Tham nhũng tăng do đâu?

Tham nhũng tăng do đâu?
TP - Tham nhũng tăng do quên trách nhiệm giải trình là ý kiến của chuyên gia quốc tế về nguyên nhân khiến tham nhũng tại các tỉnh ở Việt Nam gia tăng, tại Hội thảo với chủ đề “Công tác phòng, chống tham nhũng ở địa phương - Thực trạng và giải pháp”, diễn ra tại Quảng Ninh ngày 16-10.

> Đề xuất chưa tăng lương do khó khăn ngân sách

Ông Nguyễn Ngọc Anh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển (DEPOCEN), dựa trên kết quả nghiên cứu và những số liệu từ nhiều nguồn về tình trạng tham nhũng và phòng chống tham nhũng tại 4 tỉnh phía Bắc, gồm Hà Nội, Sơn La, Hải Dương, Hải Phòng phân tích: Năm 2011, Hà Nội có tới 63% doanh nghiệp (DN) phải chi phí không chính thức, đứng thứ 2 là Hải Dương.

Tỉnh nghèo như Sơn La cũng 44%, trong khi mức bình quân của cả nước 39%. “Chi phí không chính thức này có sự khác biệt lớn giữa các tỉnh, phải chăng cơ hội kinh tế ảnh hưởng tới mức độ tham nhũng, nên Hà Nội cao nhất, quá trình đô thị hóa cũng dẫn tới tham nhũng, nên Hải Dương cao thứ 2…?”- ông Ngọc Anh đặt vấn đề.

Quảng Ninh sẽ thi tuyển chức danh giám đốc sở

Được giới thiệu trao đổi về kinh nghiệm chống tham nhũng của Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch tỉnh này cho biết: “Tỉnh đã đầu tư hơn 600 tỷ đồng để xây dựng chính quyền điện tử, dự kiến đến năm 2014 sẽ xong. Khi đó, sẽ hạn chế tối đa việc công chức tiếp xúc trực tiếp với dân. Về công tác bổ nhiệm cán bộ, tỉnh đang báo cáo Ban Tổ chức Trung ương, xin cơ chế cho thi tuyển tới vị trí giám đốc sở. Khi đó sẽ loại dần được tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này”.

Theo phân tích của ông Ngọc Anh và nhóm nghiên cứu, tỷ lệ người dân tại Hà Nội được hỏi trả lời phải mất chi phí không chính thức cao nhất trong số 4 tỉnh.

Tại Sơn La, chi phí không chính thức khi xin việc vào cơ quan nhà nước nổi cộm nhất, Hải Dương là ở khu vực y tế và đất đai, còn Hải Phòng tỷ lệ chi phí không chính thức ở hầu hết các khu vực đều cao hơn mức trung bình.

Không nhất trí hẳn, ông Nguyễn Văn Tuấn Dũng, Chánh Thanh tra Nhà nước TP Hà Nội cho rằng: “Lấy ý kiến người dân, DN là cần thiết, nhưng trước khi đưa ra những con số và phân tích trên, cần làm việc với cơ quan chức năng của Hà Nội”.

Tuy nhiên, ông Dũng thừa nhận, Hà Nội là trung tâm chính trị của cả nước, nên mọi thứ đều đắt đỏ, cơ hội làm ăn cũng khác. “Nên nói vận động hành lang thì chính xác hơn là tham nhũng”, ông Dũng nói.

Từ thực tế nghiên cứu về quản trị địa phương tác động tới tham nhũng, ông James Anderson, chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra: Sau hai thập kỷ, việc Việt Nam phân quyền cho hệ thống chính quyền cơ sở (từ quy hoạch, cấp đất, nhân sự, đầu tư, thu ngân sách…) có tác dụng tích cực đưa chính quyền đến gần người dân hơn.

Tuy nhiên, việc phân cấp chưa thực hiện đồng bộ với trách nhiệm giải trình nên dẫn tới tình trạng gia tăng khiếu kiện đất đai và tham nhũng. Hiện có một số tiến bộ về trách nhiệm giải trình, nhưng mới chỉ ở cấp xã.

Theo ông Anderson, để hạn chế tham nhũng, cần cân bằng trách nhiệm giải trình tương ứng với việc được phân quyền, thực hiện công khai những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính. Có minh bạch nhiều, tham nhũng mới ít cơ hội nảy sinh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG