Có cần bình ổn giá vàng?

Có cần bình ổn giá vàng?
TP - Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đóng vai trò bán buôn trên thị trường vàng là phù hợp với nguyên tắc NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng (đồng thời độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu).

> Tăng cường quản lý, bình ổn giá dịp Tết Quý Tỵ
> Chính phủ sắp ra quyết định bình ổn giá vàng

Do đó nguồn cung vàng miếng duy nhất là NHNN, và quyền quyết định lượng cung, thời điểm cung, giá bán thuộc về NHNN là hợp lý. Nói cách khác, sự tham gia của NHNN vào thị trường vàng miếng cả với tư cách người bán cũng như người mua “cuối cùng” đều theo nguyên tắc thị trường.

Tuy nhiên, NHNN nên xem xét yêu cầu can thiệp và bình ổn giá vàng vì vàng miếng không thuộc nhóm cần bình ổn giá và bình ổn giá là không cần thiết.

Hoạt động cung vàng miếng của NHNN chỉ nhằm thu hẹp tới mức thấp nhất chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thông qua đảm bảo cân đối cung cầu và qui định giá bán “khởi điểm” đi đôi với kiểm soát giá bán của mạng lưới kinh doanh vàng miếng dưới sự quản lý của NHNN để chống đầu cơ lũng đoạn thị trường.

Ngoài ra, dự thảo cần quán triệt quan điểm NHNN không và sẽ không kinh doanh vàng miếng trên cả thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Càng không có chuyện NHNN độc quyền kinh doanh vàng miếng mà chỉ độc quyền sản xuất vàng miếng tương tự như độc quyền không thể tranh cãi trong việc in tiền và cung tiền.

Việc hạch toán chi phí của NHNN liên quan đến sản xuất, giao dịch lưu thông vàng miếng cần dựa trên nguyên tắc phi lợi nhuận nên hạch toán vào chi phí nghiệp vụ của NHNN là hợp lý.

Nhưng việc qui định về tổn thất phát sinh trong hoạt động can thiệp thị trường vàng là không cần thiết, thậm chí tạo kẽ hở cho sự lạm dụng vì NHNN không cần can thiệp bình ổn thị trường vàng như cách hiểu hiện nay nên không có tổn thất phát sinh.

Hoạt động của NHNN trên thị trường vàng không phải là hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận nên cũng không thể phát sinh thua lỗ, cần có cơ chế xử lý.

Do NHNN không kinh doanh vàng trên thị trường thế giới, chỉ xuất nhập khẩu hay mua bán vàng trên thị trường thế giới để duy trì cân bằng cung cầu với giá thị trường thế giới nên việc mở tài khoản vàng ở nước ngoài là cần thiết, phù hợp với thông lệ giao dịch vàng trên thị trường thế giới.

Vậy, các qui định về cách thức, qui trình mua bán vàng miếng cần cụ thể, có tính pháp qui cao hơn. Cũng cần xem xét bổ sung phương thức giao dịch vàng tài khoản cho các cá nhân, tổ chức được phép kinh doanh vàng miếng nhằm hạn chế bớt giao dịch vàng miếng vật chất, phù hợp chủ trương chống “vàng hoá”, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt…

Dự thảo tuy đã nêu, nhưng chưa rõ về qui định xử lý mối quan hệ giữa ngoại tệ - vàng - đồng Việt Nam về cả quan hệ cung cầu lẫn giá cả khi NHNN sẽ thu được nội tệ từ bán vàng miếng nhưng lại phải sử dụng ngoại tệ để mua nguyên liệu sản xuất vàng miếng.

Dự thảo cũng chưa có qui định rõ ràng về lượng vàng miếng dự trữ lưu thông. Việc đưa vàng vào dự trữ ngoại hối sẽ kéo theo thay đổi bắt buộc về qui định quản lý ngoại hối nói chung và quản lý quĩ dự trữ ngoại hối quốc gia nói riêng.

Hơn nữa, việc NHNN mua bán vàng miếng với qui mô có khả năng rất lớn sẽ tác động mạnh tới cung VND, ảnh hưởng mạnh tới chính sách tiền tệ quốc gia. Nhưng các qui định trong Dự thảo chưa cho thấy NHNN sẽ xử lý vấn đề này theo nguyên tắc nào.

Cùng với đó, việc nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng chắc chắn tác động đến cung cầu ngoại tệ (chủ yếu là USD) theo đó tác động tới tỷ giá hối đoái và ngược lại việc NHNN bán vàng trên thị trường thế giới cũng tác động tương tự đến thị trường ngoại hối trong nước nhưng Dự thảo cũng chưa nêu được nguyên tắc xử lý vấn đề này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG