội lái đang cố tính đẩy thị trường để thoát hàng. “Thị trường không dễ dàng vượt qua cú sốc “bầu” Kiên.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận là nhờ sự xuất hiện của dòng tiền khá mạnh nhà đầu tư lấy lại niềm tin và sự bình tĩnh” - Vị này nhận định.

Ông Phạm Tiến Dũng, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVS) chỉ ra: cổ phiếu ngân hàng diễn biến tích cực trở lại sau những phiên liên tiếp bị bán tháo.

Sự hồi phục của nhóm ngành này là cơ sở để nhà đầu tư bớt phần lo ngại và tự tin hơn trong các quyết định mua vào.

Ngoài ra, sự tác động khác đó chính là thông điệp trấn an được phát đi từ UBCKNN vào đúng thời điểm. Các chuyên gia cho rằng, thời điểm đưa ra văn bản này rất hợp lý, kịp thời.

Khối ngoại - Bền bỉ mua

Ngay những ngày đầu biến động, dù nhà đầu tư nội “nao núng” và ngay cả các công ty chứng khoán thi nhau bán tháo cổ phiếu thì nhà đầu tư ngoại đã “ứng xử” ngược lại, tức mua ròng. Thống kê trên sàn TPHCM tuần qua, tổng giá trị giao dịch của khối ngoại lên tới hơn 343 tỷ đồng.

Những mã mua nhiều nhất như DPM, GAS, MBB... Trên sàn Hà Nội, khối này mua ròng 27,8 tỷ đồng. Việc giao dịch “tích cực” của khối ngoại phần nào giảm bớt lo ngại.

Trong câu chuyện sáng 27-8, các nhà đầu tư sàn chứng khoán Sacombank cho rằng: điều này thể hiện “bản lĩnh” của nhà đầu tư ngoại, họ đã không bị chi phối bởi tâm lý hoang mang. Đây là điểm nhà đầu tư trong nước nên lưu ý để ứng xử hợp lý hơn.

Nhìn nhận về thực tế này, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận xét: “Nhà đầu tư trong nước đã phản ứng thái quá, dẫn đến không chỉ cổ phiếu ngân hàng mà cả 700 cổ phiếu của các nhóm ngành khác đều giảm sàn trong nhiều phiên. Theo ông Hưng, sau nhiều phiên giảm sàn liên tiếp, cổ phiếu đã về mức giá hấp dẫn. Bên cạnh đó, với những tiêu chí như lạm phát được kiểm soát, lãi suất tín dụng được hạ thấp, lãi suất cho vay từng bước được giảm, trong trung hạn và dài hạn thị trường chứng khoán sẽ tốt lên.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: “Việc cần làm lúc này nhà đầu tư nên xem xét lại danh mục đầu tư của mình để có sự phân bổ cho hợp lý. Bao nhiêu phần trăm cho cổ phiếu ngân hàng, bao nhiêu phần trăm cho cổ phiếu khác, tức là tạo sự phân bổ đồng đều. Cách nữa, nên có một lượng tiền dự trữ để khi nắm bắt được cơ hội tuyệt vời thì sẵn sàng vào. Chắc chắn, sẽ có một lượng tài sản tức cổ phiếu giá trẻ được bán tháo do tâm lý”.

Chủ tịch Tập đoàn Masan xuất hiện sau tin đồn bị bắt

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) vừa xuất hiện vào chiều ngày 27-8 tại khách sạn New World (TPHCM) sau tin đồn bị bắt.

Ông Quang vừa từ Mỹ trở về và tham dự buổi lễ kỷ niệm 10 năm của một công ty con thuộc tập đoàn.

Những ngày qua, thị trường lan truyền thông tin ông Nguyễn Đăng Quang bị bắt. Sự xuất hiện của ông Quang cũng có thể nhằm giải tỏa những thắc mắc của nhà đầu tư.

Ngoài cương vị Chủ tịch HĐQT của Masan, ông Nguyễn Đăng Quang còn là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam Techcombank.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG