Xuất khẩu gạo và thủy sản đều tăng

Xuất khẩu gạo và thủy sản đều tăng
TP - Ngày 27-2, tại tỉnh Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị bàn về sản xuất, tiêu thụ lúa và thủy sản vùng ĐBSCL.

> Làm nhiều lúa vẫn nghèo
> Lúa chất đống, giá bán thấp

Báo cáo của Bộ NN-PTNT, vụ đông xuân 2012-2013, các tỉnh ĐBSCL gieo sạ trên 1,5 triệu ha, sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn. Về mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo, số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến hết ngày 26-2, có 102 doanh nghiệp đã mua trên 211.000 tấn lúa, đạt trên 21% chỉ tiêu. Giá lúa tăng thêm 100 - 200 đồng/kg.

Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong cho biết, thị trường xuất khẩu gạo có tín hiệu mở rộng. Các doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu gần 3 triệu tấn, trong đó có 0,8 triệu tấn giao ngay, còn lại giao hàng từ tháng 4 đến cuối năm. Xuất khẩu gạo từ đầu năm đến ngày 21-2, đạt 0,85 triệu tấn, giá FOB xuất khẩu bình quân 446,01 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2012, tăng 5,45% về lượng và 8,2% về trị giá. Dự kiến cả năm xuất khẩu 7,5-8 triệu tấn gạo.

“Xuất khẩu vụ đông xuân không đáng lo mà chỉ lo các vụ tiếp theo vì rất có thể Thái Lan sẽ tháo tồn kho”, ông Phong nói.

Theo ông Phong, Thái Lan đang tồn kho gạo vụ trước 12 triệu tấn, thêm 3 triệu tấn mới sản xuất, tổng cộng sẽ đạt mức kỷ lục 15-16 triệu tấn. Thời gian quốc gia này giải phóng tồn kho là một ẩn số của thị trường gạo trong năm nay.

Ngoài ra Ấn Độ, Pakistan, Myanma cũng dự kiến xuất khẩu nhiều hơn. Campuchia dự kiến xuất khẩu tăng 17% so với năm 2012. Bên cạnh, Philiphines cho biết sản lượng lương thực tăng 11% và đang có kế hoạch giảm nhập khẩu. Trung Quốc dự báo nhập khẩu khoảng 2,2 triệu tấn gạo, tăng 10% so với dự báo trước đây.

Còn xuất khẩu thủy sản, theo báo cáo của Bộ Công Thương, tháng 1-2013, đạt hơn 486 triệu USD, tăng 139% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, mức tăng này chưa đủ sức giải tỏa nỗi lo cho cả năm vì những khó khăn của năm trước khiến diện tích nuôi trồng giảm, sản lượng giảm.

Các đại biểu kiến nghị, Chính phủ sớm ban hành cơ chế mua tạm trữ để các địa phương chủ động từ đầu vụ; đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp; tháo gỡ khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ cá tra về vốn, quy hoạch, chấn chỉnh sự cạnh tranh nội bộ.

Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong kiến nghị cụ thể với Bộ Công Thương, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến mở rộng thị trường Hàn Quốc, các nước châu Phi, kiểm soát thương nhân nước ngoài mua nông sản không để xảy ra xáo trộn thị trường.

Còn ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, thành viên vận động thành lập Hiệp hội cá tra Việt Nam, cho biết sau gần 4 năm vận động, dự kiến Hiệp hội sẽ ra mắt ngày 2-3.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu, Bộ NN-PTNT nhanh chóng hoàn thiện quy chế giám sát, kiểm tra việc mua gạo tạm trữ; Bộ Tài chính sớm ban hành các văn bản hướng dẫn việc thanh-quyết toán nguồn vốn; các hội và hiệp hội phát huy vai trò làm đầu mối liên kết sản xuất với tiêu thụ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG