Ông Nguyễn Bá Thanh: Gỡ nợ xấu không đúng, dân gánh chịu

Ông Nguyễn Bá Thanh: Gỡ nợ xấu không đúng, dân gánh chịu
TP - Lập công ty để tháo gỡ nợ xấu là một ý tưởng hay nhưng quan trọng là cách làm, không cẩn thận là dễ tiêu cực, cuối cùng Nhà nước và người dân lại gánh chịu.

> Ông Nguyễn Bá Thanh khuyến cáo NH về nợ xấu
> Cổ đông lớn chống tái cơ cấu ngân hàng

Trưởng ban Nội chính T.Ư Nguyễn Bá Thanh với tư cách Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng nhấn mạnh như vậy tại hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội TP Đà Nẵng, sáng 20/3.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình: Năm 2013, NHNN cũng đặt mục tiêu tập trung ưu tiên xử lý nợ xấu, tiếp tục tái cấu trúc hệ thống ngân hàng...

Ông Bình thông tin: Sau khi được Bộ Chính trị thông qua chủ trương, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành trình lên Chính phủ và hy vọng trong tuần này, Chính phủ thông qua đề án xử lý nợ xấu và Nghị định về việc thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia, góp phần giải quyết một phần xử lý nợ xấu.

Nhưng trước hết, để giải quyết vấn nạn này, các ngân hàng phải bằng chính nội lực của mình sau đó sẽ đến sự hỗ trợ từ bên ngoài. NHNN tiếp tục triển khai biện pháp tái cấu trúc hệ thống ngân hàng từ cấu trúc thị trường tiền tệ, đưa tiền tệ về đúng vị trí của mình; đến xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Ông Thanh cho rằng: Với cách làm như hiện nay, ngoài việc nhiều ngân hàng lớn cũng nghĩ cách đối phó, thì có những loại nợ không phải xấu mà là quá xấu vì không có khả năng đòi lại được. Lập công ty để tháo gỡ nợ xấu là một ý tưởng hay, tuy nhiên theo ông Thanh vấn đề là cách làm thế nào.

Lĩnh vực này dễ nảy sinh tiêu cực, mua mất mớ tiền, lẽ ra bán 4 đồng thì ổng bán được 5 đồng, ổng kiếm 1 đồng nữa. Như thế là ăn hai đầu. Cuối cùng Nhà nước và người dân lại gánh chịu”, ông Thanh nói.

Kéo lãi suất về dưới 13%

Ông Thanh nhìn nhận tình hình kinh tế trong những năm gần đây không được thuận lợi, lĩnh vực ngân hàng đang được người dân quan tâm nhưng lãi suất ngân hàng ở Việt Nam hiện nay cho vay đang ở mức cao, so với các nước Singapore, Philippines, Trung Quốc…

“Lãi suất đã cao rồi, năng suất lao động thấp, cuối cùng sản phẩm của mình không cạnh tranh được dẫn đến đẩy giá thành lên cao và doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn nên vấn đề mấu chốt là phải làm sao để tái cấu trúc lại nền kinh tế mà tập trung nhất là phải kích cầu nền kinh tế. Mà để nền kinh tế sôi động trở lại là cần nhiều giải pháp đồng bộ của Nhà nước chứ không riêng gì ngân hàng- ông Thanh nhấn mạnh.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình: NHNN sẽ theo dõi sát, nếu diễn biến lạm phát tháng 3 - 4 tới tiếp tục được cải thiện thì NHNN có thể tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất. Hiện mức lãi suất huy động ngắn hạn đã về 8% nên việc tiếp tục giảm lãi suất huy động là khá khó khăn.

 Lĩnh vực này dễ nảy sinh tiêu cực, mua mất mớ tiền, lẽ ra bán 4 đồng thì ổng bán được 5 đồng, ổng kiếm 1 đồng nữa. Như thế là ăn hai đầu. Cuối cùng Nhà nước và người dân lại gánh chịu”  

Tuy nhiên, với độ chênh lệch 3% ở lãi suất cho vay với lãi suất tiền gửi cũng đảm bảo ngân hàng hoạt động và có lãi, nên việc hạ lãi suất cho vay từ 15% hiện nay là có cơ sở. Năm 2013, lãi suất cho vay phải về dưới 13%, phổ biến ở mức 11-13%. Với những doanh nghiệp làm ăn tốt, uy tín với ngân hàng, mức lãi suất cho vay có thể linh hoạt ở các mức khác nhau. Ông Bình cho rằng: Hoạt động ngân hàng đúng ra là thị trường tiền tệ, giờ trở thành thị trường đầu tư.

Ngân hàng thích “làm ngược”

Ông Nguyễn Minh Toàn, Giám đốc Cty TNHH MTV Minh Toàn (Đà Nẵng) ví von: Với kỳ vọng kéo lãi suất cho vay về dưới 13%, ngành ngân hàng đang bày ra một “bữa tiệc ngon”.

Nhưng doanh nghiệp chỉ nhìn mà không ăn được vì ai cũng ốm đau, bệnh tật, thậm chỉ cả “ung thư” hết rồi... Sức khỏe doanh nghiệp bị tổn thương sau thời gian dài lãi suất ngân hàng ở mức cao.

Theo giới doanh nghiệp: Với lãi suất ở mức 10-15%, doanh nghiệp còn khó khăn, khó mở rộng sản xuất. Bà Nguyễn Thị Kim Nữ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty CP Thiên Kim (Đà Nẵng) đồng tình: Đà Nẵng có chính sách bảo lãnh doanh nghiệp vay vốn ngân hàng nhưng doanh nghiệp lại rất khó tiếp cận.

Theo ông Huỳnh Đức Thơ, Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng: Hiện, chưa có doanh nghiệp nào đáp ứng đủ tiêu chí để thành phố bảo lãnh vay vốn ngân hàng, do các dự án thiếu tính khả thi, phù hợp.

Ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng: Ở nước ngoài, ngân hàng muốn tồn tại và phát triển thì họ luôn quý trọng và coi doanh nghiệp là thượng đế. Còn mình thì cứ làm ngược lại, doanh nghiệp lúc nào cũng phải đi năn nỉ ngân hàng thế này, thế khác.

“Ngân hàng và doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau bàn cách tháo gỡ và đi vào những vấn đề cụ thể, như giãn nợ, khoanh nợ thế nào? Ngân hàng phải phát hiện ra dự án để đưa đồng vốn vào sinh lợi.

Sản xuất có những chỗ rất cần nhưng lại không có vốn. Đặc biệt, ngân hàng cần phải có những cán bộ tín dụng tốt, không chỉ thẩm định dự án mà thậm chí còn kích thích cho vay.

Không khuyến khích kinh doanh vàng miếng

Theo Thống đốc Bình: Năm 2013, NHNN kiên quyết giữ tỷ giá ổn định, đồng thời tiếp tục ổn định thị trường vàng. Ông Bình nhấn mạnh: Nhà nước không cấm kinh doanh vàng nhưng không khuyến khích doanh nghiệp và người dân kinh doanh vàng, nhất là vàng miếng.

Quan điểm NHNN không bình ổn giá vàng mà chỉ bình ổn thị trường vàng vì vàng không phải là mặt hàng ưu tiên, thiết yếu. Tránh tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường vàng như trước đây.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.