Theo dấu những con tàu nợ nần

Theo dấu những con tàu nợ nần
TP - Hàng chục tàu biển thuộc diện cho thuê, thuê mua của nhiều tổ chức tín dụng đang nằm phơi ngoài biển, hoặc không rõ tung tích, do bên thuê tàu khai thác không trả được nợ. Chủ nợ chỉ còn cách theo dấu những con tàu nợ nần, để bắt nợ...

> Tiết lộ nguyên nhân chìm tàu Vinalines Queen

Đi săn tàu

Một ngày cuối tháng 9, PV Tiền Phong có mặt tại vụng Dâng (TP Hạ Long, Quảng Ninh) nơi có khoảng 20 tàu biển đang neo đậu dài ngày. Vừa đặt chân lên chiếc đò gỗ, ông Sinh, một chủ đò hỏi ngay: “Cô lại đi tìm tàu bắt nợ à?”.

Ông Sinh cho biết, gần đây, ông thường xuyên chở cán bộ ngân hàng, công ty cho thuê tài chính hoặc người cho vay ra vụng Dâng để tìm bắt tàu. Là chủ đò, nhưng ông Sinh nắm thông tin tàu đỗ trên vụng Dâng còn chính xác hơn cả cán bộ cảng vụ.

 Nhiều công ty vận tải biển đã bị mất cân đối tài chính, thậm chí không có tiền mua nhiên liệu chạy máy, nợ lương thủy thủ trong thời gian dài. Không có tiền trả nợ, chủ tàu và người thuê tàu đành bỏ rơi tàu ở khu neo, hoặc trôi ngoài biển”. 

“Tàu AN PHÚ 18 đỗ ở đây khoảng một tháng, vừa nhổ neo sáng nay. Tôi vừa chở 5 thuyền viên mới ra bổ sung cho đoàn thủy thủ, tiếp thêm lương thực, dầu mỡ… để cho tàu chạy về Hải Phòng”- Ông Sinh nói và cho biết thêm, tàu PACICO cũng đỗ ở đây hơn chục ngày, nhưng vừa chạy đi cột 6 (khu neo đậu thuộc TP Hạ Long) hai ngày trước. Đây là hai trong số nhiều con tàu mà PV đang tìm kiếm.

Tại khu neo đậu ở vũng Đục (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh), vợ chồng chủ đò tên Nhật tưởng chúng tôi là chủ nợ đi tìm tàu nên sẵn lòng hỗ trợ thông tin. Một cái vẫy tay của chị vợ, là chiếc tàu gỗ lập tức cập bờ để chở chúng tôi ra khu neo.

Trên bờ, chị vợ gọi điện thoại cho các chủ tàu khác để xác định vị trí của những tàu chúng tôi hỏi như ĐẠI PHÁT, PACICO, LONG THỊNH STAR…

Đây là 3 tàu của công ty cho thuê tài chính ALC II đã cho 3 công ty vận tải biển tại Hải Phòng thuê. Nhưng tìm khắp vũng Đục, chúng tôi vẫn không thấy bóng dáng 3 chiếc tàu này.

Hiện nay, trên vụng Dâng và vũng Đục có không dưới 40 tàu trọng tải từ 2.000- 5.000 tấn đang neo đậu trong tình trạng hoàn toàn không có hàng, neo đậu dài ngày từ 1 tuần đến 2 tháng.

Thời điểm này, khu chuyển tải trong vũng Đục của Cty TNHH Huy Mạnh vắng ngắt không một bóng tàu vào làm hàng. Cty Huy Mạnh đầu tư một cẩu bốc hàng có giá hơn 20 tỷ, nhưng hoàn thành hơn 1 năm mà chưa dám khánh thành.

Một chủ chuyên buôn than cho hay, “Việc xuất khẩu than đã dừng lại mấy tháng nay, nên có khoảng 20 tàu ở đây chỉ nằm chơi. Mà tàu nằm không như lợn con thế kia thì lấy đâu ra hàng cho cẩu hoạt động”.

Trong số này, có 3 tàu của Cty cho thuê tài chính I (ALC I) thuộc Agribank là Minh Sang 07, Trường Xuân 09, Vạn Xuân 18. Đáng chú ý, tên tàu Minh Sang 07 đã bị phủ tên (bằng sơn xanh) ở phía đuôi và mạn tàu, đang được bộ đội biên phòng kiểm tra.

Ngoài ra, có hơn chục con “tàu chuột” khác không có tên, không số IMO… Theo ông này, có tàu đỗ ở vũng Đục dài ngày chỉ có hai lý do: chủ tàu không đủ sức khai thác hoặc đã bị bắt nợ.

Theo anh Nhật, nhiều chủ nợ muốn bắt được tàu phải lùng sục rất vất vả. Mấy tháng nay, tuần nào anh Nhật cũng chở vài đoàn cán bộ ngân hàng, công ty tài chính đi tìm tàu để bắt nợ.

Họ chia thành nhiều tốp, thuê đò đi khắp các vụng Dâng, vũng Đục, Cửa Ông, Cột 6… Có lúc tìm được tàu, có lúc về không. Vì các tàu luôn thay đổi chỗ neo đậu để tránh bị cơ quan chức năng kiểm tra, bắt giữ. Thậm chí, có tàu bỗng dưng biến mất, không ai rõ tung tích.

Tàu trăm tỷ bị bỏ rơi

Theo một báo cáo của Cục hàng hải Việt Nam gửi Bộ GTVT tháng 8-2012, cả nước hiện có 43 tàu đang neo đậu lâu ngày trong vùng nước cảng biển, từ năm 2007-2008.

Trong đó, TPHCM có 14 tàu, Quảng Ninh có 3 tàu, Hải Phòng 4 tàu… Và có nhiều tàu của Cty vận tải biển VTB Viễn dương Vinashin (5 tàu), Tập đoàn vận tải ĐB-HK Trãi Thiên (4 tàu), Cty TNHH MTV hàng hải Viễn Đông (2 tàu).

Số lượng tàu biển neo đậu dài ngày đang có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do chủ tàu và người thuê tàu không có nguồn hàng, giá cước giảm mạnh, trong khi chi phí vận hành tàu tăng.

Ông Vũ Duy Mẫn, giám đốc chi nhánh Cty vận tải biển và thuê tàu Vietfracht cho biết: “Thực tế, nguồn hàng đã giảm 40%, chủ tàu, người khai thác của Việt Nam không thể cạnh tranh với các hãng tàu nước ngoài. Giờ các đội tàu lớn của VOSCO, Vinalines, Biển Đông còn khó sống, có nơi phải bán tàu để ăn dần. Mà giờ bán tàu cũng không ai mua, nhất là tàu giá trị lớn”.

Theo Cảng vụ Hải Phòng, hiện đang có 4 tàu lớn đang neo đậu trong tình trạng vô chủ hoặc cắt giảm thuyền viên, gồm tàu Shun Yun 28338, New Sun, Dynamic Bright, Đại Phát. Trong đó, hai tàu Dynamic Bright, Đại Phát (trọng tải từ 5.700-6.900 tấn) là tài sản của ALC II, đều được cho doanh nghiệp vận tải biển thuê.

Nhưng hai tàu đã bị bỏ mặc ở khu neo Ninh Tiếp (Cát Hải, Hải Phòng) trong tình trạng không hoạt động, không có nhiên liệu và không đủ định biên. Hiện, tàu Đại Phát đã được kéo về khu neo Vật Cách.

Trong tình cảnh tương tự, tàu New Sun (dài 136m, trọng tải 1,67 vạn tấn) của Cty TNHH MTV vận tải Viễn dương Vinashin đã neo nhiều tháng ở khu neo Bến Gót (Cát Bà, Hải Phòng). Ngày 10-8-2012, do ảnh hưởng của bão lốc, tàu New Sun đã bị trôi ra sát mép luồng Lạch Huyện.

Con tàu này có nguy cơ quay ngang và trôi vào tuyến luồng, gây mất an toàn cho các tàu thuyền khác, va chạm vào cột điện cao thế. Cho đến giờ, do khó khăn về tài chính, nên Cty vận tải Viễn dương Vinashin vẫn chưa thể di chuyển tàu về nơi neo đậu an toàn.

Theo địa chỉ mà các doanh nghiệp thuê tàu đã đăng ký, PV Tiền Phong liên hệ với Cty TNHH XNK và đầu tư Hạ Long (Quảng Ninh) – đơn vị thuê tàu Vạn Xuân 18, Cty TNHH Vận tải biển Đại Phát (Hải Phòng)- quản lý tàu Đại Phát, Cty Vận tải biển và Thương mại Quang Trường- quản lý tàu Hồng Sơn (thuê của ALC II). Tuy nhiên, các chủ nhà khẳng định, không hề có công ty nào ở địa chỉ nhà của họ.

Bà Nguyễn Thị Anh Thu, Giám đốc ALC I cho biết: “Khoảng 90% dư nợ của ALC I là của tàu bè”. Theo bà Thu, trước kia để thuê được tàu, họ (doanh nghiệp) nói rằng đã có chân hàng.

Giờ thị trường vận tải biển sụt giảm mạnh, họ nói chân hàng đang khó khăn và khó đảm bảo nghĩa vụ trả nợ. Do đó, “trong vòng 3 năm qua, ALC I phải dừng hẳn việc cho thuê, thuê mua tàu, mà chỉ tập trung xử lý nợ. Nhờ thế, cho đến giờ, ALC I đã giảm được 50% dư nợ, xuống còn 1.200 tỷ đồng”- Bà Thu nói.

Đây là thảm cảnh của những tàu biển trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng, thị trường vận tải biển sụt giảm mạnh. Nhưng việc xử lý tài chính đối với những con tàu bắt giữ được, hiện đang là bài toán khó với các công ty cho thuê tài chính, ngân hàng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG