Máy ATM lại nghẽn dịp Tết?

Máy ATM lại nghẽn dịp Tết?
TP - Chen chân để rút tiền ở các thẻ ATM dịp cận Tết là thực trạng diễn ra từ nhiều năm nay của công nhân ở các khu công nghiệp. Không ít người phải ngậm ngùi không có tiền về quê vì “sự cố” ATM.

> Tết cận kề, lại lo... ATM hết tiền
> Thu phí ATM: Ngân hàng 'lờ' quyền chủ thẻ

Đợi đêm để rút tiền

Buổi sáng và trưa 23-1, 20 trụ ATM của ngân hàng Vietcombank ở đường số 8- khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TPHCM chỉ lèo tèo vài người vào rút tiền. Tuy nhiên, từ sau 17 giờ, khi công nhân tan ca, các cột ATM nơi đây lại đông nghẹt.

“Tụi em đi làm từ 6 giờ sáng, chiều mới về. Muốn rút tiền để về ghé chợ luôn thì chỉ có rút giờ này. Nếu chậm chân thì phải chờ”- chị Nguyễn Thị L., công nhân Cty Tai Việt chia sẻ.

Theo ông Lê Văn Hòa, bảo vệ 20 máy ATM nơi đây, ngày thường các máy ATM ít người ghé thăm nhưng những ngày mồng 1 đến mồng 8 hằng tháng thì lại luôn trong tình trạng quá tải.

“Đây là thời điểm mấy chục ngàn công nhân trong khu chế xuất được trả lương nên các cây ATM lúc nào cũng đông thậm chí những ngày giáp Tết, luôn quá tải” - ông cho biết.

Tình trạng quá tải, xếp hàng rồng rắn chờ rút tiền, đặc biệt là lúc 16-17 giờ trở đi xảy ra tại hầu hết các cột ATM ở khu công nghiệp Tân Bình. Anh Hoàng, công nhân Cty May A.K cho biết, dù chưa đến cao điểm chi trả lương, thưởng tết nhưng cứ chiều là máy ATM lại đầy người chầu chực.

“Tết năm ngoái, nhiều anh em trong khu trọ phải chầu chực đến sau 22 giờ đêm mới rút được tiền”- anh nói.

Không chỉ bị nghẽn, thời điểm cuối năm các máy ATM cũng hay “trở chứng”. Chị Lê Thị Thắm (Nam Đàn, Nghệ An), công nhân sản xuất bao bì trong khu công nghiệp Tân Bình cho biết: “Sợ nhất là lúc đút thẻ vào rút tiền thì máy nuốt luôn. Năm ngoái em về quê mà trên tay không có đồng tiền mặt, phải vay bạn bè”.

Chị Trần Thị Phương (Huế) hiện làm công nhân của công ty dụng cụ y khoa Nickso trong khu chế xuất Tân Thuận, quận 7 cho biết, những ngày thường cũng phải chờ để rút tiền huống gì những ngày sắp Tết.

“Tết năm ngoái em chờ rút 1 triệu đồng để mua quà Tết về quê nhưng chạy khắp cả mấy tiếng mà không rút được. Các máy trong khu chế xuất thì kẹt người, ra ngoài rút máy lại báo lỗi, máy thì báo hết tiền”- Chị kể.

20 máy ATM tại khu chế xuất Tân Thuận (TPHCM) thường đông người mỗi chiều tan ca. Ảnh: Lê Nguyễn
20 máy ATM tại khu chế xuất Tân Thuận (TPHCM) thường đông người mỗi chiều tan ca. Ảnh: Lê Nguyễn.

Khó tránh nghẽn mạng 

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện nhiều ngân hàng cho biết, nhu cầu tiền mặt ở một cây ATM rất lớn, trung bình khoảng 500 triệu đồng. Tại một số cây ATM tại TPHCM và Hà Nội trong dịp Tết năm ngoái nhu cầu tiếp quỹ lên tới 800 triệu - 1 tỷ đồng/ngày.

Để đảm bảo cho các cây ATM không bị thiếu tiền, các ngân hàng đã lên kế hoạch tiếp quỹ liên tục trong tất cả các ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Đại diện các ngân hàng thừa nhận với số lượng thẻ phát hành trên phạm vi cả nước hiện đạt khoảng 54 triệu thẻ, gần 14.000 máy ATM và hơn 99.400 thiết bị chấp nhận thẻ được lắp đặt, với tần suất giao dịch tăng vọt vào dịp cuối năm, có thời điểm tăng tới trên 300% - 400% sẽ khó tránh được tình trạng nghẽn mạng.

Đại diện Maritime Bank khẳng định, việc giám sát ATM được thực hiện liên tục hằng ngày. Cụ thể, Maritime Bank phối hợp với các doanh nghiệp xác định quỹ lương thưởng và ngày chi trả để chuẩn bị lượng tiền cũng như tần suất tiếp quỹ phù hợp.

“Với nhu cầu rút tiền tăng đột biến trong thời gian ngắn, khó tránh khỏi tình trạng người dân phải xếp hàng chờ giao dịch như dịp Tết Nguyên đán, nhất là tại các điểm trả lương qua tài khoản”- Vị này nói.

Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) cho biết: “Do thời gian nghỉ Tết năm nay kéo dài tới 9 ngày nên nhu cầu tiếp quỹ tiền mặt tại các cây ATM là rất lớn.

Tính trung bình, mỗi cây ATM cần gần 1 tỷ đồng cho mỗi lần tiếp quỹ và số tiền phải đảm bảo đủ mệnh giá nhằm đáp ứng cho các nhu cầu khác nhau của khách hàng".

“Chúng tôi đã cân đối cơ cấu loại tiền nạp vào máy ATM để đáp ứng nhu cầu khách hàng tối đa”- Một đại diện Vietinbank chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Chí Thành, Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để chủ động trong việc điều hòa tiền mặt cả về số lượng và cơ cấu loại tiền, NHNN đã tổ chức điều chuyển đến các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, nâng mức dự trữ tiền mặt tại các chi nhánh, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiền mặt của các địa phương.

Đặc biệt ưu tiên các địa phương có mức thu - chi tiền mặt cao và tập trung nhiều các máy ATM như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đồng Nai, Bình Dương…

Theo khuyến cáo của các ngân hàng, trường hợp thẻ bị nuốt tại máy ATM của chính ngân hàng giao dịch, chủ thẻ nên gọi điện tới số điện thoại đường dây nóng của ngân hàng được dán trên máy hoặc số trung tâm thẻ của ngân hàng đó (in sau thẻ ATM) để được giải quyết trả thẻ.

Trường hợp bị nghẽn mạng, khách hàng có thể tới các máy ATM nằm trong hệ thống thẻ các ngân hàng kết nối với nhau.

Tết là cao điểm rút tiền, nhưng hiện hệ thống ATM đã nối kết với nhau, do vậy khách hàng có thể rút tiền ở nhiều máy ATM khác nhau, không nên tập trung quá nhiều vào máy của ngân hàng phát hành thẻ dẫn đến quá tải, phải chờ đợi.

Với máy ATM có dấu hiệu không bình thường hoặc nghi ngờ có sự cố, khách hàng không nên cố giao dịch mà nên tìm đến máy ATM của ngân hàng khác.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG