Angola sẵn sàng ký Hiệp định lao động với Việt Nam

Angola sẵn sàng ký Hiệp định lao động với Việt Nam
TP - Trên số báo Tiền Phong ra ngày 18/5, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, phía Angola chưa ủng hộ ký kết Hiệp định về hợp tác lao động với Việt Nam. Tuy nhiên trả lời phỏng vấn Tiền Phong, Đại sứ Angola Bernado lại khẳng định “sẵn sàng ký kết Hiệp định nếu Việt Nam yêu cầu”.

> Bơ vơ 4,5 vạn người Việt tại Angola: Cục trưởng nói gì?
> Không nắm được số lao động đang làm việc tại Angola

Đóng góp của lao động Việt Nam đối với sự phát triển kinh tế xã hội Angola thế nào, thưa ông?

Từ những năm 80 của thế kỷ trước đã có rất nhiều công dân Việt Nam (VN) đến Angola làm việc. Khi Angola khó khăn, VN đã cử các chuyên gia giáo dục và y tế sang giúp. Các bác sỹ và chuyên gia giáo dục đã không ngừng hỗ trợ, đóng góp công sức quý báu cho Angola.

Chúng tôi chưa bao giờ phàn nàn về công dân VN. Ngược lại, người Angola chỉ luôn nói tốt về công dân VN. Giữa công dân VN và người Angola luôn có một tình cảm tốt đẹp. Với tôi, họ luôn là những người làm việc cần cù. Có lúc Angola trả lương chậm hoặc giải quyết các chế độ chưa tốt, nhưng các chuyên gia VN chưa bao giờ bỏ việc.

Sau nhiều năm chiến tranh, cầu cống, đường sá, trường học, bệnh viện... tại Angola bị tàn phá rất nặng nề. Do đó, để xây dựng lại đất nước, rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế và Việt Nam. Vì thế, tháng 12/2012, Văn phòng Đại sứ quán Angola tại Việt Nam ra đời.

Nhiều lao động VN đang có nguyện vọng sang Angola, thưa ông?

Angola rất cần lao động có tay nghề đến từ VN. Việc lao động VN đến Angola là một hiện tượng tự nhiên, chúng ta không thể ngăn cấm. Từ năm 2000, nhiều lao động Việt Nam đã sang Angola. Chính tôi là người chứng kiến những đóng góp tích cực của lao động VN ở Angola.

Họ không những đóng góp tích cực vào công cuộc tái thiết đất nước mà còn mang thu nhập về cho quê hương, cải thiện đời sống gia đình. Do đó, tôi cho rằng loạt bài “Bơ vơ 4,5 vạn người Việt tại Angola” đăng tải trên Tiền Phong vừa qua đã thức tỉnh các lãnh đạo bộ, ngành liên quan.

Vậy tại sao lãnh đạo Bộ

Lao động Việt Nam làm nghề xây dựng tại Angola cho thu nhập từ 800-1.500 USD/tháng. Ảnh: T. Thiết
Lao động Việt Nam làm nghề xây dựng tại Angola cho thu nhập từ 800-1.500 USD/tháng. Ảnh: T. Thiết.

LĐ-TB&XH lại khẳng định an ninh tại Angola không tốt và thu nhập lao động thất thường?

Tôi cho rằng Angola là một thị trường việc làm hấp dẫn, cho thu nhập cao. Còn ngoài ra, trong quá trình lao động VN làm việc, có thể xảy ra chuyện này chuyện kia, nhưng đó chỉ là những trường hợp hy hữu. Không nên coi một trường hợp cá biệt để đổ cho tất cả lao động VN. Đại sứ quán chúng tôi cũng sẽ hợp tác với Bộ Công an VN, thông qua Bộ Nội vụ Angola để đảm bảo tốt nhất an ninh cho lao động VN.

Như vậy, ông ủng hộ lao động VN sang Angola làm việc?

  Sự có mặt của lao động Việt Nam tại Angola là cực kỳ quan trọng. Họ đã đóng góp tích cực vào công cuộc tái thiết đất nước Angola. Cả 18 tỉnh của đất nước tôi đều có lao động Việt Nam  

Ông João Mamel Bernardo

Bằng chứng là, Đại sứ quán Angola tại VN tuy mới hoạt động được 10 tháng, nhưng đã cấp tới 7.000 visa cho lao động VN. Hiện, các công dân VN vẫn tiếp tục sang đất nước tôi làm việc. Chúng tôi cũng nhận được nhiều đề nghị của công dân đi du lịch tại Angola và cấp visa cho nhiều doanh nghiệp sang tìm hiểu thị trường. Tóm lại, Angola là thị trường rất hứa hẹn về công việc. Luật pháp Angola cũng rất thuận lợi cho đầu tư nước ngoài, môi trường đầu tư thông thoáng, an ninh tốt.

“Sẵn sàng ký kết hiệp định lao động”

Nhưng lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH lại khẳng định không được Chính phủ Angola ủng hộ trong việc ký hiệp định hợp tác về lao động?

Khẳng định thế là không đúng! Bởi vì, đối với Angola, trước khi giành được độc lập, chúng tôi đã muốn hợp tác với VN rồi. Đến bây giờ, chúng tôi vẫn mong muốn điều đó với các bạn trong tất cả các lĩnh vực và sẵn sàng ký kết những hiệp định nếu VN đề xuất. Tôi khẳng định, sự có mặt của công dân VN tại Angola hết sức quan trọng. Chúng tôi mong sự có mặt của công dân VN ở Angola.

Vậy lỗi ở đâu, thưa ông?

Tôi khẳng định không phải lỗi do Angola. Trong quá trình làm việc tại Trung Quốc (kiêm nhiệm cả Việt Nam) và đến tận bây giờ khi tôi là Đại sứ Angola tại Việt Nam, chưa hề nhận được một đề nghị nào từ phía Bộ LĐ-TB&XH VN để ký một hiệp định trong lĩnh vực cung ứng lao động. Các bạn chưa đề nghị, chúng tôi lấy gì để nghiên cứu, phân tích, đi đến ký kết hợp tác mà lại nói là không ủng hộ.

Rõ ràng trong chuyến công tác tháng 12/2012, đoàn công cán của Bộ LĐ-TB&XH đã ra về tay không?

Tôi được biết tháng 12/2012, có một đoàn cán bộ của Bộ LĐ-TB&XH sang Angola làm việc, nhưng bản thân tôi là Đại sứ Angola tại VN không được thông báo. Họ đến Angola làm gì, bàn bạc ra sao, chúng tôi hoàn toàn không biết. Trong đoàn công tác đó, có một số người mang hộ chiếu phổ thông cũng được chúng tôi cấp visa. Khi họ đến Angola, họ thông qua Đại sứ quán VN tại Angola để liên hệ các cuộc tiếp xúc.

Tới đây khi Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, liệu phía Angola có sẵn sàng?

Đại sứ quán chúng tôi rất sẵn sàng. Đại điện Bộ LĐ-TB&XH VN có thể đến văn phòng chúng tôi làm việc hoặc nếu được mời, chúng tôi hoàn toàn có thể lên Bộ LĐ-TB&XH. Khi làm việc xong, chúng tôi sẽ chuyển tất cả các văn bản đề nghị về Angola để 2 bên có thể đi đến ký kết hiệp định hợp tác.

Do Bộ LĐ-TB&XH chưa kiến nghị và trong khi chưa có hiệp định, chúng tôi không thể khoanh tay ngồi chờ. Trong khi lao động VN đang dư thừa thì chúng tôi lại rất cần. Vì thế, chúng tôi không cần biết người đó đến xin visa lao động là cá nhân hay tổ chức, nếu có đầy đủ giấy tờ, chúng tôi sẽ cấp visa, không có lý do gì để ngăn cản nguyện vọng chính đáng .

Đặc biệt, các doanh nghiệp Angola rất hài lòng với lao động Việt Nam. Các công trình xây dựng do người Việt đảm nhiệm chất lượng rất cao. Nhiều doanh nghiệp nói với tôi rằng, lao động VN có kỷ luật, tay nghề cao và không bao giờ gây rắc rối.

Cảm ơn ông.

Trả lời phỏng vấn Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định: “Khi thấy Angola có nhu cầu về lao động, Bộ LĐ-TB&XH đã đặt ra vấn đề đàm phán, ký kết Hiệp định về hợp tác lao động với Angola. Trong kỳ họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Angola năm 2010, ta cũng đã nêu vấn đề ký kết hiệp định, nhưng chưa được phía Angola ủng hộ”.

 

PHONG CẦM

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG