Chạm đáy phá sản

Chạm đáy phá sản
TP - Đầu năm, phóng viên “xông đất” một vài doanh nghiệp, đều thấy ngay từ đầu năm đã phải điều chỉnh giảm 30% - 50%, thậm chí tới 90% so với kế hoạch năm 2012. Nhiều doanh nghiệp khẳng định, hòa và lỗ, cố gượng dậy để không phải phá sản đã là may.

> Kinh tế VN 2013: Loay hoay nợ xấu và tín dụng
> Thẻ ATM: Lớn tăng thu, nhỏ miễn phí

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đỗ Mạnh Tuấn, Giám đốc Cty CP Hợp Thành (Hải Dương), cho biết dự báo tình hình kinh tế chỉ có thể khởi sắc từ quý IV năm nay.

Còn thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp thực sự đã chạm đáy của phá sản. Cả công ty với hơn 300 cán bộ công nhân viên đang phải sống dựa chủ yếu vào việc cho thuê nhà xưởng. Thị trường đầu ra không hề sáng sủa nên mục tiêu năm 2013 của toàn công ty là lỗ một ít, còn hòa vốn là may.

“Tiền đã rơi nhưng nước mắt cũng rơi. Với tình hình này phải sau 2 năm nữa, nếu kinh tế có khá lên, thì doanh nghiệp mới thoát được khó khăn. Các cơ quan quản lý phải “vi hành” xuống với doanh nghiệp thì mới biết các doanh nghiệp đang khốn khổ thế nào. Doanh nghiệp giờ chỉ còn cách tìm mọi kế để tự cứu chứ không trông chờ được ai cả" - ông Tuấn chia sẻ.

Ông Vũ Cương Quyết, Giám đốc Cty Đất Xanh miền Bắc cho rằng, thị trường bất động sản được dự báo tiếp tục khó khăn kéo dài trong năm nay nên ban lãnh đạo không dám đặt mục tiêu cao.

“Không sa thải nhân viên, giữ ổn định thu nhập, giữ được mức kinh doanh như của năm 2012, có một chút lợi nhuận là nỗ lực lớn đối với đơn vị. Mục tiêu này nếu đạt được cũng đã là thành công lớn trong bối cảnh hiện nay”- ông Quyết nói.

Cty Viglacera Từ Sơn (mã chứng khoán VTS) cũng chỉ dám đặt mục tiêu hòa vốn trong năm 2013. Tình hình quá khó khăn nên chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay là 0 đồng. Thậm chí, để khuyến khích, đại hội cổ đông đã thống nhất Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Ban lãnh đạo năm 2013 nếu đạt được lợi nhuận sẽ được thưởng 10% lợi nhuận trước thuế.

TS Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng, dự báo năm 2013 tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn nên doanh nghiệp chọn hướng đi cầm cự để an toàn là đúng.

Vấn đề với doanh nghiệp hiện nay là không thể tiếp cận được vốn cùng với đó là nhiều điểm tắc trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Nên năm nay, doanh nghiệp phải kiên trì, nhẫn nại với những mục tiêu kế hoạch đặt ra và phải học cách biết sống với những cú sốc thôi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG