Ngân hàng Việt lập kỷ lục về 'thay tướng'

Ngân hàng Việt lập kỷ lục về 'thay tướng'
Riêng trong năm 2012, 18 ngân hàng thương mại thay tổng giám đốc, chưa kể các biến động khác về nhân sự cấp cao khác.

> Ông Đặng Hồng Anh từ nhiệm thành viên HĐQT Sacombank
> Nhân sự ngân hàng biến động mạnh

Loạt thay đổi tổng giám đốc trong năm 2012 không chỉ gắn với mỗi ngân hàng thương mại, mà còn phản ánh những thay đổi lớn trong hệ thống.

Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) và Ngân hàng Phương Tây (Western Bank) mở đầu cho làn sóng thay tướng trong năm 2012, ngay từ ngày 1/1.

Đế nay, thống kê qua các thông tin công bố, đã có 18 quyết định như vậy trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam.

18 thành viên này gồm: Western Bank, Techcombank, ACB, Sacombank, Southern Bank, VPBank, Tienphong Bank, SCB, ABBank, Kienlong Bank, Baoviet Bank, Maritime Bank, OCB, LienVietPostBank, VietABank, VietCapital Bank, MDB và BIDV.

Phía sau con số 18 này là tần suất thay đổi khá dày tại một số thành viên. Một số trường hợp phải thay đổi từ 2 - 3 tổng giám đốc chỉ trong vài năm trở lại đây; có trường hợp người vừa bổ nhiệm chưa ấm chỗ đã lại chuyển.

Mỗi quyết định gắn với mỗi lý do khác nhau. Do thực hiện tái cơ cấu; do thay đổi nhiệm kỳ hoặc người tiền nhiệm đến tuổi nghỉ hưu; do thay đổi lớn về chủ sở hữu, từ hoạt động thâu tóm; do sự cố pháp lý; do các khó khăn nội tại…

Trong đó, có những thay đổi thu hút sự chú ý của công chúng, thậm chí là gây xôn xao trên thị trường. Như đầu năm là sự kiện ông Nguyễn Đức Vinh chia tay Techcombank. Hay ông Phan Huy Khang làm tổng giám đốc Sacombank, sau những thay đổi lớn về chủ sở hữu và cơ cấu quản trị. Hay ông Đỗ Minh Toàn làm tổng giám đốc ACB sau khi người tiền nhiệm gặp rủi ro pháp lý.

Trong loạt thay đổi năm 2012, tân CEO ở nhiều nhà băng vẫn là những gương mặt cũ. Ông Nguyễn Đức Vinh sau khi rời Techcombank đã trở lại làm tổng giám đốc VPBank. Ông Phan Huy Khang trước khi đến Sacombank là tổng giám đốc Southern Bank. Ông Nguyễn Hưng rời VPBank đến với TienPhong Bank. Hay những thay đổi vị trí điều hành cao nhất từ VietABank đến ABBank cũng vậy…

Nhưng, một nét mới đã nhen nhóm: thuê CEO người nước ngoài. Hướng thay đổi này gắn với Techcombank, Maritime Bank và MDB. Thành công hay không của hướng đi này vẫn còn ở phía trước.

Còn thay đổi rõ nét hơn trong đội ngũ lãnh đạo cao cấp tại các ngân hàng thương mại năm 2012 là xuất hiện nhiều gương mặt mới, một sự kế thừa của thế hệ trẻ - điều đã bắt đầu thể hiện trong năm 2011 như tại VIB, OceanBank.

Tại nhiều thành viên, tổng giám đốc hiện nay là thế hệ “7x”, trên dưới 40 tuổi - trẻ và ở độ chín của nghề. Họ chủ yếu là những hạt nhân của chính ngân hàng gây dựng nhiều năm qua, và nay là thời điểm chuyển giao.

Tổng giám đốc một ngân hàng đã nhiều tuổi từng chia sẻ rằng: “Mình làm tổng giám đốc đã quá lâu, có khi lại kìm hãm sự phát triển của tuổi trẻ. Cá nhân tôi với ngân hàng đến giờ không phải là quá quan trọng, bởi lúc này chúng tôi đã có nhiều gương mặt mới, tài năng và sẵn sàng thay thế”.

Phía sau những thay đổi đó là cơ hội cho những gương mặt mới, cho thế hệ trẻ thể hiện và khẳng định mình. Song, thử thách phía trước là rất lớn. Bởi bối cảnh chuyển giao năm nay không còn màu hồng như loạt bổ nhiệm, chiêu mộ như thời 2006 - 2007. Họ đang đối diện với thực tế được xem là khó khăn nhất trong nhiều năm qua, hơn cả năm khủng hoảng 2008.

Theo Vneconomy

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.