Độc quyền vàng: Khó kiểm soát giá

Độc quyền vàng: Khó kiểm soát giá
TP - Phiên giao dịch ngày 3-11, ghi nhận kỷ lục mới về mức chênh giá giữa vàng trong nước và thế giới, tới 3,74 triệu đồng/lượng. Liệu việc độc quyền vàng miếng của nhà nước có thành độc quyền doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp kinh doanh vàng hưởng lợi lớn còn Nhà nước thì khó kiểm soát giá?

> Lợi, hại độc quyền vàng miếng

Phiên giao dịch ngày 3-11, trên website của Cty vàng bạc đá quý Sài Gòn cho thấy giá vàng thế giới đột ngột giảm sâu tới 40 USD/ounce, rời mốc trên 1.700 USD/ounce, xuống còn 1.678 USD/ounce (tương đương giảm khoảng 800 ngàn đồng mỗi lượng).

Tuy nhiên, Cty SJC chỉ điều chỉnh giá giảm khoảng 480 ngàn đồng mỗi lượng (45,80-45,95 triệu đồng, mua vào-bán ra). Với mức chênh lệch giá cao như vậy, giá vàng trong nước có thể nói không còn sự liên thông với giá vàng thế giới.

Với thị phần vàng miếng SJC chiếm tới hơn 90%, nên kể cả khi NHNN chưa độc quyền vàng miếng, thì Cty SJC vẫn là nơi quyết định giá mua vào bán ra của thị trường vàng Việt Nam.

Còn nay, SJC được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chọn là thương hiệu vàng quốc gia, thì đương nhiên giá vàng SJC do doanh nghiệp này toàn quyền quyết định (cả giá mua bán và khoảng cách giữa giá bán và mua).

Không ít lần phóng viên hỏi người có trách nhiệm của Cty SJC về những tiêu chí để doanh nghiệp này quyết định giá bán và mua vàng, đều chỉ được giải thích là căn cứ theo giá vàng thế giới và cung cầu thị trường.

Nhưng nay, với giá bán đắt hơn vàng thế giới tới 3,74 triệu đồng mỗi lượng, thì giá thế giới chỉ còn là tiêu chí tham khảo.

Và có thể hiểu, Cty SJC muốn bán và mua giá nào là quyền của họ. Còn các thương hiệu vàng khác, buộc phải lấy giá của SJC để tham khảo và quyết định giá của mình.

Theo nhận định của giới thạo tin, sở dĩ phiên giao dịch hôm thứ bảy Cty SJC neo giá cao mà không giảm theo giá thế giới vì lo ngại tin xấu liên quan một số chủ ngân hàng sẽ khiến giá vàng trong nước tăng vọt vào tuần này.

Chưa kể, hiện lãnh đạo NHHN đã tuyên bố không nhập vàng, vì thế lượng vàng trong nước có bao nhiêu thì luân chuyển nội bộ, thị trường trong nước đã “bế quan tỏa cảng” với thế giới thì làm sao theo giá thế giới được.

Chỉ doanh nghiệp lợi

Kể từ cuối năm 2011, sau khi Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tuyên bố SJC trở thành thương hiệu vàng độc quyền của nhà nước và đặt mục tiêu kéo giá vàng trong nước chỉ cao hơn thế giới từ 300 đến 400 ngàn đồng mỗi lượng. Ngoài ra, chính sách này sẽ giúp ổn định tỷ giá.

Tuy nhiên, kể từ đó tới nay mức giá giữa vàng trong nước và thế giới càng bỏ xa nhau, và đỉnh cao nhất là ngày 3-11, với mức chênh tới 3,74 triệu đồng mỗi lượng.

Cho đến nay, Nghị định 24 về thị trường vàng (trong đó có quy định về việc nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, lấy thương hiệu SJC làm thương hiệu hàng quốc gia), “tác dụng” nổi trội nhất là làm mất giá các thương hiệu vàng miếng khác (SJC có giá đắt hơn vàng Rồng Thăng Long tới hơn 3 triệu đồng mỗi lượng...).

Vô tình làm người dân sở hữu những thương hiệu vàng này mất oan tiền triệu. Một doanh nghiệp kinh doanh vàng cho rằng: “Từ giờ đến cuối năm khi Nghị định 24 về quản lý vàng có hiệu lực chính thức thì khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới không chỉ đứng lại ở con số gần 4 triệu đồng/lượng”.

Lý giải cho phán đoán này, vị giám đốc phân tích: Giá vàng thế giới đang ở mức cao và có xu hướng tăng bởi các nền kinh tế thế giới đang lấy vàng làm tài sản tích trữ trong lúc lạm phát tăng cao.

Nguồn cung vàng trong nước đang thiếu trầm trọng từ sự thiếu thanh khoản vàng của phía ngân hàng thương mại, cộng với sự độc quyền của vàng SJC dẫn đến giá vàng trong nước luôn cao hơn so với giá vàng thế giới.

Độc quyền, khó kiểm soát giá

PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và giá cả, cho rằng với thực tế thị trường vàng miếng hiện nay, thì NHNN đang biến độc quyền vàng miếng của Nhà nước thành độc quyền thương hiệu do một doanh nghiệp quản lý.

Đây là việc phi lý. Nếu như anh muốn độc quyền thương hiệu cũng được, nhưng phải cho rất nhiều anh khác cùng làm vàng SJC chứ không để mình SJC làm được.

Điều này dẫn đến nhiều bất cập và thiệt thòi cho người dân. Hiện đồng tiền không ổn định mà lại dùng biện pháp hành chính để chống vàng hóa, chỉ cho một doanh nghiệp được sản xuất là điều bất hợp lý.

Theo ông Long, Nhà nước không thể kiểm soát nổi giá vàng trong nước vì để độc quyền thương hiệu do một doanh nghiệp làm. Chính vì vậy mà giá vàng trong nước luôn cao hơn rất nhiều so với thế giới.

Thống đốc tuyên bố chênh lệch 400.000 đồng/lượng là hợp lý nhưng đến bây giờ không làm được. Mà hiện nay giá vàng trong nước phụ thuộc vào giá vàng thế giới và độ tuổi của vàng.

Cho nên mục tiêu chống vàng hóa nhưng giá vàng vẫn vuột khỏi tầm kiểm soát, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Rõ ràng giá ở đây không kiểm soát được.

Nhà nước không cho vàng là phương tiện thanh toán, Nhà nước muốn ngăn chặn cái này nên chỉ cho vàng là đồ trang sức và muốn mua bán thì phải thông qua Nhà nước. Điều cấm này không làm được, vì niềm tin với vàng của người dân bao đời nay không thay đổi được”, ông Long nói.

Doanh nghiệp độc quyền gia công hưởng lợi gì?

Ngoài cái lợi do hưởng chênh lệch giá do chính SJC quyết định thì theo ông Trần Thanh Hải - Tổng Giám đốc Công ty đầu tư và kinh doanh vàng Việt Nam cho biết: “SJC hiện nay đang được độc quyền gia công cho NHNN. Chính sự độc quyền gia công cho NHNN đẻ ra lắm chuyện. Việc độc quyền này mang lại nhiều cái lợi cho SJC. Độc quyền gia công cũng như độc quyền sản xuất có nghĩa là anh nắm toàn bộ nhịp điệu của trận đấu, nắm toàn bộ nhịp độ cung cấp ra ngoài thị trường. Anh muốn cung nhiều, cung ít, cung nhanh, cung chậm đều được”.

Ông Hải cho biết, đáng ra phải trả vàng vào buổi sáng thì SJC chỉ cần hẹn chậm lại một buổi mới trả. Trong buổi đó giả sử giá vàng đang lên thì SJC có thể mượn vàng đi bán trước, chiều giá vàng hạ thì tôi mua lại trả lại cho đơn vị cần gia công.

Từ sáng tới chiều mà SJC bán mấy trăm lượng là lãi lớn rồi. Mặt khác, việc độc quyền gia công cũng có nghĩa là SJC được toàn quyền quyết định việc gia công nhanh, gia công chậm, gia công người này trước, gia công người kia sau.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.