Yên Thế thấp thỏm lo gà lậu

Yên Thế thấp thỏm lo gà lậu
TP - Mặc dù vừa đón một cái Tết khấm khá nhất từ trước đến nay nhưng nhiều người nuôi gà ở Yên Thế (Bắc Giang) vẫn lo lắng gà nhập lậu chủ yếu từ Trung Quốc tiếp tục lộng hành. Giá gà Yên Thế bấp bênh làm người dân và doanh nghiệp lo hơn nhiều lần bệnh dịch...

> Cấp cho Hà Nội 40 tấn gà Yên Thế/ngày
> Gà Yên Thế phân phối rộng rãi là lợi cho dân

Nỗi lo mang tên gà lậu

Tìm vào trang trại gà đồi ở thôn Đề Thám thuộc xã Đồng Tâm huyện Yên Thế của vợ chồng anh Nguyễn Xuân Hiếu, nhìn hàng ngàn con gà cả trống, mái vậm vạp mào đỏ au chạy băng băng trên sườn đồi dốc chúng tôi cũng thấy vui lây.

Chủ nhà tung ra bát ngô nghiền, hàng trăm con gà đang đậu trên cành vải, từ dưới chân đồi đập cánh lao theo rào rào. Hào hứng sau những lứa gà thịt xuất chuồng thành công vào dịp Tết vừa qua, anh Hiếu cho biết hiện đang nuôi 3 đàn, mỗi đàn 1.000 con gà thịt đã chuẩn bị xuất chuồng.

So với trồng rừng, trồng cây ăn quả, nuôi gà đồi lợi nhuận cao gấp nhiều lần. Vào lúc cao điểm, gia đình anh Hiếu thu được tới 40 triệu đồng tiền lãi/1.000 gà nuôi trong bốn tháng. Trung bình cũng đạt 10-20 triệu đồng/1.000 gà.

Cũng theo anh Hiếu, chăn nuôi gà là nghề thuộc hàng “lên voi xuống chó”, nhiều rủi ro. Đàn gà đang độ lớn phây phây mà dịch cúm gia cầm quét qua là có thể khiến người nuôi méo mặt, hàng ngàn con gà phải chôn ngay lập tức.

“Bệnh dịch tàn khốc là vậy, nhưng lo nhất với người nuôi gà Yên Thế lại là cuộc chiến không cân sức với gà thải loại nhập lậu từ Trung Quốc! Giá chỉ 20-30 ngàn đồng/kg bán đến tận tay người tiêu dùng ở Hà Nội.

Trong khi đó tính riêng giống vốn đầu tư cũng hết ít nhất 40 ngàn đồng/kg gà đồi Yên Thế”-anh Hiếu cho hay. Gần đây hay tin gà nhập từ Hàn Quốc bán tại siêu thị cũng chỉ có giá 46 ngàn đồng/kg, bà con Yên Thế lo thắt cả ruột.

“Nhập khẩu từ Hàn Quốc về mà giá còn rẻ hơn nhiều so với gà Yên Thế thì làm ăn ra sao, người tiêu dùng liệu có hiểu cho mình không?”- vợ chồng anh Hiếu trăn trở.

Nhiều người nuôi gà tại Yên Thế khẳng định, nếu được nhà nước quan tâm hỗ trợ, thị trường gà nhập lậu được kiểm soát chặt chẽ, các đầu nậu bị xử lý nghiêm, cạnh tranh lành mạnh, gà đồi Yên Thế không ngại bất kể đối thủ nào.

Ông Phạm Công Vân, Chủ tịch Hội sản xuất và tiêu thụ gà đồi Yên Thế khẳng định, giá gà Yên Thế phụ thuộc rất lớn vào việc các cơ quan chức năng xử lý gà Trung Quốc nhập lậu đến đâu.

“Từ tháng 10 năm 2012 khi cơ quan chức năng chống buôn lậu gà từ Trung Quốc về Việt Nam xử lý quyết liệt thì giá gà đồi Yên Thế tăng nhanh. Ngày cao điểm trước Tết, Yên Thế bán được trên 90 tấn gà thịt mỗi ngày. Trong đó “xuất ngược” đến cả thị trường Quảng Ninh, Lạng Sơn là những nơi trước đây gà Trung Quốc hoành hành.

Giảm gà lông, tăng gà chế biến

Mặc dù gà lông Yên Thế bước đầu tiêu thụ khá tốt tại thị trường các tỉnh phía Bắc, nhất là Hà Nội nhưng ông Vân, cho biết sản phẩm gà đồi Yên Thế cũng đang đứng trước nguy cơ “được mùa rớt giá”, phải bán các sản phẩm chưa qua chế biến giống như vải thiều, nhãn lồng.

Mong mỏi lớn nhất với người nuôi gà Yên Thế là phải bán được trực tiếp gà đã qua chế biến đến tay người tiêu dùng qua hệ thống siêu thị. Trung bình 40 tấn gà lông tiêu thụ mỗi ngày nếu qua khâu chế biến, phân ra làm nhiều loại sản phẩm sẽ đáp ứng phong phú nhu cầu người tiêu dùng đồng thời tăng lợi nhuận, đặc biệt tình trạng nhái thương hiệu gà đồi Yên Thế cũng phần nào ngăn chặn được.

Anh Nguyễn Xuân Hiếu, phản ánh, bản thân anh và nhiều hộ nuôi gà vẫn phải bán gà qua thương lái nên cũng bị phụ thuộc. Nhiều hộ dân vừa nuôi, vừa tự đem gà đi bán tại các tỉnh nên thiếu chuyên nghiệp, rủi ro.

Để có gà qua chế biến cung cấp cho thị trường, câu chuyện đặt ra là phải có sự tham gia của doanh nghiệp chế biến. Tuy nhiên, do bấp bênh giá bán, phải chống chọi với gà thải loại nhập lậu, vùng nguyên liệu chưa ổn định nên doanh nghiệp chưa mặn mà.

Ông Nguyễn Như Giang, Phó giám đốc Công ty CP Giang Sơn cho rằng sở dĩ doanh nghiệp giết mổ-chế biến chưa muốn đầu tư vì gà trong siêu thị đang bị gà lông bán ngoài chợ tạm, chợ cóc khắp phố phường Hà Nội lấn át.

Nhiều doanh nghiệp bỏ hàng tỷ đồng mua dây chuyền chế biến nhưng đành thua lỗ vì đầu ra chưa thuận lợi. Để sản xuất số lượng lớn, giá cả hợp lý, không thể chỉ nuôi gà ri mà phải nuôi cả các giống gà lai mới đáp ứng được.

Việc quản lý giống và quy trình sản xuất gà chưa tốt dẫn đến chất lượng gà thiếu ổn định. “Rủi ro vẫn rất cao với người đầu tư sản xuất và chế biến gà. Còn rất nhiều việc phải làm để xây dựng thương hiệu gà Yên Thế”- anh Giang kiến nghị.

Trước mắt, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ gà đồi Yên Thế khẳng định đang tăng cường kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, thực hiện dán tem đối với gà lông sau khi kiểm dịch để đưa ra thị trường, nâng cao năng lực sản xuất gà giống và đề nghị ngân hàng tăng hạn mức cho vay đối với người nuôi gà...

Huyện Yên Thế hiện có hơn 3.000 hộ nuôi gà quy mô từ 1.000 con trở lên. Có hai giống gà chính được nuôi gồm: gà mía lai gà ri và gà ri lai. Gà trống lông đỏ có pha màu đen, dáng khoẻ mạnh, mào đỏ dựng; gà mái lông vàng, mào đỏ dựng, dáng săn chắc...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).