'Hôn nhân' Sacombank và Eximbank: Ai được lợi?

'Hôn nhân' Sacombank và Eximbank: Ai được lợi?
TP - Với sự kiện hợp tác chiến lược vừa phát đi, thông tin sáp nhập hai ngân hàng Sacombank và Eximbank đã kết thúc một tin đồn sắp biến thành sự thật. Nếu mối lương duyên diễn ra đúng kịch bản, khả năng sẽ có người “dời cuộc chơi”.

> Các ‘đại gia’ Sacombank đang nắm bao nhiêu vốn?
> Eximbank và Sacombank sắp 'kết hôn'

Tin đồn dần biến thành sự thật

Mở đầu sự kiện ký kết hợp tác, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank thừa nhận nội dung hợp nhất, sáp nhập hai ngân hàng là một vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp do đó cần phải có từ 3 đến 5 năm tới để nghiên cứu, xem xét. Ông cho rằng, thỏa thuận hợp tác này là “màn chào” ấn tượng của cả hai ngân hàng trong năm 2013.

Thực ra, tin đồn sáp nhập hai ngân hàng này đã xuất hiện từ đầu năm 2012 và là đề tài xôm tụ nhất sau thông tin Sacombank bị một nhóm cổ đông thâu tóm.

Cho đến khi kết thúc Đại hội đồng cổ đông thường niên 2012 của Sacombank với kết quả là ban lãnh đạo mới được lập và đỉnh điểm là ông Đặng Văn Thành, cổ đông sáng lập, nguyên chủ tịch HĐQT từ chức vào tháng 11-2012 thì thông tin sáp nhập vẫn còn bán tín bán nghi. Tuy nhiên, vào thời điểm đó lãnh đạo các bên đều chọn cách im lặng.

Mãi cho đến buổi lễ ký kết hợp tác vào chiều 29-01-2013, ông Phạm Hữu Phú, chủ tịch HĐQT của Sacombank đồng thời là đại diện cổ phần của Eximbank tiết lộ thêm, từ thời điểm tháng 6/2006, lãnh đạo 3 ngân hàng là Ngân hàng ACB, Eximbank và Sacombank đã có cuộc gặp gỡ để bàn về việc có nên hợp nhất lại với nhau hay không.

Và ý tưởng hợp nhất này lặp lại khi HĐQT Eximbank họp tại Đà Lạt rồi đi đến thống nhất mua lại 9,73% cổ phần Sacombank từ Ngân hàng ANZ.

Theo ông Phú, quyết định mua số cổ phần Sacombank lúc đó là vừa để tái cơ cấu danh mục đầu tư của Eximbank, vừa có thể hợp nhất hai ngân hàng khi có điều kiện thuận lợi.

Theo lãnh đạo hai bên, lộ trình sáp nhập đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi và thời gian thực hiện dự kiến trong vòng 3-5 năm nữa. Khoảng thời gian này không phải quá ngắn hay quá dài nhưng là thời gian để hai ngân hàng có cơ hội để tìm hiểu thêm về nhau.

Ông Phạm Hữu Phú cho rằng việc tái cơ cấu nếu đáp ứng được 4 vấn đề về quyền lợi của quốc gia, của hệ thống ngân hàng, cổ đông và người lao động thì nhất định sẽ được sự ủng hộ của NHNN và Chính phủ.

Chọn thương hiệu nào?

Xu hướng hợp nhất, sáp nhập các ngân hàng không còn xa lạ trong hai năm gần đây. Thương hiệu Habubank gần 20 năm cũng đã biến mất trên thị trường tài chính sau khi sáp nhập vào Ngân hàng SHB. Trước đó hai thương hiệu Đệ Nhất và Tín Nghĩa cũng biến mất sau khi hợp nhất với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Nhưng các trường hợp đó việc sáp nhập gần như là bắt buộc do các ngân hàng kinh doanh thua lỗ, quản trị yếu kém và dẫn đến nợ xấu. Còn với hai Ngân hàng này, với tình hình kinh doanh đang tốt thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Chính ông Lê Hùng Dũng cũng thừa nhận, quá trình sáp nhập sẽ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề lựa chọn thương hiệu, tỷ lệ chuyển đổi và có bao nhiêu số lượng cổ đông các bên đồng ý.

Với tốc độ tăng vốn điều lệ của hai ngân hàng là 1.000 tỷ đồng/năm, dự kiến đến năm 2015, ngân hàng hậu sáp nhập sẽ có vốn điều lệ khoảng 30.000 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD) với 650 điểm giao dịch trên toàn quốc.

Theo ông Lê Hùng Dũng, quy mô ngân hàng sau sáp nhập cũng chỉ xếp vào loại vừa trong khu vực và không thể nói là có khả năng lũng đoạn được nền tài chính ngân hàng quốc gia như nhiều người lo ngại. Theo ông, vấn đề quan trọng hiện nay là việc sáp nhập của hai ngân hàng có thành công và vươn lên xứng tầm khu vực được hay không.

Nhiều người cho rằng, việc sáp nhập để tạo ra một tổ chức tài chính mới với quy mô lớn và hoạt động lành mạnh sẽ tận dụng thế mạnh của mỗi bên để tăng khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, sự kiện Sacombank bị thâu tóm trong năm 2012 và loạt cổ đông sáng lập phải ra đi lại khiến nhiều người nghĩ đến kịch bản không có lợi cho thương hiệu Sacombank.

Sacombank là một NHTMCP hàng đầu có tổng tài sản đạt 140.137 tỷ đồng (năm 2011) với mạng lưới rộng khắp trên cả nước và vươn sang cả Lào, Campuchia.

Trong khi đó Eximbank là một trong những NHTMCP đầu tiên của Việt Nam với thế mạnh về sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực hoạt động xuất nhập khẩu. Cả hai đều có bề dày hoạt động và tăng trưởng ấn tượng, do đó nhiều ý kiến cho rằng, nếu kế hoạch hợp nhất thành công việc lựa chọn thương hiệu nào giữa Sacombank và Eximbank đều khó khăn cả.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG