Nghi sữa dê rởm gắn mác Pháp

Nghi sữa dê rởm gắn mác Pháp
Nguồn gốc và chất lượng của sữa dê Danlait đang là thông tin gây xôn xao nhiều diễn đàn mạng. Dù nhà phân phối chứng minh xuất xứ, một số khách hàng vẫn nghi ngờ sữa rởm gắn mác Pháp.

Nghi sữa dê rởm gắn mác Pháp

> Đầu năm đi 'chợ đạo chính' Hà Nội

> Hàng lậu vẫn đổ về Hà Nội 

Nguồn gốc và chất lượng của sữa dê Danlait đang là thông tin gây xôn xao nhiều diễn đàn mạng. Dù nhà phân phối chứng minh xuất xứ, một số khách hàng vẫn nghi ngờ sữa rởm gắn mác Pháp.

Chị Hà băn khoăn về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng của sữa Danlait
Chị Hà băn khoăn về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng của sữa Danlait. Ảnh: Ngọc Tuyên
 

Chị Cao Ngân Hà, Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội cho con dùng sữa Danlait (do Công ty TNHH Mạnh Cầm trụ sở ở quận Thanh Xuân phân phối) từ lúc bé được 7 tháng tuổi. Theo thông tin in trên vỏ hộp, sữa do Tập đoàn FIT - một doanh nghiệp Châu Âu sản xuất.

Sau hơn hai tháng sử dụng thấy con tăng cân chậm hơn, chị Hà lo sữa không đảm bảo chất lượng nên nhờ bạn bè ở nước ngoài mua và gửi về. "Tuy nhiên, bạn bè mình là Việt kiều và người Pháp đều nói rằng chưa bao giờ nghe thấy tên sản phẩm này cũng như nhà sản xuất FIT", bà mẹ này cho biết.

Chị Hà tự vào địa chỉ website danlait.fr in trên hộp sữa để kiểm tra thông tin. Nhưng nhìn thấy website rất sơ sài, thiết kế nhiều lỗi, chị Hà càng sinh nghi. "Điều tôi thắc mắc nhất là website của hãng sữa Pháp nhưng có những tên file ảnh ghi bằng tiếng Việt", chị Hà chia sẻ.

Khách hàng này chia sẻ nghi ngờ của mình trên diễn đàn thì nhận được nhiều ý kiến phản hồi về sữa Danlait. Trên diễn đàn lamchame, webtretho, muare, otofun... đều có 2-3 topic chia sẻ những thông tin về sữa Danlait. Mỗi chủ đề có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ý kiến bình luận, trong đó, đa số thể hiện sự hoang mang.

Thành viên nammoc07 trên diễn đàn webtretho chia sẻ: "Mình sống ở Châu Âu, cũng có con nhỏ nên cũng tìm hiểu khá nhiều về các loại sữa, nhưng chưa bao giờ nghe đến tên sữa này cả".

Về chất lượng sữa, thành viên linglinhxxx cho biết, con chị uống được hơn một hộp thì thấy đầy bụng không tiêu, suốt ngày cáu gắt nên dừng. Một người họ hàng làm bác sĩ cũng thấy có bất thường về màu sắc, chất lượng sữa nên không dám cho con uống nữa. Một số thành viên chỉ ra trên vỏ hộp sữa Danlait ghi thành phần mắc những lỗi sơ đẳng về tên hóa học, hình ảnh cóp nhặt từ nhiều hãng sữa khác...

Các bà mẹ có con sử dụng sữa Danlait không giấu nổi lo lắng về sức khỏe của con mình. Thành viên yeuchongxxx kêu gọi: "Các mẹ ơi hãy làm cho ra ngô ra khoai vụ này đi, con mình uống sữa này có 2 tháng thôi mà mình đang lo chết đi được, khi nghe thông tin này thì mình dừng lại ngay mặc dù vẫn còn để nhà 8 hộp nữa kia".

Nickname thanhxxx còn cho biết cho con uống sữa Danlait trong 3 tháng đầu đời nên như ngồi trên đống lửa. "Điều mà các mẹ chúng mình quan tâm nhất là Mạnh Cầm có cho chất độc hại gì vào sữa không", thành viên này chia sẻ.

Công ty Mạnh Cầm đã nhanh chóng công bố các giấy tờ liên quan đến việc nhập khẩu sữa Danlait trên nhiều diễn đàn. Nhưng dựa trên thông tin công bố này, các thành viên lại phát hiện đơn giá hộp sữa 400gram chỉ là 3euro, tương đương 80.000 đồng. Trong khi giá bán tại Việt Nam là hơn 400.000 đồng một hộp.

Bên cạnh đó, chính sự phản hồi chưa thỏa đáng của nhân viên và kể cả đại diện quản lý công ty Mạnh Cầm khiến chị Hà cũng như nhiều bà mẹ khác càng thêm hoang mang, nghi ngờ sữa Danlait bị làm rởm và gắn mác Pháp.

Chiều 20/2, ông Đặng Minh Sang, Phó giám đốc Phụ trách kinh doanh của Công ty Mạnh Cầm cho biết, sản phẩm sữa dê Danlait được nhập khẩu nguyên lon từ Pháp về Việt Nam. Vị này khẳng định, Công ty Mạnh Cầm không có bất kỳ sai phạm nào trong việc nhập khẩu cũng như phân phối mặt hàng sữa Danlait. "Đây là sản phẩm rất tốt về mặt chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc", ông Sang nói.

Theo đại diện này, hiện tất cả những thông tin liên quan đến sữa Danlait được công bố chính thức trên website của Mạnh Cầm, còn những website khác không thuộc quyền quản lý nên công ty không có quyền trả lời.

Về nghi vấn sữa Danlait không được bán phổ biến tại Pháp, ông Sang cho biết, Mạnh Cầm chỉ chịu trách nhiệm phân phối tại Việt Nam, còn tại nước ngoài công ty không có quyền giải đáp. "Chúng tôi chưa bao giờ khẳng định đây là hàng hóa được bán nhiều ở nước ngoài. Nếu khách hàng nào còn thắc mắc về chính sách phân phối của sữa Danlait tại nước ngoài, có thể viết mail để hỏi Tập đoàn FIT", Phó giám đốc Công ty Mạnh Cầm cho hay.

Theo ông Sang, vụ việc này có thể liên quan đến hoạt động cạnh tranh không lành mạnh nhằm gây ảnh hướng tiêu cực đến thương hiệu sản phẩm và hình ảnh công ty Mạnh Cầm. "Trước đây, tại Việt Nam, một hãng sữa nổi tiếng của nước ngoài từng bị vu khống có đỉa, hãng sữa khác cũng bị cho rằng có hàm lượng chì cao... nhưng thực tế không phải vậy", ông Sang dẫn chứng.

Cuối ngày 20/2, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng có văn bản khẳng định sữa dê Danlait ở các lứa tuổi của Công ty Mạnh Cầm nhập khẩu từ Pháp đã được cấp Giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm ngày 17/01/2012.

Trong năm 2012, Công ty Mạnh Cầm đã nhập khẩu 4 lô hàng với 3 dòng sản phẩm, tổng số 40.380 lon (mỗi lon 400g). Tất cả các sản phẩm trên khi nhập khẩu về Việt Nam đều đã có đầy đủ giấy tờ nhập khẩu cho từng lô hàng.

Trước nhiều nghi ngờ của người tiêu dùng cho rằng, sữa Danlait được nhập từ Trung Quốc và gắn nhãn Pháp, Cục An toàn thực phẩm khẳng định các sản phẩm sữa dê Danlait đều có nguồn gốc xuất xứ từ Pháp, ghi nhãn tiếng Pháp và có nhãn phụ tiếng Việt theo đúng quy định. Mặt khác, từng lô sản phẩm đều được Nhà nước kiểm tra về chất lượng, an toàn thực phẩm và kiểm dịch thú y, chưa có dấu hiệu doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm sữa dê từ Trung Quốc.

Theo Ngọc Tuyên
Vnexpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.