Cổ tức ngân hàng: Người có, 'kẻ' không

Cổ tức ngân hàng: Người có, 'kẻ' không
TP - Thông tin chi trả cổ tức năm 2012 của các ngân hàng được thông báo khá thưa thớt. Tỷ lệ chi trả cũng không còn hấp dẫn như những năm trước, thậm chí một số nơi dự báo sẽ không có cổ tức.

> Cấm các ngân hàng che giấu nợ xấu
> Ảm đạm mùa cổ tức ngân hàng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đầu năm 2013, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (EIB) thông báo chốt danh sách cổ đông để thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2012 bằng tiền với tỷ lệ 8%.

Số tiền mà EIB sẽ chi ra trong đợt trả cổ tức này dự kiến khoảng 990 tỷ đồng. Nếu so với tổng mức chi trả trong 2 đợt của năm 2011 là 19,3% bằng tiền thì tỷ lệ chi trả trong năm 2012 có vẻ khiêm tốn hơn.

Tính đến nay, mức chi trả cổ tức cao nhất là từ Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) với tỷ lệ 10% trong đợt 1/2012 thực hiện vào cuối năm 2012. Các ngân hàng cổ phần có truyền thống chia cổ tức cao như ACB, Techcombank vẫn chưa có thông tin về cổ tức năm 2012.

Trong khi đó một số ngân hàng cổ phần khác như Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2012 bằng tiền 7%, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã tạm ứng 2 đợt tổng cộng 6% và mới thông báo đợt 3 tỷ lệ 4%, Ngân hàng Đại Á (DaiA Bank) đã trả 5%.

Trong khối ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) quyết định giảm cổ tức 2012 từ 16% xuống còn 13 – 15% sau khi giảm 1.500 tỷ đồng lợi nhuận kế hoạch.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dự kiến cổ tức 2012 giảm từ 14% còn 11,7%. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã từng có ý định giảm các chỉ tiêu kinh doanh và cổ tức trong năm qua.

Hiện tại, thông tin về cổ tức năm 2012 của nhóm cổ phiếu ngân hàng được phát đi khá rời rạc mặc dù đây là thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm. Nhìn chung, tỷ lệ chi trả cổ tức của các ngân hàng đều thấp hơn mọi năm và cũng ở tầm lãi suất gửi tiết kiệm. Thực ra, điều cũng đã nằm trong dự báo bởi bức tranh lợi nhuận sụt giảm, thua lỗ trong năm vừa qua của ngành có thể nói lên điều đó.

Tình hình này khiến những nhà đầu tư trót “kết” cổ phiếu ngân hàng có phần luyến tiếc về thời hoàng kim những năm trước. Còn nhớ giai đoạn các ngân hàng phát triển nhanh về quy mô vốn, tài sản mà phần lớn là từ việc giữ lại lợi nhuận và chia tách cổ phiếu thay cho trả cổ tức bằng tiền.

Thời đó, lợi nhuận của ngân hàng nào cũng thuộc diện “khủng” và việc giữ lại để đưa vào vốn cổ phần trở thành “mốt” và quy mô vốn của nhiều ngân hàng tăng lên nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn.

Cổ phiếu ngân hàng khi đó hấp dẫn nên nhà đầu tư cũng không tỏ ra phiền lòng khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu.

Theo một chuyên gia trong ngành, không phải nhà đầu tư nào cũng “ngắm” vào tỷ lệ cổ tức để đầu tư, nhưng tỷ lệ chi trả cao sẽ góp phần tăng tính hấp dẫn cho cổ phiếu đó. Việc các ngân hàng chi trả cổ tức 2012 ở mức thấp hoặc những ngân hàng yếu kém, mất thanh khoản không có tiền trả cũng là điều dễ hiểu bởi nhiệm vụ hàng đầu của ngành này hiện nay là tái cấu trúc hệ thống, xử lý nợ xấu để tồn tại trước khi nói đến việc chia tiền cho cổ đông.

Mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tuyên bố, ngân hàng nào không trích lập đủ dự phòng rủi ro thì không được chia cổ tức. Như vậy, cùng với thực tế về vấn đề tín dụng âm, nợ xấu, sụt giảm lợi nhuận sẽ khiến cho nhóm cổ phiếu này kém đi sức hấp dẫn về tiêu chí cổ tức.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG